Để người dân cảm thấy bớt khó khăn

DU LONG 24/04/2024 14:41 GMT+7

TTCT - Dường như giữa cơ quan cấp bộ giữ "tay hòm, chìa khóa" của Chính phủ và thực tế cuộc sống người dân đang có sự lệch pha...

Ảnh: Northwestern.edu

Ảnh: Northwestern.edu

Thiệt ra, không phải là những cơ quan / viên chức có trách nhiệm / liên quan không nắm được tình hình khó khăn của người dân. Cũng đã có những tranh luận, ngay cả ở Quốc hội, song con đường của Bộ Tài chính vẫn độc đạo một cách độc đáo.

Từ mức giảm trừ gia cảnh...

"Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân" là tựa đề một bài báo của tờ Thời Nay, ấn bản của tờ Nhân Dân ngày 28-11-2023. Theo bài báo, trích nguồn Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 121.200 tỉ đồng, thấp hơn 7.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 6%.

Bình luận về các con số này, bài báo dẫn lời một chuyên gia về thuế cho rằng số thuế TNCN giảm, nhất là nguồn thu chính từ tiền lương, tiền công... là báo hiệu cho thấy người nộp thuế đang khó khăn thật sự. 

Doanh nghiệp bị cắt đơn hàng nên phải cho người lao động giảm giờ làm, thậm chí sa thải bớt nhân công. Hậu quả là thu nhập của người lao động giảm sút. 

Bài báo khuyến cáo: "Nhà nước cần sớm có giải pháp khoan sức dân. Trong lúc chờ Quốc hội sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh".

Bài báo trích dẫn một chuyên gia tài chính thuế cho rằng quy định cho khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện tại là không đủ để bảo đảm đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. 

Chưa hết, quy trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần làm nặng gánh người chịu thuế: 

"Theo quy định khi nào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời. Thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh". 

Chuyên gia này đề nghị: "Để quy định trong luật không lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, vào cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng hay giảm bao nhiêu thì mức giảm trừ gia cảnh cũng nên được điều chỉnh tương ứng". Quả là hợp tình hợp lý.

Thế nhưng, chuyện chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh căn cứ trên CPI vẫn chưa là gì nếu xét thêm những ý kiến cho rằng CPI có khi không xác thực, như vào cuối năm 2022: 

"Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng số liệu 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, CPI tăng bình quân 2,44%, không tương xứng mức giá tăng rất nhiều của các mặt hàng thiết yếu thời gian qua" (Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 7-11-2022).

Ảnh: NPR

Ảnh: NPR

Khoảng cách giữa chính sách và thực tế

Rõ ràng, khoảng cách thời gian giữa bàn bạc, thảo luận ở Quốc hội và ban hành luật điều chỉnh, tạm ghi nhận từ như trên, cũng từ 2022 tới 2026, tức khoảng 5 năm. Đó là chưa rõ từ nay tới giữa năm 2026, CPI sẽ còn tăng hay giảm bao nhiêu. Hình như không có còi hụ "báo cháy" ở Bộ Tài chính, hay là cũng có nhưng đã bị liệt?!

Đó là chưa nói tới thực tế hiển hiện: giá chợ búa thường đi trước một bước, sau đó Nhà nước mới nói tới chuyện điều chỉnh lương, giá cả lại đi trước một bước, đến khi Nhà nước chịu điều chỉnh lương thật sự thì giá cả đã tăng "nhiều bước" rồi. 

Thành ra, khi CPI tăng, tầng lớp người dân có thu nhập thấp lại nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất. Họ sẽ lãnh đủ khi giá cả nhu yếu phẩm tăng. Trong số này, có nhiều người lãnh lương hưu, mà chuyện sẽ tăng lương cho họ nghe đã lâu, đến đầu năm nay được khất rồi "quyết" là đợi tới 1-7 sẽ tăng: còn giá cả đủ thứ nhu yếu phẩm đã tăng từ trước Tết tới giờ mấy bận rồi. 

Những người có trách nhiệm quản trị nhà nước, dù cho núi thì cao, mặt trời thì xa, vẫn phải ít nhiều có chung hệ cảm nhận hoặc ít ra là có những "radar giá cả" để hiểu được những gì các tầng lớp thu nhập thấp đang trải qua. Bằng không, xã hội sẽ khó mà "dân chủ, công bằng, văn minh".

Thành ra, Bộ Tài chính cứ tà tà triển khai thực hiện kế hoạch số 81, tức nghiên cứu, rà soát Luật Thuế thu nhập cá nhân và lộ trình xây dựng luật sửa đổi theo đúng quy định, dự kiến các cơ quan chức năng sẽ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật vào tháng 5-2025, trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10-2025, rồi mới trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2026 (Tuổi Trẻ 28-3). Kết/hậu quả là đến giữa năm 2026 Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được thông qua và mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng.

Đó là chưa nói đến chuyện sở thuế các địa phương còn máy móc thu thuế cho bằng được những người, mà đồng lương hưu trí không tài nào đủ sống ở các đô thị - chưa bằng phân nửa ngưỡng miễn trừ là 11 triệu đồng - phải tự "cải thiện" bằng cách đi làm thêm. 

Chính tôi cũng là một trường hợp như vậy, và dù đã ráng xuất trình chứng từ phẫu thuật mắt để nài nỉ, nhưng vẫn nhận được câu trả lời từ nhân viên sở thuế: "Mổ mắt không nằm trong danh mục bệnh hiểm nghèo mà liên bộ Y tế và Tài chính đã thống nhất, nên không được miễn giảm!".

Ảnh: Politics Home

Ảnh: Politics Home

Quá nhiều thuế, giết thuế

Một sáo ngữ trong ngành thuế Pháp là "Quá nhiều thuế, giết thuế!" (Trop d'impot tue l'impot! ). Ý nghĩa ở đây, như có thể thấy thuế TNCN sụt giảm đã dẫn ở trên, là quá nhiều sắc thuế, và mức giảm trừ quá thấp, rốt cuộc sẽ gây thiệt đơn thiệt kép: người đóng thuế thêm gánh nặng đã đành, chính Nhà nước cũng sẽ không thu được số như ý, giống như tăng giá bán không lúc nào cũng đồng nghĩa với tăng doanh thu.

Một thực tế mấy năm dịch và hậu dịch là ngày càng nhiều cửa tiệm đóng cửa, chủ nhà treo bảng "Cho thuê hay bán nhà". Số doanh nghiệp giải thể cũng tăng. Tất nhiên có nhiều lý do, như đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm thay đổi song về cơ bản vẫn là sức mua giảm, mà dân chúng ít mua sắm hơn thì thuế thu được cũng sẽ ít hơn theo.

Vậy thì Nhà nước cần làm gì? Thật ra có đủ mọi cách, một chút nhã ý hỗ trợ vốn liếng buôn bán, thuế má hay qua một số kênh cấp tiền cho người dân có chút "gió" mà mua sắm vẫn là chuyện được các kinh tế gia cân nhắc những dịp này. 

Lấy ví dụ, hãng tin Bloomberg 10-4 loan tin Chính phủ Thái Lan sẽ tài trợ 14 tỉ USD cho chương trình hỗ trợ tiền mặt để kích thích nền kinh tế. Kế hoạch này sẽ phát cho 50 triệu người Thái trưởng thành, mỗi người 10.000 baht (275 USD) - tương đương 2,9% GDP.

Thực ra, đây là cam kết của Đảng Pheu Thai và ông Thủ tướng Srettha Thavisin khi vận động tranh cử. Nay đắc cử thì ông làm như đã hứa, vừa được lòng dân chúng vừa có hy vọng vực lại kinh tế đang tăng trưởng èo uột. 

Bloomberg cũng dẫn lời các quan chức Thái Lan nói hiệu ứng số nhân của khoản tiền trên với nền kinh tế có thể là gấp 4 lần, để đẩy tăng trưởng lên khoảng 5% (so với mức 2,8% dự kiến trong năm nay).

Tất nhiên, đây là chuyện xứ Thái, vốn dư dả hơn Việt Nam ta, và kết quả ra sao còn hạ hồi phân giải. Nhưng nói cho ngay, mỗi nước đều có thể hỗ trợ dân chúng theo những đặc thù của mình. 

Như ở Indonesia, với mức thu nhập đầu người gần ta hơn, Tổng thống tân cử Prabowo Subianto tung ra kế hoạch cung cấp bữa ăn và sữa học đường trị giá tới 7,68 tỉ USD trong năm đầu tiên 2024, và lên tới 28,79 tỉ USD vào năm cuối 2029 (Reuters 21-2).

Tất nhiên, giới tài chính cũng có tiếng bấc tiếng chì về kỷ luật ngân sách của Indonesia hay Thái Lan với những đề án này. Trong quá khứ gần, ngay tại Việt Nam cũng đã có gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Song thiết nghĩ, nếu không thể phát tiền thì cũng cần giảm bớt những "trái tai, gai mắt" trong chi tiêu công hay các sắc thuế, để người dân cảm thấy được chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này.■

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong tài liệu "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1-2024" (công bố hôm 27-2) ghi nhận: "Tăng trưởng doanh số bán lẻ hằng tháng (đại diện cho tiêu dùng nội địa) giảm nhẹ 1,04% trong tháng 1-2024 (so với tháng trước), sau khi giảm đáng kể 7,04% (so với tháng trước) ghi nhận trong tháng 12-2023. Sau khi chạm đáy ở mức 5,1% (theo năm) vào tháng 7-2023, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chững lại ở mức khoảng 7% (theo năm) trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11-2023, nhưng giảm đáng kể xuống chỉ còn 2,3% (theo năm) vào tháng 1-2024. Điều này... cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp năm ngoái".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận