Giữa thời đại của TikTok, Netflix, và phòng vé trăm tỉ, vở hài kịch cổ trang 3D Cung tâm kế như một tiếng vọng dũng cảm từ "phía bên kia ánh đèn sân khấu" - nơi nghệ sĩ vẫn thắp lửa, dù gió đã gần tắt.

3D Cung tâm kế: Bàn tiệc cổ trang đa chiều cho khán giả Gen Z
NSND Hồng Vân - "bà đầm thép" của sân khấu TP.HCM - không đơn thuần tạo ra một vở diễn, mà kiến thiết cả một "vũ trụ kịch" mang tính thể nghiệm cao giữa giải trí và nghệ thuật. Mới đây chị đã cho trình làng 3D Cung tâm kế - là sự giao thoa giữa chất liệu cổ trang vốn đậm tính kịch trường truyền thống và lối kể chuyện hiện đại, gần gũi, trẻ trung.
Vở kịch đặt người xem vào một không gian cung đình giả tưởng, nơi mà mưu mô, ghen tuông, đấu đá hậu cung va chạm hài hước với những lát cắt rất đời thường của xã hội hôm nay: chuyện tình cảm đồng giới, định kiến giới tính, sự lạc lõng trong danh phận…
Điều đáng nói là tất cả đều được truyền tải bằng tiếng cười. Không phải tiếng cười dễ dãi mà là tiếng cười chua chát, ẩn dụ, khiến người xem vừa bật cười vừa "cay sống mũi".

Dàn nghệ sĩ góp mặt trong vở kịch 3D Cung tâm kế.
Trong vở kịch này, NSND Hồng Vân không chỉ cùng Lê Nguyễn Tuấn Anh làm đạo diễn mà còn như một người "chèo thuyền trưởng" dẫn dắt thế hệ sau giữa vùng nước xoáy. Ốc Thanh Vân là một cái tên quen mặt, hóa thân thành phu nhân Y Lan dịu dàng, khéo léo và hy sinh.
Lê Lộc với lối diễn tự nhiên đã khắc họa thành công hình ảnh một Quý phu nhân ngây thơ nhưng không kém phần sâu sắc. Và bên cạnh đó là hàng loạt gương mặt "đinh" của sân khấu Hồng Vân: Hòa Hiệp, Lâm Vỹ Dạ, Thanh Duy, Tuấn Dũng… mỗi người một chất, tạo nên bản hòa tấu vừa nhộn nhịp vừa uẩn khúc.
3D Cung tâm kế sử dụng mô típ xuyên không, đưa các nhân vật hiện đại vào bối cảnh cổ trang, tạo nên những tình huống dở khóc dở cười. Câu chuyện xoay quanh một quan phủ với ba bà vợ và một chàng vệ quân, mở ra những mâu thuẫn, âm mưu và tình cảm phức tạp.
Đặc biệt, vở kịch không ngần ngại đề cập đến các vấn đề giới tính, đồng tính và giới tính phi nhị nguyên, nhưng được thể hiện một cách hài hước, tinh tế và đầy cảm thông.
Đây là điểm mạnh trong dàn dựng của NSND Hồng Vân khi chị luôn làm cho không khí vở nóng lên, đan xen nhiều tình huống hài và rất đời.

Sân khấu kịch Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, với nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong bối cảnh hiện đại, khi các loại hình giải trí mới ngày càng phát triển, sân khấu kịch đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút khán giả.
Sự tồn vong của sân khấu: Câu hỏi không còn mang tính tu từ
Chúng ta không còn đang hỏi "sân khấu kịch có còn sống được không?" nữa, mà đang hỏi: Ai sẽ cứu nó?
Thời đại của mạng xã hội khiến con người không còn kiên nhẫn để ngồi yên 90 phút nhìn một vở diễn diễn ra "live" trước mắt. Khán giả trẻ chọn YouTube, game, podcast, thậm chí là livestream... Vì sao phải đến rạp, khi giải trí đã tràn lan chỉ sau một cú click?
Đáp án của Hồng Vân và ê kíp không phải là lời than, mà là đổi mới đầy táo bạo và liều lĩnh. Kết hợp yếu tố thị giác đậm chất điện ảnh, mang ảo thuật sân khấu vào kịch bản, lồng ghép các chất liệu đương đại như LGBTQ+, hiện tượng mạng, thậm chí cả ngôn ngữ của các Gen Z vào thoại… họ không từ bất kỳ thứ gì có thể níu khán giả trẻ ở lại.

NSƯT Ốc Thanh Vân và Tuấn Dũng trong vở "3D Cung Tâm Kế"
Nhưng đổi mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là đam mê
Và 3D Cung tâm kế có điều đó. Vở diễn không phải là một màn trình diễn chạy theo xu hướng. Nó là tâm huyết được gói trong lớp áo hài hước, để rồi bỗng chốc khi màn hạ xuống khán giả bỗng nhận ra mình đã cảm động tự bao giờ.
Sân khấu kịch sẽ chết? Không. Nhưng nó cần được tái sinh!
Và điều cần nhất hiện nay không chỉ là sự sáng tạo từ nghệ sĩ, mà còn là cơ chế hỗ trợ và chính sách văn hóa kịp thời từ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Sự trở lại của sân khấu không thể chỉ là "câu chuyện của nghệ sĩ".
Đó phải là nỗ lực cộng hưởng từ cả xã hội, khi người trẻ chọn mua vé thay vì stream lậu, khi các nền tảng số tìm cách kết nối với sân khấu, khi trường học coi sân khấu là một phần giáo dục nhân văn.
3D Cung tâm kế không phải là vở kịch xuất sắc nhất của sân khấu Hồng Vân, nhưng có thể là một trong những vở diễn quan trọng trong hành trình tái sinh của sân khấu kịch Sài Gòn hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận