Một quả trứng lớn chứa khoảng 6g protein, vitamin D hỗ trợ sức khỏe của xương và hệ thống miễn dịch, vitamin A, vitamin B2 và vitamin B12. Choline trong trứng giúp trao đổi chất và tăng cường chức năng gan, cũng như sự phát triển não bộ của thai nhi.
Ngoài ra, lòng đỏ trứng cũng có thể tốt cho mắt; là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin đáng kể, để giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Tuy nhiên, lòng đỏ trứng cũng được biết đến chứa hàm lượng cholesterol cao. Một quả trứng lớn chứa 186mg cholesterol.
Vậy ăn một quả trứng mỗi ngày thật sự tốt cho sức khỏe?
Đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa ăn một quả trứng với tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Nhưng kết quả lại mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, nghiên cứu mới nhất được công bố trong năm nay trên tạp san nổi tiếng PloS Medicine cho thấy rằng chỉ cần ăn một chút xíu trứng mỗi ngày (cả lòng vàng chứa nhiều cholesterol) cũng tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch và ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện trên 500,000 người. Tuy nhiên, kết quả này lại ngược lại trong nghiên cứu phân tích của Harvard trên 215,000 người, nghĩa là ăn trứng mỗi ngày không tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo chia sẻ của Giáo Sư dinh dưỡng lâm sàng Jo Ann Carson của Bệnh viện Y dược UT Southwestern (Mỹ) trên trang Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, quan trọng là những người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường và bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nên chú ý đến lượng cholesterol trong khẩu phần ăn. Nếu chế độ ăn chứa ít cholesterol thì lúc này thêm một quả trứng vào khẩu phần ăn sẽ không sao. Chúng ta nên chú ý nấu chín trứng bởi vì trứng sống có thể bị nhiễm khuẩn salmonella.
Theo những khuyến cáo được chia sẻ trên website Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh, trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai, và người già nên ăn những quả trứng đã được nấu chín cho đến khi lòng đỏ đặc lại vì những nhóm người trên có nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn so với những nhóm khác.
Những người có hệ miễn dịch quá yếu và những người đang có chế độ ăn kiêng do bệnh nên ăn trứng được nấu chín kỹ. Khi ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín, hãy nhớ bảo quản trứng an toàn ở nơi khô ráo, thoáng mát, chẳng hạn như tủ lạnh; và làm sạch bề mặt bát đĩa và dụng cụ, đồng thời rửa tay kỹ lưỡng trước và sau khi xử lý trứng. Trứng chỉ nên được sử dụng trong vòng 28 ngày kể từ ngày được đẻ ra.
Theo những chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng Lisa Booth (Mỹ) trên Fitbod thì 3 cách nấu trứng dưới đây sẽ dễ gây bệnh:
- Nấu trứng ở nhiệt độ cao: nếu chúng ta nấu trứng ở nhiệt độ cao, đặc biệt là trong thời gian dài, thì có thể làm mất các chất dinh dưỡng và làm hỏng một số dưỡng chất bổ dưỡng của trứng. Như chúng ta đã biết trước đó, cách nấu này cũng có thể oxy hóa cholesterol, làm chậm hoặc hạn chế lượng máu lưu chuyển đến một hoặc nhiều khu vực của cơ thể dễ dẫn đến bệnh tim mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, hoặc chứng mất trí.
- Không sử dụng dầu thích hợp để áp chảo trứng: Khi trứng áp chảo nên dùng dầu đậu phộng, dầu hạt cải ép từ máy ép, và dầu bơ. Tuy nhiên, khi dầu được làm nóng ở nhiệt độ cao, chất béo có lợi trong trứng dễ bị hư, tạo ra các gốc tự do có thể gây viêm và các hóa chất độc hại trong cơ thể.
- Nấu trứng quá chín: Nấu chín trứng có thể giúp an toàn và làm cho một số chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa hơn, nhưng nấu quá chín thực sự có thể làm tăng một số chất không tốt cho sức khỏe và sản sinh các gốc tự do tàn phá cơ thể bạn, tổn thương các tế bào, protein và ADN, gây ra các bệnh ung thư, bệnh tim và bệnh Alzheimer. Nấu trứng quá chín ở nhiệt độ cao có thể làm mất chất chống oxy hóa của trứng. Chất chống oxy hóa là những chất dinh dưỡng lành mạnh giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi những gốc tự do có hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận