Ví như sự xuất hiện của đại dịch COVID -19, sự phân rẽ của nước Mỹ sau cuộc bầu cử, lũ lụt, cháy rừng, các cuộc biểu tình và nhiều sự kiện khác nữa.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2020, cùng điểm qua những hình ảnh ấn tượng và đáng nhớ theo góc nhìn của Đài ABC News.
Tháng 1: Thiên nhiên nổi giận. Một tia sét chiếu sáng bầu trời tỉnh Batangas tại Philippines khi núi lửa Taal phun trào vào ngày 12-1. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khỏi khu vực khi tro bụi bao phủ các làng mạc, cây trồng và vật nuôi. Năm 2020 thế giới cũng đối mặt với hàng loạt những thiên tai lớn như lũ lụt ở châu Á, cháy rừng ở Úc, Anh, nạn châu chấu ở Châu Phi, gây thiệt hại rất lớn cả về vật chất, tinh thần cho người dân.
Tháng 2: Sự phân rẽ trong chính trường Hoa Kỳ. Đây là bức ảnh ghi lại hình ảnh Phó Tổng thống Mike Pence vỗ tay khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump sau khi ông đọc bài phát biểu của Liên minh tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, DC vào ngày 4 tháng 2. Cử chỉ phản ánh bài phát biểu gây chia rẽ và tình hình chính trị trong nước.
Tháng 3: Sóng ngầm trong Hoàng gia Anh. Hoàng tử Harry, Công tước xứ Sussex và Meghan, Nữ công tước xứ Sussex, tham dự Lễ trao giải Quỹ Endeavour tại Mansion House vào ngày 5- 3 ở London. Đây là lần đầu tiên cặp đôi được nhìn thấy cùng nhau ở Anh kể từ ngày 7/1, chỉ một ngày trước khi họ thông báo kế hoạch tách khỏi gia đình hoàng gia để “đi tìm tự do”.
Tháng 4: Toàn cầu căng mình chống đại dịch. Chỉ vài tháng sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán (Trung Quốc), con số ca bệnh đã tăng theo cấp số nhân mỗi ngày. Dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng lao đao. Cuộc sống người dân bỗng chốc đảo lộn, tình trạng thất nghiệp, trầm cảm gia tăng.
Tháng 5: Cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ. Một người biểu tình mang cờ Hoa Kỳ lộn ngược - dấu hiệu của sự đau khổ - trước một tòa nhà đang bốc cháy vào ngày 28-5, ở Minneapolis. Sau cái chết của George Perry Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Minneapolis và lan rộng khắp đất nước Mỹ trong tình đoàn kết chống lại bất công chủng tộc. Đáng chú ý hơn cả, cuộc biểu tình này nhận được sự cổ vũ của rất nhiều quốc gia tại Âu – Á – Mỹ, với sự tham gia của các ngôi sao, chính khách nổi tiếng không phải người da màu.
Tháng 6: Cuộc sống đảo lộn vì Covid. Một sinh viên nhận bằng tốt nghiệp của mình trong lễ tốt nghiệp tại Trường Trung học Cộng đồng Bradley-Bourbonnais (Mỹ) vào ngày 6 -5. Do sự lây nhiễm COVID-19 ở quy mô lớn và phức tạp, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt ra các quy định nhằm giãn cách xã hội. Các đám cưới không người tham dự, lễ tang lặng lẽ không người đưa tiễn. Học sinh, sinh viên tự học tại nhà, các buổi lễ trao bằng, trao giải nghệ thuật cũng diễn ra trực tuyến hoặc tại các khán phòng trống rỗng như trong ảnh.
Tháng 7: Sự ra đi của John Lewis. Một người đàn ông rải những cánh hoa trên cầu Edmund Pettus trước bình tro cốt của Hạ nghị sĩ John Lewis trong một buổi lễ tưởng niệm ngày 26 - 7, ở Selma (Hoa Kỳ). Lewis là một nhà tiên phong dân quyền, người dẫn đầu các cuộc biểu tình và chống lại sự phân biệt chủng tộc ở những năm 1960, khi ông vẫn đang học đại học. Ông được bầu vào Quốc hội năm 1986 và phục vụ 17 nhiệm kỳ với tư cách là đại diện cho Khu vực Quốc hội số 5 của Georgia, cuối cùng là chủ tịch Tiểu ban Giám sát Cách thức và Phương tiện của Hạ viện. Vào năm 2011, ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống.
Tháng 8: Chấn động vụ nổ cảng Beirut. Một con tàu lớn bị lật nằm nghiêng sau vụ nổ lớn hôm 4 - 8 tại khu vực cảng ở Beirut. Ít nhất 171 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương trong vụ nổ tàn phá thành phố cảng này.
Tháng 9: Hỏa hoạn hoành hành. Những người di cư chạy trốn khỏi đám cháy tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp, vào ngày 9 - 9. Trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi trại tị nạn lớn nhất châu Âu, khiến khoảng 12.000 người không có nơi trú ẩn.
Tháng 10: Biểu tình ở Thái Lan. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ giơ ba ngón tay chào, vốn đã trở thành biểu tượng của phong trào trong cuộc biểu tình tại ngã tư Kaset bên ngoài thủ đô Bangkok, ngày 19-10. Hàng chục nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 2 nhằm thách thức chính quyền thủ tướng Prayut Chan-o-cha, yêu cầu ông từ chức, thay máu nội các và đòi kiềm chế quyền lực của hoàng gia.
Tháng 11: Cô độc và kiệt sức vì đại dịch. Một bệnh nhân tại phòng chăm sóc COVID-19 gục đầu vào ngực Tiến sĩ y khoa Joseph Varon tại Trung tâm Y tế United Memoria (Houston, Mỹ) ngày 26-11 và bật khóc nức nở vì nhớ vợ. Bác sĩ Varon cho biết ông đã làm việc 252 ngày liên tục trong cả năm qua. Đại dịch đang làm suy kiệt không chỉ bệnh nhân mà cả đội ngũ y bác sĩ tại Mỹ.
Tháng 11: Cuộc bầu cử tại Mỹ. Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, cùng vợ / chồng của họ, Jill Biden và Douglas Emhoff, phản ứng kinh ngạc và vui mừng khi truyền thông tuyên bố Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 7-11.
Tháng 12. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Một gia đình đang cầu nguyện trước bữa tiệc Lễ Tạ ơn, ngày 26 -11, cô con gái nắm chặt chiếc xe tập đi từng thuộc về người mẹ vừa qua đời vì COVID-19 của mình. Đây là hình ảnh chung của hàng triệu gia đình trên thế giới trong năm nay.
Không thể nói được hết nỗi đau của sự mất mát về vật chất và tinh thần sau những biến cố, nhưng Trái đất vẫn đang quay và cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Chúng ta nhớ về một năm 2020 đầy biến động để cùng sốc lại tinh thần, bên nhau để khởi động năm mới tốt đẹp hơn và đầy những điều mới mẻ, như đã từng.
Ảnh AFP/GETTY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận