Thực ra, người ta đến câu lạc bộ sách để làm gì

PHAN BẢO 21/04/2024 08:23 GMT+7

TTCT - Về lý thuyết, câu lạc bộ sách là nơi để đọc và thảo luận sách. Nhưng thực tế từ xa xưa cho thấy cuốn sách chỉ là cái cớ để hội họp.

Phụ nữ trẻ thế kỷ 19  thư giãn và đọc sách. Nguồn: Kho lưu trữ lịch sử toàn cầu/Getty ImagesPhụ nữ trẻ thế kỷ 19  thư giãn và đọc sách. Nguồn: Kho lưu trữ lịch sử toàn cầu/Getty Images

Phụ nữ trẻ thế kỷ 19 thư giãn và đọc sách. Nguồn: Kho lưu trữ lịch sử toàn cầu/Getty ImagesPhụ nữ trẻ thế kỷ 19 thư giãn và đọc sách. Nguồn: Kho lưu trữ lịch sử toàn cầu/Getty Images

Từ một sáng kiến xưa của phụ nữ, các câu lạc bộ đọc sách được giới trẻ hồi sinh trong những năm gần đây và ngày càng lan tỏa, với cùng mục đích nhưng theo cách thức rất khác.

Phụ nữ khởi xướng

Trang Good e-Reader cho rằng rất có thể tiền thân của câu lạc bộ sách bắt nguồn từ năm 1634, khi nhà cải cách tôn giáo người Anh Anne Hutchinson mở một nhóm thảo luận nhỏ để nâng cao bài giảng trên đường đi thuyền từ Anh đến Massachusetts Bay, 1 trong 13 thuộc địa của Anh trước khi đất nước Hoa Kỳ độc lập. Khi câu lạc bộ sách của bà trở nên nổi tiếng hơn các buổi lễ chính thức của nhà thờ địa phương, bà bị trục xuất khỏi thuộc địa.

Theo Công ty truyền thông Shondaland, trong thế kỷ tiếp theo các câu lạc bộ sách ngày càng trở nên phổ biến trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu châu Âu. Đến thế kỷ 18, có tới hàng nghìn câu lạc bộ sách tư nhân ở Anh, nơi mọi người uống rượu, buôn chuyện hoặc thảo luận về chính trị.

Ở Mỹ, phụ nữ đã cùng nhau nghiên cứu Kinh thánh từ thế kỷ 17 nhưng phải đến cuối thế kỷ 18, các nhóm đọc sách thông thường mới xuất hiện, cùng thời với các nhóm ở châu Âu, theo The Washington Post.

Nhiều câu lạc bộ sách đầu tiên của Mỹ, như câu lạc bộ Junto của nhà lập quốc Benjamin Franklin (1706-1790), được thành lập cùng thời gian. Junto hoạt động khá trang trọng (mặc dù địa điểm họp mặt thường là quán rượu địa phương), bầu cả ban bệ và yêu cầu thành viên viết luận về các chủ đề mình đọc.

Câu lạc bộ Junto của Benjamin Franklin

Câu lạc bộ Junto của Benjamin Franklin

Suốt những năm 1700 và 1800, phụ nữ Mỹ cũng thành lập nhiều câu lạc bộ sách. Các chị em, tuy không được học đại học (cho đến tận thế kỷ 19), có thể gặp nhau ở bất cứ nơi nào để bàn về sách, từ những lớp học trống, hiệu sách, ở nhà bạn bè đến trong ca làm việc ở nhà máy. Sách họ đọc trải rộng khắp các thể loại, từ văn chương, nghệ thuật, kinh tế, chính trị đến khoa học tự nhiên.

Họ đọc không chỉ để bù đắp cho việc học hay giải trí, mà còn để tranh luận, phê bình và viết. Năm 1760, nhà thơ Milcah Martha Moore

(1740-1829) đã sưu tầm được gần 100 bản thảo văn xuôi và thơ ca do các thành viên trong nhóm đọc sách của mình sáng tác. Ngay cả trong Nội chiến Mỹ (1861-1865), gần như mọi thị trấn và làng mạc đều duy trì một nhóm văn học nữ.

Hội nhóm đọc sách của phụ nữ tiếp tục mở rộng trong suốt thế kỷ 19, vừa phục vụ mục đích nâng cao kiến thức vừa như công cụ đấu tranh cho nhiều vấn đề xã hội của chị em. Theo Shondaland, câu lạc bộ sách như một "chốn bình yên" cho phái yếu. Một số câu lạc bộ sách do phụ nữ thành lập vào thế kỷ này, như Câu lạc bộ Văn học phụ nữ Ypsilanti, hiện vẫn hoạt động.

The Washington Post đánh giá nửa đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của câu lạc bộ sách ở Mỹ. Hai phong trào "Câu lạc bộ Sách của tháng" và "Sách hay" khuyến khích mọi người đọc những cuốn tiểu thuyết văn học nặng ký.

Ngày nay giống nhưng khác

Giờ đây, gen Z (sinh năm 1996-2012) và thế hệ millennial (sinh năm 1981-1995) đang hồi sinh các câu lạc bộ sách trong thời hiện đại.

The Guardian cho biết không giống như những hội nhóm đọc sách tại nhà truyền thống - với cách thức hoạt động chung là giới thiệu một đầu sách mới mỗi tháng và khuyến khích các thành viên đọc để cùng thảo luận, các câu lạc bộ sách hiện đại tổ chức sự kiện tại quán cà phê, nhà hàng, quán bar. Câu lạc bộ Junto thời hiện đại là đây chứ đâu.

Theo báo cáo của nền tảng quản lý sự kiện online Eventbrite, danh sách sự kiện do các câu lạc bộ sách ở Mỹ tổ chức năm 2023 tăng 24% so với năm trước, ở Anh tăng 41%. Trong khi mạng xã hội Meetup nhận thấy số lượng câu lạc bộ sách ở hai nước lần lượt tăng 10% và 14%.

Nhiều tác giả và người nổi tiếng cũng thành lập câu lạc bộ sách của riêng họ. Chẳng hạn, câu lạc bộ sách Service95 của ca sĩ Dua Lipa rất được gen Z yêu thích và cả Kệ chia sẻ (Our Shared Shelf) của diễn viên Emma Watson, cũng như Câu lạc bộ sách Reese của nữ diễn viên Reese Witherspoon.

Thực ra, người ta đến câu lạc bộ sách để làm gì- Ảnh 3.

Số lượng các câu lạc bộ sách chuyên biệt mới cũng đang tăng. Theo Eventbrite, các sự kiện của câu lạc bộ sách theo chủ đề, chẳng hạn câu lạc bộ sách dành cho người đồng tính, có lượng người tham dự tăng 82% trong năm 2023. 

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ sách lãng mạn, câu lạc bộ sách về nội dung hẹn hò hay các câu lạc bộ mở cuộc thi chạy theo cung đường trong sách... cũng phát triển.

Victoria Okafor, người đồng điều hành Câu lạc bộ sách Between2Books ở Anh, cho rằng thế hệ trẻ đang thay đổi sở thích, thay vì vui chơi ở hộp đêm, họ chuyển sang những cách giải trí khác nhẹ nhàng hơn. Sự thay đổi bắt đầu từ giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid, câu lạc bộ sách online là nền tảng kết nối những cá nhân cô đơn lại với nhau.

Từ trải nghiệm tích cực ở không gian ảo, người trẻ duy trì sở thích này hậu dịch và tham dự những buổi họp mặt trực tiếp của các câu lạc bộ sách. 

Nhưng giống như thế hệ khai sinh câu lạc bộ sách, ở đó họ không chỉ trò chuyện về sách mà bao hàm nhiều chủ đề, từ nghiêm túc đến chuyện tầm phào, để những ai cả tháng chưa đọc thêm quyển sách nào cũng có thể nhập hội. Họ tham gia không chỉ để gắn kết với những người có cùng sở thích văn học mà còn để giao lưu. 

Between2Books của Okafor còn tổ chức các chuyến đi đến những buổi triển lãm và nhà hát, nhưng Brunch Book Club do Taragh Godfrey điều hành chỉ đơn giản là tụ tập ở nhà ai đó và nâng chén tiêu sầu.

Câu lạc bộ sách im lặng

Các câu lạc bộ sách thế hệ mới mang đến cảm giác như một bữa tiệc, và "bữa tiệc đọc" cũng chính là từ mà nhóm Reading Rhythms - do bốn bạn trẻ Ben Bradbury, Charlotte Jackson, John Lifrieri và Tom Worcester sáng lập - dùng để gọi tên những dịp như vậy. "Bữa tiệc đọc" nghe không nghiêm túc như "câu lạc bộ sách" và còn mang âm hưởng hào hứng.

Đến nay, Reading Rhythms đã tổ chức những bữa tiệc đọc trên sân thượng, ngoài công viên, trong quán bar ở New York, Los Angeles và thậm chí cả Croatia. Số lượng người đăng ký dự tiệc ngày một tăng; có những hôm 270 người phải tranh nhau 65 suất.

Theo The New York Times, điểm đặc biệt nằm ở chỗ khách dự tiệc của Reading Rhythms không nhất thiết phải đọc và chỉ đọc nếu họ muốn. Họ có thể nằm sõng soài trên ghế lười, tựa vào sofa, đứng ngồi tùy thích. 

Họ có 30 phút để đọc quyển sách mà họ mang theo trong im lặng, không giới hạn thể loại và chủ đề; sau đó giải lao giữa hiệp, rồi tiếp tục đọc 30 phút trước khi trò chuyện với một người nào đó xung quanh về những gì vừa đọc hoặc bất cứ chuyện gì họ thích nhưng chỉ khi họ muốn. Thức ăn, nước uống được phục vụ tận nơi. Mỗi khách chỉ cần đóng phí tham dự 10 USD.

Hình thức hoạt động như Reading Rhythms được gọi là câu lạc bộ sách im lặng - đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Hình thức này thậm chí có một hội nhóm chính thức toàn cầu trải rộng 525 chi nhánh trên khắp thế giới tính đến tháng 11-2023, theo Wall Street Journal.

Một buổi sinh hoạt của Silent Book Club. Ảnh: Kelly Hoffer

Một buổi sinh hoạt của Silent Book Club. Ảnh: Kelly Hoffer

Câu lạc bộ sách im lặng khác xa những câu lạc bộ sách truyền thống, nơi các thành viên chịu áp lực phải hoàn thành một cuốn sách được chỉ định trước hạn chót và phải nghĩ ra điều gì hay ho để phát biểu hoặc thảo luận ở những buổi họp mặt.

Với tiêu chí hoạt động khác biệt, mô hình này phù hợp với người hướng nội thích một mình nhưng sợ cô đơn. Ở đó, các thành viên có thể tha hồ chìm đắm trong quyển sách họ thích và có hàng chục người khác bầu bạn trong cùng không gian nhưng không có áp lực giao tiếp.

Suy cho cùng, giống như hầu hết các câu lạc bộ khác, câu lạc bộ sách tồn tại chỉ để gắn kết mọi người với nhau. Có sách hay không có sách, không quan trọng.

Cũng có những câu lạc bộ sách có vẻ còn "ngách" hơn, chẳng hạn nhóm đọc sách do nhà văn Úc Laura Jean McKay lập nên. McKay tránh để các thành viên - gồm những tiểu thuyết gia, nhà văn, học giả và biên tập viên - thảo luận sâu về sách vì không muốn những người trong ngành bất đồng quan điểm vì những quyển tiểu thuyết mà họ tốn bình quân khoảng 10 tiếng để đọc hết. Vì vậy, nhóm chỉ đọc truyện ngắn - thể loại mà theo cô là có ích hơn cả cho những người viết lách.

McKay giải thích với tờ The Guardian: "Truyện ngắn phù hợp để chia sẻ hơn! Đây là một thể loại viết thông minh, tôn vinh được ngôn ngữ, khơi gợi những câu hỏi và tạo niềm vui chung khi cùng nhau mổ xẻ một tác phẩm mà vẫn kịp về nhà sớm".

Những câu lạc bộ sách như của McKay thường hoạt động bền bỉ qua nhiều năm, đến nỗi các thành viên thậm chí không còn đọc sách mà chỉ đến với nhau để chia sẻ câu chuyện của riêng họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận