Chưa biết đây có phải bảo tàng đầu tiên trên thế giới chỉ dành cho một loại trái cây hay không, nhưng kế hoạch xây dựng bảo tàng Xoài tại thành phố Lucknow, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ khiến dư luận chú ý.
Theo trang Gulfnews, bảo tàng Xoài sẽ sớm xuất hiện tại trụ sở của Viện nghiên cứu trung ương về nông học cận nhiệt đới (CISH) tại Rehmankhera ở thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh của Ấn Độ.
Dự kiến bảo tàng sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trước khi mùa xoài năm nay tại Ấn Độ kết thúc.
Bảo tàng đặc biệt sẽ giúp du khách hiểu thêm về các giống xoài khác nhau, giá trị y học của chúng, các sản phẩm liên quan tới xoài, lịch sử cũng như các thông tin thú vị về trái xoài nhiều người còn ít biết.
Ông Shailendra Rajan - Giám đốc CISH cho biết: “Bảo tàng này sẽ trưng bày hơn 800 giống xoài hoặc ở dạng mô hình hiện vật, hoặc hình ảnh về chúng với các thông tin mô tả thú vị”.
“Không chỉ có xoài của Ấn Độ, các giống xoài phổ biến khác trên thị trường quốc tế cũng sẽ được trưng bày tại bảo tàng này”, ông Shailendra Rajan nói thêm.
Viện nghiên cứu CISH cũng là nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập “sống” lớn nhất của các giống xoài, song dĩ nhiên du khách chỉ có thể xem chúng sau mùa thu hoạch.
“Trái xoài được cho là loại trái cây cung cấp nhiều chất kháng virus, kháng khuẩn, chất chống ung thư, và một vài loại trong đó đã được chứng minh có khả năng giúp tăng cường miễn dịch, đề kháng virus corona”, ông Shailendra Rajan nói.
Cũng theo lãnh đạo viện nghiên cứu CISH, “sẽ có một cơ sở dữ liệu chứa các thông tin chi tiết về giá trị y học của các hóa chất thực vật tự nhiên để du khách tìm hiểu thêm tại bảo tàng”.
“Cũng sẽ có bảng mô tả các sản phẩm quan trọng được làm từ xoài và giá trị dinh dưỡng của 'vua của các loại trái cây' này”, ông Rajan tiếp, nhắc tới biệt danh dành cho trái xoài của người Ấn.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có số lượng giống xoài phong phú nhất thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận