Ngày 16-11, Trại “Tê giác mồ côi” (Rhino Orphanage) ở tỉnh Limpopo (Nam Phi) tiếp nhận một động vật hoang dã sơ sinh, dù bé chẳng phải là… tê giác.
Hôm ấy, một chủ đất ở gần đó đã báo về Trại có một hươu cao cổ mẹ đã bỏ rơi con, ngay sau khi sinh. Lúc ấy, con non mới khoảng hai – ba ngày tuổi, bị hôn mê vì mất nước.
Sau khi đưa hươu cao cổ non về trại, bác sĩ thú y đã đặt ống thông tĩnh mạch để truyền kịp thời chất dinh dưỡng cho bé.
Tuy vậy, việc tập cho bé… bú bình vẫn rất gian nan, vì loài hươu cao cổ vốn “khét tiếng” về thói ngoan cố từ chối chuyện ấy. Bé cao khoảng… 1,8m, nên Trại phải “sáng tạo” vài thủ thuật, hòng dụ nó chịu đứng bú từ bình sữa treo trên dây.
Hươu cao cổ mồ côi, nay được gọi là Jazz, cũng được một anh bạn chó bảo vệ của Trại chăm sóc hết sức tận tình, với những… cú liếm đầy trìu mến và sự giám hộ chặt chẽ bên trong căn phòng dành riêng cho bé.
“Kẻ giám hộ” đó là Hunter, một chú chó chăn cừu thuộc giống Malinois của Bỉ. Hunter thường tham gia các hoạt động chống săn bắn trái phép ở địa phương.
Theo Trại “Tê giác mồ côi”, Hunter đã rất buồn lúc bé Jazz còn hôn mê, tới nỗi cún ta bỏ cả vài bữa ăn của mình. Hunter luôn ở trong phòng suốt ngày với Jazz, thậm chí còn không cho phép em trai của nó (cún Duke) bén mảng vô phòng.
Tình thương đó của Hunter đã sớm được bé Jazz đáp lại, cũng theo cách "rất dễ thương, ngọt ngào và ấm áp”, Trại cho hay.
Theo tiến sĩ Clive Wynne - một nhà tâm lý học ở Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ, chó luôn thể hiện sự đồng cảm và có thể đáp ứng với cảm xúc của con người theo cách rất “đáng chú ý”. Trong cuốn sách “Cún là tình yêu” (Dog is Love, nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt, 11-2019) của mình, tiến sĩ Wynne cho biết: một cuộc nghiên cứu cho thấy trái tim của chó và của chủ nó đập… đồng bộ, như tim của một đôi vợ chồng nhân ái.
Tuy vậy, theo tác giả, đó không phải là “một hình thức thông minh độc đáo”, tức khả năng nhận thức của loài chó, mà là khả năng kết nối của chúng với nhiều loài động vật khác nhau. Năng lực độc đáo nhất cùa loài chó là “tình yêu dành cho các loài khác”, và đó là “một phần trong bộ gen của chúng” - tiến sĩ Wynne viết.
Từ tháng 8 năm nay, hươu cao cổ đã được đưa vô danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, do nạn săn bắn trái phép, môi trường sống tiếp tục bị thu hẹp, cùng hạn hán khắc nghiệt kéo dài ở châu Phi,…
Trong 30 năm qua, số hươu cao cổ trên thế giới đã giảm tới 40%, hiện chỉ còn khoảng còn 97.500 cá thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận