Vậy người ta mang lẽ âm-dương vào bàn ăn và sức khỏe như thế nào?
Cân bằng là chìa khóa
Đại để, theo luận thuyết thì con người khỏe mạnh là nhờ cán cân âm-dương trong cơ thể cân bằng. Ngược lại, khi cái bập bênh chao đảo, thì bệnh tật nhân đó lẻn vào. Thủ phạm số một gây xào xáo nội bộ, không ai khác là ăn uống. Do vậy, muốn bệnh tật tránh xa phải lựa miếng mà gắp, lấy âm- dương làm tôn chỉ!
Biết đâu bờ bến?
Lý thuyết dễ hiểu, chỉ đau đầu khi bắt tay vào việc. Làm sao biết cơ thể thiên âm hay lệch dương? Làm sao biết món ăn này dương (+), món kia âm (-)? Thật ra các nhà “sinh lý học” âm-dương có đưa ra bộ tiêu chí, nhưng thiệt lòng không giúp nhẹ đầu hơn là bao.
Đơn cử, dựa vào màu sắc ( đỏ +, xanh -), nhiệt độ (nóng +, lạnh -), trọng lượng ( nặng +, nhẹ -), cấu trúc (đặc +, rỗng-), nước (nhiều -, ít +), phản ứng ( teo +, nở -)...
Các triệu chứng bệnh cũng nương theo đó, chẳng hạn: da dẻ hồng hào +, nhợt nhạt - ; gầy ốm +, mập mạp -; lưỡi vàng +, trắng bệch -; phân cứng +, chảy -...
Đến lượt bàn ăn cũng suy ra từ âm-dương: ngũ cốc +, rau củ quả - ; khổ qua +, quả ngọt - ; muối +, đường - ; thịt dê +, thịt vịt -; tôm/cua/ốc/rùa -, cá diếc/ba sa/trắm cỏ +... Chi tiết hơn, người ta còn chia cấp độ như (+++) hay (- -)... Có hẳn bảng chi li tương cà mắm muối dài cỡ vài trang A4 cho những ai muốn tra cứu.
Tư tưởng lớn gặp nhau?
AUCBAD có “đụng độ” y học hiện đại? Không khó nhận ra điều cơ bản là…tư tưởng lớn gặp nhau. Chẳng phải huyết áp, cholesterol, đường huyết hay hàng lô chỉ số sức khỏe khác đều được hóa công xếp đặt cân bằng, cao thì hại mà thấp cũng nguy? Chẳng phải chúng ta được dặn bớt muối để ổn định tim mạch? Chẳng phải chúng ta được khuyên tránh đồ chua để cân bằng dịch vị dạ dày? Bệnh vào từ miệng và phòng bệnh từ miệng là chỉ dẫn sức khỏe Đông Tây đều nhất trí.
Tuy nhiên, sẽ là cố chấp nếu đặt nặng AUCBAD quá mức, đến độ “thay trời hành đạo”, lật nhào những phương cách phòng trị bệnh khác. Chưa nói, Đông-Tây tư tưởng lớn gặp nhau là ở tôn chỉ, còn đụng mặt trên lâm sàng lại khó tránh va đầu nhau côm cốp. Mãi chọn âm-dương thì khó tránh các yếu tố tác động đến sức khỏe khác như dinh dưỡng, vận động, môi trường sẽ bị xem nhẹ.
Tỉ mỉ càng thêm bệnh
Thói đời trớ trêu, tỉ mỉ quá sẽ sinh phiền não, mà phiền não sẽ sinh thêm bệnh. Biết điều này sẽ giúp thực khách âm - dương tránh sa đà, rơi vào rắc rối kiểu “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Như hôm nào vui/buồn quá, lỡ điểm tâm phải món kịch âm hay kịch dương là cả ngày lo lắng không yên. Còn những ai sẵn tăng-xông, tiểu đường, mỡ máu, thống phong, vốn đã ê ẩm mình mẩy với đống kiêng này cữ này nọ, giờ phải ôm thêm “đạo” âm – dương, gắp miếng ăn tới miệng phải lẩm nhẩm âm-dương-âm-dương, đã mệt càng thêm mệt!
Mọi sự tương đối
Chính những “nhà sáng lập” cân bằng âm- dương cũng cho rằng mọi sự là tương đối. Bất kỳ phân định nào cũng có thể rơi vào thế “đầu đuôi đá nhau”. Chẳng hạn, củ quả đỏ được xếp dương (+), nhưng nếu nó sinh trưởng dưới đất tức phải xếp âm (-), vậy thu xếp lỡ cỡ này thế nào?
Sức khỏe trước, phương pháp sau
Mổ xẻ chuyện âm-dương, nhưng đưa ra một câu chốt hạ đúng-sai không dễ chút nào. Nhiều bằng chứng cho thấy AUCBAD hiệu quả, thậm chí có phép màu cải tử hoàn sinh; nhưng ngược lại, cũng có không ít gương tày liếp với cái giá phải trả quá lớn, thậm chí là sinh mạng.
Chỉ có thể nói rằng, nếu ai đó quyết thử một phen, thì khôn ngoan nhất chỉ nên xem AUCBAD là một phương pháp phòng trị bệnh “người trần mắt thịt” như bao phương pháp khác. Hãy mang kết quả sức khỏe của mình ra đánh giá, chứ không phải học thuyết nào. Chọn sức khỏe trước, chọn phương pháp sau. Nếu sau một thời gian răm rắp âm -dương mà sức khỏe xấu đi, bệnh tình không khá khẩm, có nghĩa bạn đã chọn sai phương pháp, hay ít ra nó không hợp với thể trạng của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận