09/03/2021 10:01 GMT+7

TP.HCM: 2 năm chỉ xử phạt 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn sinh hoạt

TIẾN LONG - THẢO LÊ
TIẾN LONG - THẢO LÊ

TTO - Năm 2019 và 2020 có 17/22 quận, huyện đã tiến hành xử phạt 141 trường hợp vi phạm hành chính về tiếng ồn với số tiền hơn 818 triệu đồng. Trong đó chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.

TP.HCM: 2 năm chỉ xử phạt 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn sinh hoạt - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp với các sở ngành đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 9-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp với các sở ngành đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.

Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP - cho biết hiện nay có 4 nhóm tiếng ồn: từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường; từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc công suất lớn; từ hộ gia đình; và từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo.

Theo bà Mỹ, năm 2019 và 2020 có 17/22 quận, huyện tiếp nhận thông tin phản ảnh về tiếng ồn qua các kênh; đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng.

Tuy nhiên trong đó chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.

TP.HCM: 2 năm chỉ xử phạt 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn sinh hoạt - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP - phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ

Nguyên nhân do đâu?

Theo bà Mỹ, các trường hợp gây tiếng ồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 155 của Chính phủ, mức xử phạt 1-160 triệu đồng.

Tuy nhiên, để xử phạt thì phải có kết quả đo đạc bởi đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm gồm chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường; chủ tịch UBND TP; chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường; chủ tịch UBND cấp huyện; lực lượng công an; chưa có thẩm quyền của xã, phường, thị trấn. 

Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường TP kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Ngoài ra, theo bà Mỹ, việc xử lý tiếng ồn còn dựa theo nghị định số 167. Tuy nhiên, mức phạt 100.000-300.000 đồng chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, khoảng thời gian xử phạt từ 22h đến 6h sáng nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng.

Ngoài quy định, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn còn nhiều vướng mắc như: khi phát hiện đoàn kiểm tra, người vi phạm đã ngưng hoặc giảm âm lượng của loa, loa kéo hát karaoke là nguồn gây ồn không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần, có tính đặc thù nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong xử lý.

Quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục, đồng thời chưa có quy định tần số ồn.

Nghị định số 167 hiện nay mức xử phạt thấp, chưa có tính răn đe cao nhưng nghị định 155 đòi hỏi phải có kết quả đo đạc và kết quả này phải từ đơn vị chức năng thực hiện.

Bên cạnh những hoạt động gây tiếng ồn lớn, có những hoạt động gây tiếng ồn không vượt chuẩn cho phép nhưng kéo dài, các tác động âm ỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Xử lý theo giai đoạn

Sở Tài nguyên và môi trường TP đề xuất đưa ra 2 giai đoạn để triển khai đồng bộ các giải pháp. Giai đoạn 1 là tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư.

Ở giai đoạn 2 sẽ tăng cường xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP; các cấp và sở ngành có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất để giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm tiếng ồn tại khu dân cư; xác định trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, trưởng công an xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên nếu để tái vi phạm tại các điểm, khu vực gây ồn.

TP.HCM: 2 năm chỉ xử phạt 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn sinh hoạt - Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ

Phát biểu đầu cuộc họp, ông Võ Văn Hoan nhận định ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Phó chủ tịch UBND TP cho rằng dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, quảng bá sản phẩm nên các hàng quán, cửa hiệu đua nhau mở loa gây ô nhiễm tiếng ồn.

Theo ông Hoan, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có cơ sở nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết cách xử lý. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, xem như không phải việc của mình.

Cấm loa kẹo kéo hay cấm luôn Cấm loa kẹo kéo hay cấm luôn 'hung thần karaoke', bạn đọc 'cãi nhau' gay cấn

TTO - Một tuần qua bạn đọc liên tục đề xuất, hiến kế cách trị karaoke từ nhẹ đến nặng, "lấy độc trị độc", hát càng to phạt càng nhiều, nặng nhất là cấm tiệt, ngoan cố cho ra tòa luôn. Cấm loa kẹo kéo hay không? Cấm luôn karaoke tự phát hay không?

TIẾN LONG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên