19/02/2024 11:47 GMT+7

Quan chức châu Âu thận trọng việc kết nạp Ukraine vào NATO

Ngoại trưởng Ý cảnh báo về kịch bản Thế chiến 3 nếu một thành viên NATO xung đột với Nga, trong khi thủ tướng Hà Lan cho rằng cần xem xét cẩn trọng các bước tiếp theo để tránh "hứa hão" việc cho Ukraine gia nhập NATO.

Lãnh đạo các nước tham dự sự kiện công bố Tuyên bố chung ủng hộ Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7-2023 - Ảnh: AFP

Lãnh đạo các nước tham dự sự kiện công bố Tuyên bố chung ủng hộ Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7-2023 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Pravda (Ukraine) ngày 18-2, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani tin rằng Ukraine nên trở thành thành viên NATO trong tương lai, mặc dù ông cho rằng động thái như vậy là quá rủi ro, do đó không thể thực hiện trước khi xung đột với Nga kết thúc.

"Thông điệp gửi tới Nga rất rõ ràng: Ukraine sẽ là thành viên của Liên minh châu Âu, và sau đó chúng tôi đang nỗ lực để Ukraine trở thành thành viên của NATO", Ngoại trưởng Tajani nói.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh còn quá sớm để xem xét tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh quân sự này. "Chúng ta cần phải hết sức thận trọng" - ông nói, đồng thời lưu ý tình huống một thành viên NATO xung đột với Nga "đồng nghĩa với Thế chiến 3".

Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ mọi cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên NATO "được xem là cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nước thành viên".

Tại Hội nghị an ninh Munich vừa qua, các chính trị gia đã được đặt câu hỏi về sự "ủng hộ cá nhân" với việc Ukraine gia nhập vào liên minh ở hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới (tháng 7-2024).

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từ chối bình luận về việc ông có ủng hộ Ukraine gia nhập NATO hay không, nhưng cho rằng việc kết nạp Ukraine là không khả thi trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn, theo Đài Russia Today (RT).

"Tin xấu là chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn thì Ukraine không thể trở thành thành viên NATO. Tin tốt là chúng ta có thể học hỏi từ Liên minh châu Âu (EU)", ông nói, đề cập cách tiếp cận của EU trong việc triển khai "các bước trung gian" mà các quốc gia cần thực hiện trên con đường gia nhập, trái ngược với quy trình của NATO là "từ không có gì đến tư cách thành viên đầy đủ".

Trong lần gần nhất câu hỏi về việc Ukraine gia nhập NATO được đề cập, Thủ tướng Mark Rutte cho biết Kiev đã cảm thấy "không hài lòng". Do đó, cần cẩn thận xem xét bước tiếp theo có thể thực hiện là gì để tránh "hứa hão".

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 ở Vilnius (Lithuania), các nhà lãnh đạo liên minh quân sự tuyên bố "vị trí chính đáng của Ukraine là trong NATO", nhưng không đưa ra bất kỳ cam kết rõ ràng hoặc mốc thời gian cụ thể nào về việc gia nhập của Kiev.

Trong khi câu hỏi về tư cách thành viên của Ukraine có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo vào tháng 7, một số chính trị gia phương Tây đã cảnh báo không nên mong đợi một "bước nhảy vọt lớn về vấn đề đó".

Theo RT, Nga coi việc NATO mở rộng về phía biên giới nước này là mối đe dọa an ninh lớn. Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9-2022.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cách tiếp cận của phương Tây với Ukraine là một sai lầm chính trị to lớn. Ông nêu ra lời hứa chấp nhận Ukraine gia nhập của NATO vào năm 2008, cũng như cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014.

Nghị sĩ Ukraine nói Kiev sẽ chế tạo rocket hạt nhân nếu không vào được NATONghị sĩ Ukraine nói Kiev sẽ chế tạo rocket hạt nhân nếu không vào được NATO

Theo nghị sĩ Alexey Goncharenko, nếu Ukraine không có được tư cách thành viên đầy đủ của NATO, nước này sẽ buộc phải phát triển hoặc bằng cách nào đó có được kho vũ khí hạt nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên