Phòng tránh Cô-Na sai cách, dễ bị… nhiễm độc
Theo báo Pháp Le Progrès, từ ngày 1-3 tới 24-3-2020, các trung tâm kiểm soát chất độc ở Pháp đã nhận được 337 cuộc gọi liên quan đến phơi nhiễm với các sản phẩm (chất tẩy rửa, khử trùng, dung dịch rửa tay khô, tinh dầu) được sử dụng để tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19
Cơ quan An ninh Y tế quốc gia (ANSES) của Pháp đã khuyến nghị người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện sử dụng những chất làm sạch, hoặc khử trùng các sản phẩm (sàn, bề mặt của nhà, hoặc nơi làm việc). Chú ý đừng… trộn lẫn các sản phẩm ấy với nhau, để tránh bị nhiễm độc.
Mặt khác, cần đề phòng các tình huống rủi ro, như hít phải hơi độc, nhiễm độc ngẫu nhiên ở trẻ em khi chuyển sản phẩm gia dụng (trong chai, trong ly nước,...).
Nhiều người Pháp hiện nay vẫn tin rằng tinh dầu có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của họ. Theo ANSES, các loại tinh dầu không phải là một phương tiện để chống lại virus Corona. Điều quan trọng là phải tôn trọng các điều kiện sử dụng các loại dầu ấy: về đường dùng, liều lượng, khu vực sử dụng,…
ANSES cũng lưu ý: cần tuyệt đối không làm sạch thực phẩm bằng nước Javel (thuốc tẩy), hoặc bằng bất kỳ sản phẩm làm sạch hay khử trùng nào khác.
ANSES thậm chí còn khuyến cáo về việc chớ có dùng các sản phầm tẩy rửa, khử trùng (cho sàn nhà và bề mặt nơi làm việc) vào mục đích… vệ sinh cá nhân!
Phong toả càng lâu, càng dễ… ở dơ
Trớ trêu làm sao, vì chỉ có 67% người Pháp thực hiện vệ sinh cá nhân (tắm rửa đầy đủ) mỗi ngày trong thời gian cả nước bị phong toả vì dịch Covid-19.
Đó là một trong những kết quả được công bố từ cuộc khảo sát có tên “Bàn tay sạch, quần lót bẩn... Vệ sinh cá nhân của người Pháp trong thời phong toả”, do Viện Công luận Pháp (IFOP) phối hợp thực hiện cùng trang web 24Matins.fr.
Cái tỷ lệ 67% ấy là một sự… giảm sút đáng kể, so với mức 76% người Pháp thực hiện việc vệ sinh cá nhân đầy đủ, và đều đặn hàng ngày, theo kết quả khảo sát của chính IFOP vào cuối tháng 1, trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Pháp.
Khảo sát “Bàn tay sạch, quần lót bẩn” đã được thực hiện trên mẫu 1.016 người đại diện cho dân số Pháp, từ 18 tuổi trở lên, với bảng câu hỏi trực tuyến, diễn ra trong hai ngày 3 và 4-4-2020.
Cuộc khảo sát này một lần nữa cho thấy có sự khác biệt thật sự về vệ sinh giữa hai giới: 73% phụ nữ Pháp tắm rửa hoàn toàn mỗi ngày, so với chỉ 61% đàn ông Pháp có làm điều tương tự.
Chuyện vệ sinh cá nhân cũng phụ thuộc vào (những) người mà người ta sống chung dưới mái nhà, trong thời phong toả. Cụ thể, 49% đàn ông Pháp sống một mình có tần suất tắm rửa hàng ngày là thấp nhất, so với 70% đàn ông sống với bốn người trở lên trong gia đình.
Tệ hơn nữa, 41% đàn ông sống một mình đã thừa nhận… đặc biệt rằng họ không thay quần lót, hoặc quần đùi, mỗi ngày. Với đàn bà Pháp, chỉ có 15% phụ nữ sống một mình trong thời buổi cách ly xã hội là không thay đồ lót mỗi ngày.
Khi chiếc áo ngực bị… bỏ bê hơn trước
Liệu chuyện ít chịu tắm giặt hàng ngày có phải luôn là một… “hiện tượng nam giới”?
Dữ liệu từ cuộc khảo sát mới của IFOP cho thấy: tình trạng phong toả dường như cũng có tác động tới… lòng tự trọng, đặc biệt là ở phụ nữ. Trước khi bị giãn cách xã hội, có 22% phụ nữ Pháp cho rằng mình “đẹp”, nhưng hiện nay chỉ còn 12% cho rằng họ “đẹp”.
Mặt khác, có nhiều khả năng là 27% phụ nữ cảm thấy kém xinh đẹp trong thời gian cách ly là những người bỏ bê việc vệ sinh đầy đủ mỗi ngày.
Chuyện áo ngực cũng là một thực tế “đặc trưng” khác của phụ nữ trong thời phong toả. Tỷ lệ phụ nữ Pháp không bao giờ, hoặc gần như không bao giờ mặc áo ngực đã tăng từ 3% trước đây lên mức 8% chỉ sau ba tuần cả nước Pháp chịu cảnh phong toả, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ hoặc những người đàn bà sống một mình. Trong số “bất cần” ấy, có 20% là những cô gái trẻ dưới 25 tuổi.
Trong khi đó, 5% đàn ông Pháp cũng nói “không bao giờ” mặc quần lót, hoặc “gần như không bao giờ”, so với chỉ 1% hồi tháng 2 năm nay.
“Nỗi sợ bị nhiễm virus đã đẩy tỷ lệ tuân thủ việc thường xuyên rửa tay lên mức cao chưa từng thấy. Tuy vậy, suy thoái xã hội liên quan tới việc phong toả đã làm giảm bớt một số thói quen nhất định trong vấn đề vệ sinh cá nhân và… quần áo, đặc biệt là trong số những người bị cô lập, những người không còn cần phải tạo ấn tượng tốt với người khác.” - ông François Kraus, giám đốc phụ trách thời sự - chính trị của IFOP, nhận xét.
Nói cách khác, sự cô lập xã hội do phong toả, do giãn cách xã hội, đã dẫn tới sự dễ dãi trong các vấn đề vệ sinh cá nhân của người Pháp hiện nay. Người Pháp nay không còn là chính họ?
Còn chúng ta thì sao, giữa mùa đại dịch toàn cầu này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận