1. Không ăn đủ protein
Theo Healthline, ăn đủ protein là yếu tố quan trọng để giảm thèm ăn. Protein có thể giúp làm giảm nồng độ hóoc-môn gây cảm giác đói bụng và tăng cường nồng độ hoóc-môn giảm thèm ăn. Vì vậy, khi cơ thể bạn cảm thấy thường xuyên đói bụng, điều đó có nghĩa là bạn đang ăn không đủ protein.
Theo Medical News Today, sự thiếu hụt protein có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chẳng hạn như kwashiorkor- suy dinh dưỡng thể phù và marasmus - suy dinh dưỡng thể teo đét, có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, sự thiếu hụt protein có thể gây nên rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm thần, khó hấp thụ chất dinh dưỡng do một vấn đề sức khỏe như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. Lượng protein rất thấp có thể dẫn đến trương lực cơ yếu, phù nề hoặc sưng tấy do giữ nước, tóc mỏng, dễ gãy, tổn thương da ở người lớn, mất khối lượng cơ ở trẻ em, và mất cân bằng hormone.
Người thiếu hụt protein có thể bổ sung bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cao như thịt, cá, trứng, các sản phẩm sữa và sữa chua, các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
![](https://cdn.tuoitre.vn/ttc/r/2021/08/22/protein-source-1629584395.jpg)
2. Không ngủ đủ
Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động của não và hệ miễn dịch. Ngủ đủ giấc sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim và ung thư. Ngủ đủ giấc cũng giúp cơ thể có đủ nồng độ leptin - hoóc-môn cho biết cơ thể đã no. Thêm vào đó, ngủ đủ giấc là một yếu tố để kiểm soát cơn thèm ăn vì nó điều tiết ghrelin - một hoóc-môn kích thích sự thèm ăn. Thiếu ngủ dẫn đến nồng độ ghrelin cao hơn bình thường. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy hay đói khi bạn ngủ không đủ giấc.
Theo Cleveland Clinic, khi cơ thể ngủ không đủ giấc thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo, ngủ ngày quá nhiều, suy giảm trí nhớ, và chất lượng sống giảm.
3. Ăn quá nhiều carbs tinh chế
Carbs tinh chế đã được chế biến cao và loại bỏ chất xơ, vitamin và khoáng chất. Vì vậy, cơ thể bạn tiêu hóa rất nhanh. Đó là lý do chính tại sao bạn thường xuyên đói nếu bạn ăn quá nhiều carbs tinh chế.
Ngoài ra, ăn nhiều carbs tinh chế có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tăng nồng độ insulin. Khi nhiều insulin được giải phóng cùng một lúc để đáp ứng với lượng đường trong máu cao, nó sẽ nhanh chóng loại bỏ đường khỏi máu, dẫn đến giảm đột ngột lượng đường trong máu. Tình trạng này được gọi là hạ đường huyết. Carbs tinh chế này thường được chứa trong bột mì trắng dùng làm bánh mì và mì ống. Thực phẩm như nước ngọt, kẹo và bánh nướng, được làm bằng đường đã qua chế biến, cũng được coi là carbs tinh chế.
4. Chế độ ăn thiếu chất béo
Chất béo đóng vai trò giúp cơ thể no. Vì vậy, khi cơ thể lúc nào cũng cảm thấy đói thì có thể chế độ ăn của bạn không đảm bảo cung cấp đủ chất béo. Không phải chất béo lúc nào cũng có hại cho cơ thể. Nếu bạn ăn quá nhiều chất béo đặc biệt là chất béo bão hòa thì mới có thể tăng cholesterol.
Theo trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh, chất béo có thể giúp cơ thể hấp thụ vitamin A, D và E. Những thực phẩm bạn có thể ăn để bổ sung chất béo như trái bơ, trứng, sữa chua, dầu oliu. Axit béo omega-3 có thể được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi. Bạn cũng có thể nhận được omega-3 từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như quả óc chó và hạt lanh.
5. Cơ thể uống không đủ nước
Nước đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của bạn. Uống đủ nước rất tốt cho não, tim và tối ưu hóa hiệu suất tập thể dục. Thêm vào đó, nước giúp làn da và hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh. Trước các bữa ăn, uống nước quá nhiều làm cho cơ thể có cảm giác no và không thèm ăn. Chính vì nước có vai trò làm cho cơ thể no nên khi bạn cảm giác đói thì có thể bạn đang uống không đủ nước. Cảm giác khát nước có thể cũng được nhầm lẫn thành cảm giác đói.
Theo EatingWell, khi cơ thể không có đủ nước thì có thể dẫn đến thiếu năng lượng, giảm sút trí nhớ, tăng nguy cơ đột quỵ, đau đầu, làn da trở nên xấu xí,….
Ngoài ra theo Healthline, cơ thể luôn đói có thể là do chế độ ăn thiếu chất xơ, bạn đang tập luyện quá sức, uống nhiều rượu, ăn quá nhanh, và bị quá căng thẳng. Và đó cũng là tác dụng phụ của những thuốc bạn đang uống để điều trị bệnh nào đó hoặc bị một vài vấn đề về sức khỏe khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận