22/09/2023 21:02 GMT+7

Vụ chuyến bay giải cứu: Khởi tố cựu phó phòng vận tải hàng không

Mở rộng điều tra giai đoạn 2 vụ án “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan an ninh điều tra khởi tố năm người.

Ngày 22-9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "đưa hối lộ" xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu.

Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với Vũ Hồng Quang - cựu phó trưởng phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải. Ông Quang là bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã bị đưa ra xét xử trước đó.

Đồng thời Cơ quan an ninh điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do). 

Cả hai người trên cùng bị điều tra về tội "đưa hối lộ".

Cùng vụ án, Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với Nguyễn Mạnh Cương (sinh năm 1977, từng làm ở một công ty hàng không); Trần Thanh Nhã (sinh năm 1991, lao động tự do) và Đặng Nhật Đức (sinh năm 1975, giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan).

Những người trên bị điều tra về tội "đưa hối lộ".

Sau khi viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng trên, Cơ quan an ninh điều tra đã thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can.

Trước đó, giữa tháng 6, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "nhận hối lộ" xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.

Đồng thời, Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Tùng - phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Ông Trần Tùng, 45 tuổi, bị điều tra về tội nhận hối lộ.

Đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu".

Sau khi có kết luận điều tra đề nghị truy tố các bị can, Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân tại bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, được tách ra từ vụ án "đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các địa phương.

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 1 vụ án "chuyến bay giải cứu", cuối tháng 7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân.

Bản án xác định quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài do dịch COVID-19 về nước, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Trong vụ án, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Trong số này, Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng. Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị cáo buộc lừa đảo chạy án chiếm đoạt 800.000 USD. Kiên, Hưng cùng bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân.

Sau phiên tòa, cựu điều tra viên kháng cáo kêu oan, còn cựu thư ký và nhiều người khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Vụ "chuyến bay giải cứu": Vì sao bản án nhiều khác biệt với đề nghị của viện kiểm sát?Vụ 'chuyến bay giải cứu': Vì sao bản án nhiều khác biệt với đề nghị của viện kiểm sát?

Bản án được tòa tuyên với các bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" cho thấy sự phân hóa rõ rệt hành vi phạm tội và rất khác với quan điểm đề nghị của viện kiểm sát. Kiến nghị điều tra giai đoạn 2 vụ án đã được đưa ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên