Thượng Hải vốn là một trong những thành phố phát triển vượt bậc ở Trung Quốc thế nên người dân tại đây thường có mức sống cao hơn hẳn phần còn lại của đất nước. Nhân dịp năm mới, một đơn vị truyền thông đã thực hiện một bài phỏng vấn nhằm khảo sát một số người dân về vấn đề lì xì.
Người được phỏng vấn đầu tiên là một phụ nữ trung niên. Cô cho biết, năm nay đã chuẩn bị tiền mừng tuổi 1.000 tệ (khoảng 3,65 triệu đồng) cho mỗi đứa cháu trong nhà. Trong khi đó, các vị cao niên được mừng tuổi 5.000 tệ (gần 18 triệu đồng). Tổng số tiền cô bỏ vào hồng bao trong đợt tết Nhâm Dần vào khoảng 20.000 tệ (hơn 71 triệu đồng).
Đối tượng kế tiếp lọt vào "tầm ngắm" của phóng viên lại là một bà cô. Theo đó, người này tiết lộ sẽ lì xì ít nhất từ 2.000 - 3.000 tệ (khoảng 7 - 10 triệu đồng), đối với tất cả con cháu trong nhà cho đến khi chúng tốt nghiệp đại học.
Dù vậy, cô cũng nhận được tiền mừng tuổi từ con trai và con dâu của mình, với số tiền từ 3.000 - 4.000 tệ ( khoảng 10 - 14 triệu đồng). Nhờ đó, cô có 10.000 tệ trong tài khoản ngân hàng vào dịp Tết Tân Sửu năm vừa qua.
Ở người thứ ba, bà thím này còn khiến phóng viên muốn "sang chấn" khi bật mí thường lì xì từ 5.000 tệ (gần 18 triệu đồng) trở lên đối với con cháu trong nhà. Còn người quen, họ hàng xa thì bà trao ít hơn, chỉ khoảng 1.000 tệ (hơn 3,56 triệu đồng).
Ngoài ra, một dì khác cũng cho rằng, số tiền có trong bao lì xì sẽ thay đổi, tùy thuộc gia đình đó có bao nhiêu thành viên hoặc nhìn vào mối quan hệ, điều kiện kinh tế...
"Xoay tua" sang phỏng vấn thế hệ trẻ hơn, phóng viên bắt gặp một cô gái đi trên đường và đặt câu hỏi về "thu nhập" từ lì xì trong dịp Tết của cô. Lúc này, cô gái tiết lộ "phong bao lớn nhất từng được tặng" thuộc về người bà của mình. Thông thường, bà sẽ cho từ 500 - 1.000 tệ, ở thời điểm chưa đi làm.
Sau khi tốt nghiệp, cô thường lì xì cho các bậc trưởng bối từ 2.000 - 3.000 tệ (khoảng 7 - 10 triệu đồng) và các em nhỏ của mình từ 500 - 600 tệ (khoảng 1,7 - 2,1 triệu đồng). Theo quan điểm của cô gái trẻ, phong bao đỏ sau khi nhận được cần ấn xuống dưới gối để cầu bình an và may mắn.
Đến lượt một cậu nhóc, em cho biết những năm gần đây thường được lì xì khá nhiều, từ 17 triệu đồng/năm. Số tiền được trích ra một phần nhỏ để mua đồ chơi và vài thứ cậu thích. Số còn lại sẽ nhét ống heo.
Cậu bé cũng tiết lộ, bà ngoài là người lì xì cho em nhiều nhất (với 2.000 tệ), khoảng 7,1 triệu đồng. Em khẳng định sau này lớn lên sẽ lì xì lại cho người lớn tuổi trong nhà, mỗi người ít nhất từ 10.000 tệ.
Những con số trên khiến dân mạng Trung Quốc không khỏi kinh ngạc. Ai nấy đều muốn đưa ra ý kiến đối với câu chuyện trên, dù biết rằng Thượng Hải vốn là một trong những thành phố phát triển bậc nhất đất nước tỉ dân.
Dù vậy, nhiều dân mạng cũng cho rằng, tiền lì xì mang ý nghĩa tượng trưng cho may mắn, cầu an thế nên "bao nhiêu cũng chẳng quan trọng" bằng chính sự thành tâm và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế bản thân. Hơn nữa, cách trao - nhận lì xì cũng chẳng kém quan trọng, nhất là trong thời đại "phú quý sinh lễ nghĩa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận