Máy bay, tàu hỏa, xe khách, luôn là nơi “tụ tập đông người” đáng ngại trong mùa COVID-19. Ngoài khẩu trang, hành khách còn cần thủ riêng ít chiêu “thượng lộ bình an”.
Xuyên suốt là kỹ năng chọn chỗ ngồi ít tương tác nhất với hành khách, tiếp viên, người đi vệ sinh tới lui. Đó là hàng ghế cạnh cửa sổ hoặc xa lối đi càng nhiều càng hay. Minh họa bằng bài tính, trên chuyến bay, bạn ngồi sát cửa sổ thì trung bình số lần tương tác là 12, trong khi ngồi cạnh lối đi thì con số vọt lên 60 lần!
Chọn chỗ cho lắm, vô phúc ngồi cạnh tay COVID-19 thì cũng bằng thừa?
- Đúng là chọn chỗ ngồi tàu xe như chơi xổ số, và còn không thể đổi ghế nếu có gì không ổn. Tuy vậy, hãy kiên quyết dùng quyền từ chối nếu bạn đường ngồi bên không khỏe, không khẩu trang. Có cơ hội, như trên xe bus, đừng ngại dùng quyền tự do đi lại, cứ ghế trống, ít người là chuyển xoành xoạch mặc ai cười.
Có nên... nhịn đi vệ sinh luôn cho yên bụng?
- Nhà vệ sinh tàu bay, tàu hỏa, là ổ bề mặt giọt bắn “thập loại chúng sinh”. Đi vệ sinh còn khiến bạn tự tăng lượt tiếp xúc khi bước qua các dãy ghế, lượt đi lẫn lượt về. “Một điều nhịn chín điều lành” có thể là giải pháp, miễn bàng quang của bạn thuộc loại cừ.
Cứ chụp khẩu trang từ lúc lên xe đến xuống xe. Dám chịu thì khỏi ăn uống luôn?
- Kiểu gì bạn cũng phải gỡ khẩu trang xuống để ăn uống. Bỏ một bữa trên tàu bay không phải chuyện lớn, nhưng “tuyệt thực” đôi ba ngày trên tàu hỏa thì ngặt. Tất nhiên, bạn có thể dùng bữa theo thể thức đóng - mở khẩu trang, hoặc giảm nhẹ bằng cách ăn nhanh, bỏ qua tráng miệng, xỉa răng, uống nước hay uống bằng ống hút, cốt rút ngắn bữa ăn. Ăn bằng miệng, nên cứ xài khẩu trang kiểu “bán khỏa thân” bảo vệ mũi không gỡ hẳn. Mặt nạ chống giọt bắn hữu dụng cho cả ăn uống. Nếu không mang sẵn, có thể tự chế với túi ni-lon, mũ lưỡi trai và ít băng dính. Trông luộm thuộm, buồn cười, nhưng lợi thì ta cứ làm.
Có lời khuyên đi máy bay, tàu hỏa, xe khách, nên ngủ kỹ sẽ đỡ phần lây nhiễm?
- Một giấc ngủ ngon, giúp khỏe người, triệt căng thẳng, lợi nhỏ lợi to cho sức đề kháng. Ngủ còn giúp… giảm tương tác, ví dụ tám chuyện, từ bạn hay từ người ngồi cạnh. Ngủ còn là kế giảm số lần đi vệ sinh.Tuy vậy, ngủ, lại tước mất khả năng tự vệ, ví như người bên cạnh ho sù sụ còn bạn lại đang ngái và khẩu trang thì tụt xuống tận cằm.
Triệt để áp dụng cách chào hỏi bằng khủy tay trên tàu xe ?
- Không chỉ chào hỏi, bạn còn có thể biệt phái cái cùi chỏ làm việc “nguy hiểm”, như đẩy cửa nhà vệ sinh. Có quá ít việc cho khủy tay, nên bạn cũng có thể chuyển sang dùng “quy tắc bàn tay trái”, tức xài tay trái cho việc xấu, và chỉ dành tay phải cho nội bộ, đặc biệt như quệt mũi, xoa mắt...
Còn đeo găng tay ? Mũi miệng có khẩu trang thì ai cấm bàn tay có găng tay?
- Thật ra kế này lợi bất cập hại, thậm chí tự chuốc phiền. Số là lúc bạn tháo găng tay, kiểu gì cũng phải chạm tay trần. Sáng cửa hơn là rửa tay hoặc thay găng bằng khăn giấy, dùng rồi vứt. Thủ sẵn một chai rửa tay khô, tiện thể vệ sinh chỗ ngồi cũng tốt.
Kể ra mấy ông nghiện thuốc lá cũng khổ...
-Tình thế phải hé khẩu trang làm khó dễ mấy ông hút thuốc hơn cả chuyện ăn uống. Thậm chí phì khói đường mũi thì chỉ mỗi cách cởi tất khẩu trang. COVID-19 , nhân đó mà “vài giây làm nên lịch sử”. Ngoài ra rít rồi phà liên tục còn đặt các ông vào thế hít giọt bắn sâu hơn. Nhịn cho lành hay lại dùng mặt nạ nếu không thấy kỳ.
Người ta còn bảo chồng khẩu trang nhiều lớp cho phù hợp tình hình tàu xe đông người?
- Bạn gần như “trúng quả” nếu người bên cạnh hắt hơi, ho khạc, nên dễ hiểu cho toan tính “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Tuy vậy, khẩu trang nhiều lớp, có vẻ phục vụ tâm lý an lòng hơn là hiệu quả thực. Một lớp khẩu trang đã chặn được giọt bắn, thì thêm lớp nữa không để làm gì. Chưa nói, chúng còn gây khó thở, khó chịu, thậm chí ngạt, trong bầu không khí tàu xe bí bách, đầy hơi người. Chưa kể, vì thế , lại lâu lâu thúc bạn mở hé khẩu trang ra để thở!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận