Hashtag #TwitterFoodBank đã đạt thành công nhờ sự góp sức của tổ chức phi lợi nhuận Team Giving và nhà đầu tư đến từ Michigan Bill Pulte. Team Giving được gieo cảm hứng từ thói quen hào phóng của mạnh thường quân Pulte gửi những số tiền không nhỏ tới người lạ mặt trên Twitter, và tổ chức cũng nhận những khoản đóng góp đầu tiên từ ông.
Team Giving đã và đang phân loại các đóng góp từ tài khoản Cash app, $TGcom, hiện đang gửi từng 100 đôla tới các gia đình đang cần hỗ trợ về kinh tế bằng hashtag trên. “Mỗi ngày chúng tôi sẽ đăng ảnh mỗi lượt của 10 gia đình đã nhận 100 đôla” – minh bạch tên tuổi, hình ảnh của họ. Những gia đình này cũng chia sẻ trở lại những tweet và video ngập tràn niềm vui, bày tỏ lòng biết ơn.
Sự giúp đỡ ở đây đang tạo nên cảm hứng theo nhiều cách khác nhau: mọi người đều đang vật lộn với khó khăn, và khi thấy người chưa từng quen biết trên Twitter bày tỏ đoàn kết với nhau bằng cách gửi tiền trực tiếp, ta không khỏi cảm thấy ấm lòng.
Nhưng hashtag #TwitterFoodBank cũng có nhiều nhược điểm tựa như nền tảng GoFundMe và nhiều nền tản crowdfund khác đang kêu gọi đỡ đần về chi phí y tế và hóa đơn cấp cứu. Nó vừa phản ánh sự bất cập của mạng lưới an sinh của chính quyền (Mỹ có thừa nguồn lực để giúp đỡ người khó khăn hơn bất cứ mạnh thường quân đơn lẻ nào!) và cũng bất công ít nhiều với gia đình đang phải “xòe tay”.
Nói cách khác, các gia đình nhận tiền từ người lạ mặt cảm thấy xấu hổ, và sự riêng tư cá nhân của họ bị xâm phạm, buộc phải chi tiết đời sống tài chính của mình để có thể thuyết phục người khác gửi tiền cho, như nhà báo Rachel Monroe đã từng nêu trong bài báo cho tờ Atlantic mới đây về nền tảng GoFundMe. Chưa kể đặc thù của crowdfund tạo ra một tình trạng cạnh tranh nhất định, ở đó những gia đình khó khăn phải tìm cách nêu ra những lý do thuyết phục nhất, gửi đến những người có thể hỗ trợ họ. Khi buộc phải có một “thể hiện” thật cầu kỳ, “lâm li bi đát” trước công chúng, nơi cả internet có thể nhìn thấy, để đem về miếng ăn cho gia đình, có chút gì đó “tồi tàn” trong cách làm này.
Ngoài ra, có những người khác cũng cần giúp đỡ, nhưng nhiều gia đình lại không sử dụng Twitter và vẫn đang phải gánh gồng miếng ăn. Đã có hơn 22 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ những ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội đầu tháng Ba – và nhiều người đang hy vọng nhận số tiền này cho biết họ không tài nào gọi được vì đường dây bị nghẽn, website khi có khi không. Hàng triệu người Mỹ khác đang thấy tiền lương của họ bị giảm đi tính bằng giờ đồng hồ, khi các biện pháp cắt giảm chi phí được đưa ra. Do đó, nếu muốn giúp người khác, tồn tại nhiều lựa chọn khác ngoài hashtag này.
Tổ chức từ thiện của GiveDirectly, hợp tác với Propel, một công ty phục vụ dựa trên việc phân phối phúc lợi tới người dùng trong SNAP (Chương trình trợ cấp dinh dưỡng bổ sung, tức tem phiếu thực phẩm tại Mỹ), là một. Mỗi gia đình nhận được 1000 đôla duy nhất một lần. GiveDirectly hiện đã giúp đỡ hơn 4500 gia đình, với số tiền 5 triệu đôla – trong đó có của Google 2 triệu đôla, 1 triệu trong đó của CEO Sundar Pichai. Ngoài ra, GiveDirectly cũng đang phân phối tiền mặt cho các gia đình bị covid-19 ảnh hưởng tại Châu Phi, cùng với những tổ chức khác như Trung tâm Phát triển toàn cầu và quỹ từ thiện Sức khỏe và Phát triển toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận