Chuyện người làm mưa

TRỌNG NHÂN 23/04/2024 13:37 GMT+7

TTCT - Con người thật ra lúc nào cũng khao khát chinh phục thế giới tự nhiên. Hô phong hoán vũ, cãi trời gọi mưa... xưa nay đều đã có, chỉ khác suy nghĩ và cách làm mỗi thời, mỗi nơi.

Nhóm "gây nổ tạo mưa" của Dyrenforth và Powers.

Nhóm "gây nổ tạo mưa" của Dyrenforth và Powers.

Ngày 17-8-1891, bầu trời quanh Midland, Texas (Mỹ) rực sáng và kinh động với những tiếng nổ đùng đoàng. Không có cuộc chiến nào đang diễn ra, chỉ có thí nghiệm làm mưa, thực hiện theo hợp đồng do chính quyền trả tiền hẳn hoi.

Luật sư Robert G. Dyrenforth từ Washington DC cùng các cộng sự đặt ra nguyên lý khá đơn giản: Một chấn động đủ mạnh trên các đám mây sẽ làm mưa rớt xuống nhanh hơn, tựa như rung lắc một cành cây thì quả sẽ mau rụng xuống đất.

Theo một thành viên trong nhóm, Edward Powers, một cựu sĩ quan Nội chiến Mỹ (1861-1865), thời đó ông để ý cứ ngay sau mỗi trận đánh lớn là có mưa. Có thể tiếng ồn lớn trong các trận đánh đã khiến các đám mây bị kích động, buộc chúng giải phóng nhanh các giọt nước bên trong.

Dựa vào giả thiết đó, nhóm Dyrenforth gắn chất nổ vào những quả bong bóng rồi dùng diều thả lên gần các đám mây. Các thí nghiệm tại Midland được nhóm miêu tả là thành công. 

Đặc biệt, sau thí nghiệm vào ngày 25-8-1891, Dyrenforth ghi chép lại thời điểm 3h sáng: "Tôi bị sấm sét dữ dội đánh thức, kế đó là những tia chớp chói lóa, và một cơn mưa lớn xuất hiện ở phía bắc - theo hướng mà gió bề mặt đã thổi đều đặn trong quá trình kích nổ". 

Thế nhưng, trong một quyển sách về làm mưa nhân tạo năm 2017, tác giả Kristine C. Harper cho rằng trong cái ngày 25-8 đó, chẳng có gì xảy ra "ngoài vài giọt nước".

Sau Midland, nhóm tiếp tục thực hiện các thí nghiệm hô phong hoán vũ ở El Paso, Corpus Christi, San Antonio và San Diego nhưng kết quả được đánh giá không thật sự thuyết phục.

Một thập niên sau, từ năm 1910 đến 1914 ông trùm ngũ cốc ăn sáng Charles W. Post đều đặn thí nghiệm kích nổ mây - cho nổ một lượng thuốc nặng 1,8kg với tần suất khoảng 4 phút/lần liên tục trong 1 giờ - ở Texas. Thí nghiệm có thành công, có thất bại, nhưng Post là người cuối cùng của kỷ nguyên dùng chấn động để tạo mưa.

Một trường phái gọi mưa khác bắt đầu manh nha từ đầu thế kỷ 20 là "nuôi" mây để tạo mưa, mà người theo đuổi nổi tiếng nhất là "nhà làm mưa" Charles Hatfield (1875 - 1958).

“Nhà làm mưa” Charles Hatfield (1875-1958).

“Nhà làm mưa” Charles Hatfield (1875-1958).

Năm 1915, Hội đồng thành phố San Diego hứa trả Hatfield 10.000 USD (tương đương khoảng 200.000 USD thời nay) nếu ông gọi được mưa đầy hồ chứa nước Morena để chống hạn. 

Hatfield cho xây một tòa tháp bằng gỗ cao 6m gần hồ chứa nước, rồi dùng một hỗn hợp đặc biệt, gồm 23 hóa chất bí mật, đặt trong những chiếc chảo sắt trên đầu tháp. 

Ông đốt các chảo hóa chất này để tạo khói bay lên mây. Nhiều người chứng kiến nói hỗn hợp hóa chất mà Hatfield dùng có mùi giống như khí thải từ nhà máy sản xuất pho mát Limburger bị rò rỉ.

Cuối cùng, mưa đã trút xuống San Diego trong 1 tháng, với lượng mưa trung bình gần 30 inch (hơn 76cm), khiến tháng 1-1916 trở thành thời kỳ ẩm ướt nhất trong lịch sử khu vực được ghi nhận. 

Một số nơi trong vùng còn xảy ra lũ, khiến 50 người chết. Chính quyền San Diego lấy cớ lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nên không trả tiền cho Hatfield, ngoài ra cho rằng Hatfield không chứng minh được rõ ràng chính ông tạo mưa.

Với Hatfield, những gì đã làm được tại San Diego tạo danh tiếng cho mình, giúp ông nhận thêm các hợp đồng khác, gồm cả đề nghị làm mưa cứu cháy rừng từ những nơi xa xôi như Cuba và Honduras. 

Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái (1929-1930) đã tàn phá công việc kinh doanh của ông khi các khách hàng hết tiền. Chưa kể, hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi đã được cải thiện giúp đảm bảo được nguồn nước cho dân, khiến nhu cầu làm thêm mưa giảm xuống.

Hatfield và tháp tạo mưa

Hatfield và tháp tạo mưa

"Tôi không tạo ra mưa... Tôi chỉ đơn giản là thu hút các đám mây và chúng sẽ làm phần còn lại". Câu nói của Hatfield để lại đã được nhiều nhà khoa học thế hệ tiếp theo kế thừa. 

Điển hình trong những năm 1950, Wallace Howell (1915 - 1999) đã dùng máy bay để thả băng khô vào mây trên núi Catskills (New York), và dùng thêm máy tạo bạc iodide từ mặt đất rồi đưa hợp chất lên không. Đây là kỹ thuật cloud seeding (gieo mây), tức làm mưa nhân tạo trên cơ sở khoa học, vẫn còn ứng dụng ngày nay.

Chuyến bay thành công đầu tiên vào ngày 13-4-1950, khoảng 45kg đá khô đã được đưa vào mây trong vòng một giờ. 

Ngày hôm sau, người dân nhận thấy một trận tuyết lớn rơi dù là giữa tháng 4. Từ đó đến tháng 2-1951, Howell đã bay 6 lần đưa đá khô vào mây và thực hiện 34 lần gieo hạt bạc iodide từ mặt đất lên không trung.

Nhìn lại chuyện những người thay trời làm mưa, dễ thấy một điều chắc chắn: kiểu gì cũng phải tác động vào mây, chứ không thể ngước lên trời hô mây gọi gió. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận