Nhiều người lớn không biết rằng những cách chơi, cách phạt đó có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ.
Chớ đu đưa khi trẻ khóc
Các bậc cha mẹ và cả ông bà nội ngoại thường có thói quen đu đưa, rung lắc khi trẻ nhỏ quấy khóc. Họ tưởng đó là biện pháp hay và cứ thế tiếp tục. Chả ai nghĩ rằng: mình bị lắc kiểu đó chắc mình chóng mặt lắm.
Bạn nhìn đứa trẻ sơ sinh sẽ thấy cái thóp đập phập phồng, đó là xương sọ còn rất non, phần thóp còn chưa kịp tạo xương phủ kín, phập phồng là hệ mạch máu nuôi não đang đập. Khi ta rung, lắc trẻ, tổ chức não còn non nớt sẽ va vào hộp sọ sinh ra những tổn thương nhỏ. Mạch máu nơi đây cũng bị “đu đưa” có thể bị rạn và hồng huyết cầu thoát ra ngoài.
Bạn không nhìn thấy và đôi khi bé chả có biểu hiện gì, nhưng tổn thương bé tí ấy sẽ làm cho tổ chức não đang thời kỳ phát triển có những trục trặc nhỏ.
Cù léc, tung hứng, đi máy bay… những trò chơi nguy hiểm
Ông bố thích chơi trò tung hứng. Ngay cả diễn viên xiếc cũng không dám đảm bảo bắt trúng 100% huống hồ các anh là “ngoại đạo”. Đã có trường hợp cha tung con gái 10 tháng tuổi lên cao bị quạt trần chém nứt sọ, hay cha tung con lên, không bắt kịp gây cái chết thương tâm...!
Vì thế xin các bậc làm cha ngưng ngay trò chơi tung hứng, đừng coi trẻ như một đồ chơi mà làm xiếc trong nhà. Cách nắm chân trẻ quay vòng gọi là “đi máy bay” cũng không nên, bởi nếu trẻ không bị rơi thì các mạch máu trong não cũng bị kéo căng ra gây rạn, vỡ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Nhiều người lại thích cù léc để trẻ cười sằng sặc. Lúc cười, não giải phóng một số hóa chất gây hưng phấn như endorphin, enkaphalin,dopamin,noradrenalin, adrenalin... Vì có noradrenalin và adrenalin nên tim đập nhanh, huyết áp tăng, ruột co thắt lại, người lớn cười xong đau cả ruột, chảy nước mắt là vậy.
Vì thế nếu cứ cù léc liên tục sẽ nguy hiểm cho trẻ. Xin kể câu chuyện cho các bậc cha mẹ tham khảo: Thời xưa Trung Quốc và La Mã có hình thức tra tấn là cù léc cho đến chết. Kẻ tội đồ bị trói trên tấm ván. Hai bàn chân bị liên tục tưới nước muối nhạt. Một đàn dê cứ luân phiên lấy chiếc lưỡi ráp liếm vào gan bàn chân tội đồ. Người đó cười sằng sặc, cười quằn quại đến khi kiệt sức và chết.
Đừng dạy trẻ bằng cái tát
Ở trường mẫu giáo, các cô luôn phải đối mặt với chuyện trẻ đánh nhau, giành đồ chơi, biếng ăn... khiến không ít cô nổi nóng tát tai trẻ. Trong gia đình, nhiều phụ huynh cũng dùng biện pháp này để phạt con vì nó… tiện tay. Khỏi nói về những sang chấn tâm lý ngay tức khắc nhưng nguy cơ lâu dài sức khỏe là có thật.
Tát tai là dùng lực mạnh từ bàn tay tác động vào một bên má và tai. Áp suất trong tai tăng lên đột ngột khiến trẻ có thể bị thủng màng nhĩ và rất dễ bị viêm tai giữa. Tát tai, trẻ choáng váng té vào một vật cứng có thể gây chấn thương sọ não (nhức đầu, choáng váng, nôn, cần đưa ngay đến bệnh viện).
Còn các bệnh khác? Giáo sư Michael Hyland, từ trường Tâm lý học, Đại học Plymouth đã theo dõi 700 người bị đánh từ lúc nhỏ và thấy rằng: Đánh nhẹ, quát vừa phải cũng gây bệnh cho trẻ khi lớn. Cụ thể là: Bệnh tim mạch tăng 1,3 lần, bệnh ung thư tăng 1,7 lần và hen suyễn tăng 1,6 lần. Các bác sĩ cho rằng: những sang chấn tâm lý đã làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc đủ các loại bệnh của toàn cơ thể.
Bài viết không thể nói hết những vấn đề cần nói, chỉ mong các bậc phụ huynh, các thầy cô xin đừng “giỡn” với trẻ về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận