“Songs of Disappearance” (Những bài ca của… sự biến mất), sản phẩm hợp tác của Bowerbird Collective và BirdLife Australia, vừa được phát hành ngày 3-12-2021. 10 ngày sau, album này đã đạt tới vị trí thứ 5 trên Bảng xếp hạng album ARIA của Úc, bán được hơn 3.000 bản, với 1.500 bản được đặt mua trước ngày phát hành.
“Album này là một dĩa nhạc rất đặc biệt, với một số bản thu âm quý hiếm về các loài chim có thể sẽ không còn tồn tại nếu chúng ta không cùng nhau bảo vệ chúng. Thật vui khi thấy những người đam mê chim thể hiện cùng các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, rằng người Úc quan tâm tới những loài chim quan trọng ấy.” - ông Paul Sullivan, giám đốc điều hành của BirdLife Australia, nói với The Music Network.
Đây là album đầu tiên thuộc loại này đã leo lên tới Top 5 ARIA, dù chỉ tập hợp những khúc hót, tiếng kêu của 53 loài chim đặc hữu của Úc. Tiền thu được từ việc bán album sẽ dành cho các dự án bảo tồn của BirdLife Australia.
Các khúc “nhạc chim” trong album được trích từ bộ sưu tập David Stewart Nature Sound. Trong sự nghiệp kéo dài 40 năm của ông, nhà ghi âm động vật hoang dã David Stewart đã ghi được hàng ngàn tiếng hót, tiếng kêu của nhiều loài chim đặc hữu, ở khắp các vùng xa xôi của nước Úc.
Trong album, có vài đoạn ghi âm quá ngắn, chỉ dài chừng 10 – 11 giây, song đó lại là những “thành quả đặc biệt” mà ông Stewart đã thu được, sau hàng giờ ẩn mình trong những bụi rậm, lùm cây để chờ được… nhìn trộm và ghi lại tiếng kêu của một số loài chim ấy.
Một số âm thanh trong số này có thể khiến người nghe bị… sốc, vì chúng thuộc “bộ gõ” mạnh mẽ hết cỡ, không hề có chút gì gọi là du dương. Có cả những tiếng chim kêu nghe y như… tiếng lách cách, tiếng lục lạc, được xếp chung với những tiếng kêu như những nốt trầm sâu của một số loài chim.
Trong album, người nghe cũng sẽ được thưởng thức khúc hót giống tiếng… đánh mã Morse của con Kéc Đêm (Night Parrot, Pezoporus occidentalis) mà cho tới tận năm 2013 người ta mới được nghe tiếng kêu của nó.
Gây xúc động nhất có thể là tiếng kêu của loài chim ăn mật Regent Honeyeater - loài chim hiện được coi là hiếm tới mức đang mất đi tiếng hót của chính mình, theo nghĩa đen.
Hồi tháng 3 năm 2021, một nhóm nghiên cứu đã cảnh báo rằng chim non của loài Regent Honeyeater không kịp... học tiếng gọi giao phối, do sự suy giảm nhanh chóng của loài chim quý hiếm này. Trước mắt, độ phức tạp trong các điệu hót của chúng đã giảm đi, và 12% chim trống đang hót những khúc gọi bạn tình của… các loài chim khác.
Album “Songs of Disappearance” ra đời từ ý tưởng của Anthony Albrecht, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Charles Darwin bên Úc. Anh cũng là người đồng sáng lập của Bowerbird Collective.
Ý tưởng của Albrecht đã nhanh chóng trở thành một dự án hợp tác của BirdLife Australia, thu hút một số nhà bảo tồn, học giả, nhạc sĩ cùng tham gia.
Đặc biệt, ông Stephen Garrett - giáo sư hướng dẫn luận án của Albrecht - đã viết báo cáo “Kế hoạch Hành động cho Các loài chim Úc 2020”, được xuất bản vào tháng 12-2021, cho biết hiện có 1/6 các loài chim Úc (216/1.299) đang “ở gần nhất với nguy cơ tuyệt chủng”, do thiếu sự hỗ trợ về chính sách, và do biến đổi khí hậu tràn lan.
Trong đó, theo ước tính của BirdLife Australia, số lượng các loài chim bị đe doạ đã tăng lên 25% vì các trận cháy rừng khủng khiếp vào các năm 2019, 2020 đã tàn phá môi trường sống của chúng ở Úc.
Cô Simone Slattery, nghệ sĩ vĩ cầm, và cũng là một nhà đồng sáng lập của Bowerbird Collective, là người đã tổ chức danh mục các khúc “nhạc chim” trong album.
Đặc biệt, cô Slattery đã “sáng tác” bản nhạc chủ đề từ sự… cắt ghép 53 khúc hót, tiếng kêu của các loài chim trong bộ sưu tập của David Stewart. Slattery cho biết cô đã lắng nghe thật kỹ âm thanh của từng loài chim riêng biệt trong bộ sưu tập, cho tới khi nghĩ ra một cấu trúc “giống như một bản hợp xướng bình minh kỳ quặc”. Đó chính là “Songs of Disappearance” - bản nhạc đầu tiên trong album, dài 2 phút 55 giây.
“Thật không thể tin được khi album đã đánh bật được ABBA và The Weekend, cùng những bài ca được yêu thích trong dịp Giáng sinh của Michael Bublé và Mariah Carey ra khỏi Top 5 ARIA”. - Anthony Albrecht nói – “Tôi tin rằng người Úc nói chung đang hoà nhập hơn rất nhiều với cuộc khủng hoảng môi trường mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Tôi nghĩ việc kể những câu chuyện về thiên nhiên theo cách khiến mọi người thật sự gắn bó về mặt cảm xúc là vô cùng quan trọng”.
“Bảo tồn các loài bị đe doạ là một hành động tình cảm, không chỉ là về sinh học. Đó là sự gắn bó sâu sắc hơn với môi trường của chúng ta, và album này là một cách để đạt được điều đó, theo cái cách mà lời nói trên giấy không thể có” - giáo sư Garnett nói, theo The Guardian (10-12-2021).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận