Lại có chị bầu trước đây không có chuyện gì, từ khi mang thai, ngồi hay nằm cứ thường xuyên di động đôi chân, ngay cả khi không bị thai hành. Hiện tượng này nếu xuất hiện ở trẻ, các bậc cha mẹ coi đó là “hiếu động, không lúc nào yên”. Tuy nhiên tình trạng “chân cẳng không yên” xuất hiện nhiều ở người đã “băm bốn, năm nhát” trở lên thì ông chồng hay bà vợ thường “ngạc nhiên chưa!”. Y học gọi đó là “hội chứng chân bồn chồn” (Bệnh Willis-Ekbom).
Không ai biết có bệnh
Cảm giác chân bồn chồn xuất hiện khi bạn ngưng chuyển động. Bạn nằm hay ngồi trong một thời gian như trong rạp hát, trên xe hơi hay trên máy bay đi đường dài. Khi thấy chân bồn chồn muốn “ngọ ngoạy” nếu bạn đứng lên đi bộ hay làm vài động tác tập thể dục bằng cách co duỗi cẳng chân thì cảm giác bồn chồn sẽ giảm đi.
Khi ở nhà, bạn sẽ thấy chân bạn bồn chồn vào buổi tối. Ở một số người còn có hiện tượng co giật, đá chân rất mạnh trong giấc ngủ. Bà vợ có ông chồng bị “chân bồn chồn” thường kêu ca: “Ban đêm tôi phải nằm thật xa hoặc ngủ ở phòng bên kẻo bị ổng đá”, trong khi ông chồng không hề hay biết.
Thỉnh thoảng triệu chứng bồn chồn chân biến mất rồi lại tái xuất. Vì không gây nguy hiểm gì nên ở ta hầu như không ai đi khám để mô tả rằng “đôi chân tôi không để cho tôi yên vào buổi tối. Nó thôi thúc buộc tôi phải cử động…”.

Một số tiêu chuẩn quốc tế để bắt bệnh:
- Có sự thôi thúc buộc bạn phải di động đôi chân không thể cưỡng lại được, thường kèm với cảm giác như có con gì bò lên chân, ngứa ran, có khi bị vọp bẻ (chuột rút).
- Triệu chứng rõ hơn khi bạn ngồi hoặc nằm nghỉ.
- Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi bạn vận động như đi bộ hoặc co duỗi chân.
- Các triệu chứng sẽ nặng nề về ban đêm, quấy rối giấc ngủ của bạn.
- Những triệu chứng này không hề liên quan đến một bệnh khác.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chân bồn chồn
Hội chứng chân bồn chồn xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thấy ở những người trên 50, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Một số nhà khoa học cho rằng nó liên quan đến sự rối loạn nhiễm sắc thể . Cũng có ý kiến nghi ngờ hội chứng chân bồn chồn là do sự mất cân bằng của chất dopamine ở trên não. Đây là chất gửi tín hiệu điều khiển cử động của gân, cơ. Phụ nữ mang thai có thể xuất hiện hội chứng chân bồn chồn, do sự biến động về nội tiết dẫn đến mất cân bằng dopamine. Tuy nhiên sau khi sinh con thì hội chứng này biến mất.
Chân bồn chồn vì các bệnh khác
Tiểu đường, nghiện rượu mà có những triệu chứng của đau dây thần kinh ngoại biên, thường kèm theo hai bàn chân bồn chồn, khó chịu. Những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt (thiếu máu nhược sắc do không đủ sắt để tạo ra hemoglobin trong hồng cầu) như bị chảy máu dạ dày, nhiễm giun móc hay rong kinh, rong huyết. Những bệnh nhân suy thận, ngoài những triệu chứng của suy thận cũng có biểu hiện của hội chứng chân bồn chồn. Khi hội chứng này trở nặng thì bạn sẽ bị mất ngủ, ban ngày cũng khó ngủ vì đôi chân cứ bắt bạn “ngọ ngoạy”.
Làm gì khi bị hội chứng chân bồn chồn?
Trước hết bạn tự điều trị bằng các biện pháp đơn giản:
- Ngâm mình trong bồn nước ấm, massage hai chân. Tiếp đến xả lại bằng nước lạnh.
- Nếu nhà không có bồn tắm thì dùng khăn lạnh và nóng đắp vào hai bàn chân xen kẽ nhau.
- Bạn nên theo học một lớp thiền hoặc yoga giúp các nhóm cơ thư giãn cũng là cách điều trị hội chứng chân bồn chồn.
- Hàng ngày bạn tập luyện bằng cách đi bộ vừa phải, không tập các động tác nặng và mạnh bởi gắng sức sẽ làm hội chứng trầm trọng thêm.
- Tránh đồ uống có chất caffeine như cà phê, trà kể cả chocolate.
Khi đã làm tất cả mà đôi chân vẫn buộc bạn phải “ngọ ngoạy” khiến bạn mất ngủ, khó chịu, hãy gặp một bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận