Những ngày này ra đường, không khó để trông thấy những gánh hàng rong chất đầy những sọt mận hậu đỏ lựng, căng tròn. Các gia đình mua mận về ăn như một món tráng miệng sau bữa cơm, làm mận dầm đường, siro mận… món nào cũng ngon lành, hấp dẫn.
Không chỉ vậy, y học hiện đại cũng đã công nhận về tác dụng của mận. Loại quả này giàu vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa… giúp thanh lọc máu, tốt cho xương khớp, hỗ trợ điều trị táo bón, tiểu đường.
Tuy nhiên, mận lại là loại quả vị chua, giàu axit nên không phải ai ăn cũng phù hợp. Theo khuyến cáo của cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), một số đối tượng sau nên thận trọng khi ăn quả mận.
1. Trẻ em, người mắc bệnh dạ dày không nên ăn mận
Cũng vì có chứa hàm lượng axit cao mà mận có thể gây hại cho con người nếu ăn quá nhiều. Đặc biệt, những bệnh nhân bị đau dạ dày, có tiền sử mắc bệnh dạ dày không nên ăn mận để tránh axit của mận làm loét dạ dày, làm bệnh tình thêm trầm trọng. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, ăn mận có thể làm hại men răng, vì vậy phụ huynh không nên để trẻ ăn quá nhiều mận trong một lúc.
2. Bà bầu, người nóng trong không nên ăn mận
Mận có nhiều chất chua có khả năng phân giải Ca-P, protein trong cơ thể, ăn quá nhiều sẽ không tốt. Ngoài ra, ăn quá nhiều mận cũng gây nóng trong, phát ban, nhất là những người có cơ địa nóng.
Ngoài người nóng trong, phụ nữ mang thai cũng không nên ăn nhiều mận vì thân nhiệt bà bầu thường cao hơn người bình thường, ăn nhiều mận có thể khiến bà bầu cảm thấy bức bối, phát ban hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
3. Người mới phẫu thuật xong không nên ăn mận
Dù mận có nhiều công dụng với sức khỏe xong nó có thể làm giảm hoặc gây ra các tác dụng phụ tới một số loại thuốc. Hơn nữa, mận là loại hoa quả cứng, khó tiêu, nhiều axit, tính nóng nên không phù hợp với những người sức khỏe yếu, mới trải qua phẫu thuật.
4. Người bệnh thận không nên ăn mận
Mận là một trong những loại quả chứa lượng oxalate dồi dào nhất, chất này có thể kết hợp với canxi, tạo thành sỏi canxi oxalat gây sỏi thận. Khuyến cáo những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.
Vậy ăn mận như thế nào mới tốt?
Theo lương y Hồng Minh, ngay cả với người khỏe mạnh cũng không nên ăn quá nhiều mận. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 8-10 quả. Nên ăn khi đã no bụng để không làm hại dạ dày. Mận nên chọn loại quả tươi ngon, không héo. Cần rửa sạch, ngâm trong nước muối 15-20 phút trước khi ăn để loại bỏ bụi bẩn, thuốc hóa học bám trên vỏ mận. Cần bảo quản mận ở nhiệt độ thích hợp tránh hư hỏng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận