Hai nhà sinh vật học Ying-hui Fu và Louis Ptáček tại Trường Đại học California (San Francisco, Mỹ) vừa phát hiện ra một hiện tượng đột biến gen làm giảm đáng kể số giờ ngủ cần có trong một ngày. Theo đó, một người đàn ông chỉ cần ngủ khoảng năm tiếng rưỡi mỗi đêm và con trai ông chỉ khoảng bốn tiếng nhưng cả hai đều mạnh khoẻ, vui vẻ và đầy năng lượng. Họ không mệt mỏi hoặc hay quên như những người bị chứng thiếu ngủ hành hạ.
Fu và Ptáček đã lấy máu của hai cha con, từ đó khám phá ra một đột biến gen của những người ngủ ít và công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Science Translational Medicine cách đây hai tuần. Đột biến gen này được mong đợi sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được cách cơ thể chúng ta điều khiển giấc ngủ. Đây chỉ là đột biến gen ngủ ít thứ ba, nhưng Fu và các nhà khoa học khác cho rằng còn có nhiều hơn.
Giấc ngủ vô cùng quan trọng với cuộc sống con người. Nó giảm lo âu, cải thiện trí nhớ, sự tập trung và giúp kiểm soát tâm trạng. Những người thiếu ngủ kinh niên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư và Alzheimer cao hơn. Tuy nhiên, hiểu biết của khoa học về cách thức cơ thể chúng ta điều khiển chức năng này vẫn còn khá hạn chế.
Những người ngủ ít là rất hiếm. Trong số bốn triệu người chỉ có một người mang đột biến gen này. Đa số chúng ta cần khoảng tám tiếng ngủ nhưng những người ngủ ít chỉ cần từ bốn đến sáu tiếng mà vẫn sống và làm việc bình thường. Họ cũng không cần ngủ trưa hay ngủ nhiều vào cuối tuần để hồi sức. Trong một tháng, những người này có thể dư dả đến 75 tiếng mà đa số mọi người cần để ngủ, đồng nghĩa với có thêm nhiều thời gian để xem phim, đọc sách, làm việc, trả lời mail…
David Dinges, một nhà thần kinh học nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Pennsylvania đánh giá xác định được những người ngủ ít liên quan về mặt di truyền như một cặp cha - con là một bước tiến dài. Nhóm nghiên cứu tập trung vào những gen cả hai cùng có. Cuối cùng, họ tìm thấy một đột biến đơn trong gene NPSR1, chịu trách nhiệm cho một thụ thể (receptor) đặc biệt. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy kích hoạt thụ thể này giúp người ta tỉnh táo.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu thực hiện đột biến trên loài chuột. Những con chuột đột biến ngủ ít hơn nhưng không có sự chênh lệch đáng kể về thời gian ngủ như ở con người, có thể vì chuột có thói quen ngủ khác biệt (ngủ rất nhiều giấc ngắn trong một ngày). Đáng chú ý, những con chuột này vẫn sinh hoạt bình thường, giống với cặp cha - con trong nghiên cứu, trí nhớ cũng không suy giảm.
Fu cho rằng đột biến này có thể giúp con người ngủ một cách hiệu quả hơn. Nếu hình dung cơ thể như một cỗ máy thì giấc ngủ chính là quãng thời gian bảo trì. Những đối tượng mang đột biến gen kể trên cho thấy họ bảo trì hiệu quả hơn. Đồng thời, phát hiện này cũng góp phần mang đến hy vọng cho những người mất ngủ kinh niên hay ngủ không đủ giấc. Vì trong tương lai các nhà khoa học có thể sẽ khám phá ra biện pháp giúp họ tận dụng tối đa các ích lợi của một giấc ngủ ngắn ngủi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận