Bỏ qua các vấn đề chiến sự tại Afghanistan, đất nước này vẫn có rất nhiều cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các cung điện, đền đài - như minh chứng lịch sử của một quốc gia nhiều biến cố.
Tuy có thể khó để ghé thăm trực tiếp tìm hiểu, dạo một vòng các hình ảnh của vùng đất mà "Con đường tơ lụa" huyền thoại bắc ngang Á - Âu cũng rất thú vị đấy nhé!
Hồ Band-e Amir
Nhắc đến Afghanistan, nhiều người nghĩ rằng đây là vùng đất của cát và đá với sự khô cằn, cháy nắng. Thế nhưng, hồ Band-e-Amir lại đem đến một diện mạo hoàn toàn khác với sắc xanh ngọc bích tuyệt đẹp, có tổng diện tích lên đến 600km2.

Màu xanh của hồ đến từ lượng khoáng chất rỉ ra qua các dãy núi, vách đá xung quanh mà thành. Band-e Amir từng là địa điểm thu hút rất đông du khách đến với Afghanistan vào những năm 1950. Tuy nhiên, mãi đến năm 2009 chuỗi hồ này mới chính thức trở thành công viên quốc gia đầu tiên và duy nhất của đất nước này.
Những ngọn tháp Minarets
Tại Ghazni - ở phía đông Afghanistan nổi tiếng với những ngọn tháp của thánh đường Hồi giáo, có tên gọi chung là minarets. Có một vài trong số đó đã "thọ" hơn 1.000 năm tuổi.
Trên những ngọn tháp này, nhiều hình thù được điêu khắc, tạo nên những nét đặc trưng riêng. Nhiều ngọn tháp còn được xem như là vị trí đánh dấu lãnh thổ của vùng đất đó. Tuy nhiên, chiến tranh ít nhiều đã khiến các ngọn tháp bị ảnh hưởng, ít được tu bổ trong suốt thời gian dài.


Thành phố Mazar-e Sharif
Nơi này được tin rằng là địa điểm đặt thi thể của Ali - con rể của nhà tiên trị Muhammad. Tại đây, ngôi nhà thờ màu xanh xây dựng vào thế kỷ 15, là công trình lớn nhất được thành hình ở gần vị trí tưởng niệm Ali. Vẻ đẹp của công trình này được bảo tồn và trùng tu nhiều lần trong hàng trăm năm qua.

Thành phố cổ Bost
Bost đã rơi vào hoang phế đến nỗi chẳng mấy người biết được đô thị này được hình thành từ bao giờ. Có một số thông tin cho rằng, Bost tồn tại ít nhất 3000 năm.
Nơi này từng bị Thành Cát Tư Hãn phá hủy vào năm 1220. Dù những gì còn sót lại của Bost chỉ là tàn tích nhưng địa điểm này vẫn xứng đáng để mọi người có thể tìm hiểu thêm khi đất nước này ổn định hơn.

Những cung điện ở Afghanistan
Cung điện Tajbeg và Darul Aman là hai cung điện được xây dựng bởi nhà vua Amanullah Khan (1892 - 1960) từ những năm 1920. Ông được xem là người lãnh đạo đầu tiên của Afghanistan đi theo Tây phương, đã lãnh đạo quân đội đứng lên chống lại người Anh, giành được chiến thắng và xưng vương vào năm 1919.


Hai cung điện của Amanullah Khan dù chỉ còn là một phế tích sau cả trăm năm thế nhưng nơi này đã và đang được rót hàng triệu đô để phục hồi.
Vì được xây dựng theo phong cách Tây phương nên Tajibeg và Darul Aman còn có tên gọi khác là "cung điện Versailles" ở Afghanistan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận