Trát ICC và câu trả lời từ Matxcơva

TƯỜNG ANH 27/03/2023 09:41 GMT+7

TTCT - Phán quyết của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) về việc bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên về quyền trẻ em Liên bang Nga Maria Lvova-Belova đã kéo theo những phản ứng khó tránh khỏi.

Chuyến vi hành của ông Putin tới thành phố Mariupol của Donbass ngày 19-3 được cho là một phản ứng như vậy. Nếu một ngày trước, chuyến thăm của ông tới Sevastopol, Crimea, là nằm trong kế hoạch kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này (18-3-2014), thì chuyến kinh lý tới Mariupol là bất ngờ với nhiều người.

Trát ICC và câu trả lời từ Matxcơva - Ảnh 1.

Chuyến công cán kỳ lạ

Trên Internet xuất hiện đoạn clip ông Putin di chuyển quanh Mariupol mà không phong tỏa thành phố, với mức độ an ninh tối thiểu. Ông lái ô tô vượt qua dòng xe trên con đường chính Mariupol, ghé thăm một nhà dân theo lời mời đột xuất của chủ nhà. 

"Chúng tôi vừa thấy ông trên tivi, ai dè giờ ông đã ở đây… Ít nhất tôi có thể chào hỏi ông chứ", một cư dân nói.

Sử gia nổi tiếng Nga Nikolai Starikov đã gọi chuyến thăm bộc phát của ông Putin là "kỳ lạ", vì cùng Mariupol, ông cũng bất ngờ ghé thăm cơ sở đầu não điều hành "Chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Rostov. 

Thư ký báo chí tổng thống Dmitry Peskov trả lời báo giới hôm 19-3 cho biết chuyến thăm trụ sở điều hành cũng không có trong kế hoạch, không thông qua chính quyền hoặc Bộ Quốc phòng. Tại Rostov, ông Putin đã dự một phiên báo cáo ở nơi mà "công việc diễn ra suốt ngày đêm".

Sử gia Starikov giải mã thời điểm và địa điểm vi hành của ông Putin là

"…câu trả lời cho phán quyết của ICC, phán quyết vốn được chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình". 

Ông Starikov nói trên kênh Telegram có gần 100.000 người theo dõi của ông: "Nhận được thông tin về việc ban hành lệnh bắt giữ, Putin quyết định ngay lập tức gửi tín hiệu bằng cách đến Donbass. Chúng tôi không sợ. Đừng dọa dẫm!".

Ông Putin đi thăm Mariupol. Ảnh: Tass

Ông Putin đi thăm Mariupol. Ảnh: Tass

Cáo buộc của Ukraine

Trở lại với phán quyết của ICC, câu chuyện về trẻ em Ukraine bị "bắt cóc" và "trục xuất bắt buộc sang Nga" đã được một số hãng tin Ukraine nhắc tới. 

Một trong những cổng thông tin thời sự chính của nước này, Unian.net, ngày 17-3 có bài của hai tác giả Alina Pavliuk - luật sư của nhóm cố vấn pháp lý Ukraine - và Dainius Zalimas, chánh án Tòa hiến pháp Litva 2014-2021.

Bài của Pavliuk nhan đề: "Trẻ em là ưu tiên hàng đầu: tại sao ICC ban hành lệnh bắt giữ Putin vì trục xuất trẻ em Ukraine". 

Tác giả cho rằng dù cuộc điều tra của ICC diễn ra từ sau tháng 2-2022, tức sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, thực chất các trường hợp "buộc di dời và trục xuất trẻ em đã diễn ra từ trước". 

Bà dẫn con số "khoảng 5.000 trường hợp trẻ em được đưa tới Nga đã được ghi nhận tại Crimea kể từ 2014", dù không dẫn nguồn. Bài của Zalimas thì tìm hiểu "Lệnh của ICC nhắm vào Putin: nhà độc tài Nga có thể cảm thấy an toàn ở những quốc gia nào", với câu trả lời là Trung Quốc, Belarus và Bắc Triều Tiên.

Trang web Ukraine strana.ua sáng 17-3 chạy vedette hai tin liên tục nhau: "Vì sao The Hague ra lệnh bắt Putin" và "Vì sao Tập Cận Bình bay đến Matxcơva". 

Giải thích phán quyết của ICC, bài viết dẫn báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 16-3 nói: "Nga bị cáo buộc một số tội ác chiến tranh. Putin đã xuất hiện trong báo cáo - trong bối cảnh ký sắc lệnh cấp quốc tịch Nga cho trẻ em từ Ukraine đến Nga". 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong một thông điệp video ngày 17-3, khẳng định có tới "16.000 trẻ em bị chuyển giao bất hợp pháp sang lãnh thổ của một quốc gia khủng bố".

Nhiều bài báo cũng nhấn mạnh yêu cầu phải "xử mạnh" hơn nữa "tội phạm chiến tranh" Putin. Chẳng hạn bài báo của Zalimas đề xuất buộc ông Putin "tội ác chống lại loài người và thậm chí là hành vi diệt chủng được liệt kê trong quy chế Rome". 

Bài báo của Pavliuk khen ngợi ICC vì "đây là kết quả khá nhanh chóng, bởi cuộc điều tra chính thức chỉ mới được tiến hành từ tháng 3 năm ngoái", đồng thời cho biết "điều tra vẫn đang diễn ra".

Lý lẽ của Nga

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc mà trang strana.ua đề cập nói trên được Hãng tin Anh BBC giới thiệu trong bài báo ra ngày 16-3. Theo đó, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã làm việc vài tháng qua ở Ukraine liên quan đến việc Nga đưa trẻ em khỏi Ukraine. 

Chủ tịch ủy ban này, thẩm phán người Na Uy Eric Möse, cho biết ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu chi tiết trường hợp 164 trẻ em từ 4-18 tuổi, được đưa ra khỏi các vùng Donetsk, Kharkov và Kherson. 

Ông Putin và bà Maria Lvova-Belova. Ảnh: The Moscow Times

Ông Putin và bà Maria Lvova-Belova. Ảnh: The Moscow Times

Ông nói luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm - với vài ngoại lệ hiếm hoi - sơ tán trẻ em bởi một bên tham gia xung đột vũ trang. Báo cáo viết khi những đứa trẻ này được các cơ quan phúc lợi xã hội Nga nói chúng sẽ được giao cho các gia đình Nga, các em "tỏ ra hết sức sợ hãi là chúng sẽ bị chia cắt mãi mãi với người thân".

Bản tin dẫn lời nhà chức trách Ukraine nói tính đến tháng 2-2023, Nga đã đưa 16.221 trẻ em Ukraine ra khỏi đất nước (ủy ban điều tra của LHQ cho biết họ không thể xác minh con số này). Ukraine đã nhiều lần gọi đây là tội ác và đang tìm kiếm cách đưa những đứa trẻ trở về.

Cổng thông tin Nga bfm.ru ngày 17-3 cho biết thêm: cuộc thảo luận về chủ đề trẻ em từ vùng xung đột đã bắt đầu trên các phương tiện truyền thông phương Tây vào giữa tháng 2-2023, sau khi Trung tâm nghiên cứu nhân đạo của Đại học Yale (Mỹ) công bố báo cáo "Chương trình hệ thống của Nga về cải tạo và nhận nuôi trẻ em Ukraine". 

Báo cáo nói lập trường của Ukraine là tất cả những đứa trẻ được đưa từ vùng chiến sự đến Nga đều "đã bị bắt đi mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ". 

Trong khi đó, phía Nga khẳng định họ chỉ "sơ tán dân thường và những đứa trẻ có cha mẹ đi cùng, rời vùng chiến sự tới Nga, còn với trẻ mồ côi, Nga đã cứu giúp và cung cấp mọi thứ các em cần, gồm cả việc chọn người giám hộ hoặc gia đình nuôi dưỡng".

Thực tế là trong một thời gian dài trước khi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye sáp nhập vào lãnh thổ Nga, dân thường mắc kẹt trong các vùng giao tranh đã được cả hai phía Nga và Ukraine thỏa thuận mở hành lang nhân đạo giúp họ thoát khỏi vùng chiến sự. 

Nhiều người Ukraine đã tới Nga qua những hành lang nhân đạo này, bao gồm trẻ em. Theo một bản tin trên RBC.ru tháng 7-2022, từ năm 2019, ông Putin đã đơn giản hóa thủ tục nhận quốc tịch Nga cho người dân Donetsk và Lugansk. 

Đến tháng 5-2022, thủ tục này được áp dụng luôn cho hai vùng Kherson và Zaporozhye. Ngày 30-5-2022 ông Putin tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp quyền công dân cho trẻ mồ côi từ Ukraine, Donetsk và Lugansk.

Vấn đề mấu chốt là một khi chiến tranh nổ ra, đối thoại, bao gồm đối thoại để hỗ trợ dân thường, trở nên bế tắc. Theo bfm.ru, Nga là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất thế giới. 

Gần 3 triệu trong số 8 triệu người Ukraine đã rời nước này vì chiến tranh cho đến đầu năm nay, gồm hàng trăm nghìn trẻ em, là tới Nga. Tuy nhiên, hiện không có bất kỳ cơ chế tương tác nào giữa các cơ quan hỗ trợ trẻ em của hai phía. (Trong khi đó, hai bên vẫn có cơ chế liên lạc để trao đổi định kỳ về trao trả tù binh chiến tranh).

Từ khía cạnh luật pháp

Một lần nữa, vị trí và vai trò của ICC lại được đề cập. Nga không phải cường quốc đầu tiên bác bỏ quyền tài phán của tòa án này. Năm 2020, bộ trưởng ngoại giao Mỹ lúc đó Mike Pompeo đã gọi ICC là "tòa án kangaroo" - ý nói tòa này thiếu công tâm và đưa ra phán quyết đã được sắp xếp trước.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký Quy chế Rome về tham gia ICC, nhưng không khuyến nghị tổng thống tiếp theo đệ trình cho Thượng viện phê chuẩn. 

Dễ hiểu là khi can thiệp vũ trang khắp thế giới, Mỹ không muốn mắc mứu với một tòa án có thẩm quyền truy tố và xét xử tội phạm chiến tranh. 

Năm 2016, khi trưởng công tố ICC Fatou Bensouda mở điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan, Washington lập tức công bố các biện pháp trừng phạt với tất cả thẩm phán của tòa. Sau đó các thẩm phán ICC kêu gọi chính quyền Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt, và ICC ngừng điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan.

Về phần Nga, năm 2000, Matxcơva đã ký kết Quy chế Rome. Nhưng năm 2016, ông Putin chỉ thị rút lại việc ký kết, sau khi cũng Bensouda nói ông coi việc sáp nhập Crimea "tương đương một cuộc xung đột vũ trang quốc tế". 

Sau phán quyết 17-3 của ICC, đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome, nên ICC không có quyền tài phán với Nga và công dân Nga". ■

Ukraine ký Quy chế Rome năm 2000, nhưng chưa phê chuẩn. Tuy nhiên, nước này đã ra hai tuyên bố áp dụng đặc biệt tuân theo điều 12 (3) trong Quy chế Rome về ICC, trao cho ICC quyền tài phán trên lãnh thổ họ.

Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, các công tố viên ICC đã mở điều tra sơ bộ về các tội ác vi phạm Quy chế Rome để làm cơ sở xem xét mở điều tra toàn diện.

Các tuyên bố của Ukraine năm 2013 cho phép ICC truy tố các cá nhân phạm tội trên lãnh thổ nước họ kể từ ngày 21-11-2013.

Điều cần lưu ý ở đây là trong khi Crimea và bốn vùng lãnh thổ Nga sáp nhập hiện do Nga quản lý trên thực tế, về mặt luật pháp quốc tế, đó vẫn là lãnh thổ Ukraine, đồng nghĩa Kiev có quyền pháp lý cho phép ICC điều tra các tội ác diễn ra trên những lãnh thổ đó.

Đáp lại phản ứng từ Nga, ngày 20-3, công tố viên ICC Karim Khan khẳng định: "Điều tra dựa trên bằng chứng, phi chính trị, là cốt lõi với văn phòng của tôi và là yếu tố tuyệt đối phải tuân thủ trong mọi quy trình tố tụng đứng vững được trước thử thách thời gian".

Khan cũng nói bằng chứng không cho thấy những gì diễn ra chỉ là một cuộc sơ tán nhân đạo. "Tôi muốn nói họ hãy trả lại những đứa trẻ, để chúng trở về nhà, cho chúng đoàn tụ với gia đình", ông kêu gọi Nga.

"Nếu có chút sự thật nào trong những lời đã thốt ra [từ phía Nga] rằng chuyện này là vì lợi ích của trẻ em, thì thay vì đưa cho chúng một hộ chiếu nước ngoài, hãy trả chúng về với quê hương".

H.M.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận