18/09/2003 08:15 GMT+7

Chống chọi cơn cuồng nộ của biển

VŨ HƯƠNG GIANG
VŨ HƯƠNG GIANG

TT - Chúng tôi không thể tin vào những điều mình đã thấy trong những ngày này ở bãi biển Đồi Dương (Phan Thiết, Bình Thuận). Biển xanh trong với bãi cát trắng tinh lùi xa tít giờ đây không còn nữa. Tất cả đã trở nên ngổn ngang và hỗn độn như một bãi chiến trường.

xDt4XZ7O.jpgPhóng to

Hàng trăm người xúc cát đắp bờ chắn sóng

TT - Chúng tôi không thể tin vào những điều mình đã thấy trong những ngày này ở bãi biển Đồi Dương (Phan Thiết, Bình Thuận). Biển xanh trong với bãi cát trắng tinh lùi xa tít giờ đây không còn nữa. Tất cả đã trở nên ngổn ngang và hỗn độn như một bãi chiến trường.

Cơn cuồng nộ

Những hàng dương gần 20 tuổi oằn mình vì gió bão. Nhiều cây đã trốc gốc phơi cả những bộ rễ nằm ngả nghiêng. “Năm nay chưa đến vụ bấc mà nó hỗn sớm quá” - nhiều người đã thốt lên như vậy.

Nước dâng cao như muốn nuốt chửng cả Đồi Dương, hệt như con trăn ngậm một con mồi đang ngắc ngoải chờ chết. Biển như một kẻ điên cuồng lồng lộn vô cớ trút giận vào bờ. Tiếng sóng đập, gió rít đinh tai làm sập nhiều mái che của các quán giải khát nằm phơi mặt trước biển.

Trong hai ngày 8 và 9-9-2003 tuyến bờ biển dài gần 2km đã bị biến dạng hoàn toàn, cả khu vực như bị cày xới tan hoang. Trong quang cảnh hỗn độn, tiếng kêu la đâu đó vang lên, có lẽ của người vừa bị thiệt hại về tài sản. Sự sụp đổ tan tác chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, trước mắt họ.

pCwqI2l4.jpgPhóng to

Bao cát và cừ tràm chắn sóng

Ở quán Tin Tin, trong lúc chị Thùy, chủ quán, đang loay hoay cột thêm dây vào trụ để giữ bộ khung lều thì một tiếng động vang lên. Nền nhà vỡ toác và bị sóng cuốn theo tất cả phần sau của quán. Trong đợt biển xâm thực gần nửa tháng nay, quán chị đã bị sóng “nuốt” gần phân nửa.

Nhiều khách du lịch nghỉ ở hai khách sạn đối diện biển đều thảng thốt trước cảnh tượng này.

Chống chọi...

Ở Bình Thuận, hiện tượng biển xâm thực xảy ra ở nhiều nơi làm sạt lở bờ và các công trình, nhà cửa xảy ra hằng năm, bắt đầu từ tháng chín đến giáp Tết Nguyên đán nhưng chưa bao giờ ở bãi Đồi Dương bị nặng như thế này.

Giải pháp duy nhất có thể cầm cự với hiện tượng biển xâm thực ở đây nhiều năm qua là đóng cọc cừ tràm và đắp bao cát chắn sóng. Mặc dù mỗi năm khu vực này được ban quản lý khu du lịch Đồi Dương và chủ các quán giải khát đắp thêm vài chục ngàn bao cát nhưng vẫn chẳng ăn thua gì.

Hơn mười ngày nay cứ tầm 5 giờ chiều có đến vài trăm người đủ lứa tuổi ngồi chờ nước rút để làm việc. Họ là những lao động từ khắp nơi được chủ quán thuê để xúc cát đắp kè chắn sóng.

Thời gian làm việc phụ thuộc con nước nên tiến độ rất chậm, nhiều đêm họ phải làm đến 2 giờ sáng. Cả một bãi biển sáng choang bởi những bóng đèn cao áp.

Tại hiện trường, hầu như chỗ nào chúng tôi cũng thấy bóng dáng của lực lượng ban quản lý khu du lịch Đồi Dương.

Anh Vũ Đình Khuê - trưởng ban, cho biết phải túc trực 24/24 giờ để hỗ trợ dân và chờ nước rút đóng thêm cọc, đắp bao cát cho đoạn xung yếu dài 80m. Khó khăn nhất là việc lấy cát dưới biển. Lượng cát do sóng bồi không thấm tháp gì so với lượng cát lấy đi hằng ngày nên lớp dưới toàn là vỏ sò vụn nát. Anh Khuê nói cơn mưa chiều 14-9 khiến các anh thêm một khó khăn nữa.

Sự chênh lệch độ cao giữa đất liền và biển ngày càng lớn, có chỗ sâu đến 3m nên nước mưa từ đường chảy ngược ra biển tạo thành những dòng chảy lớn phá hết những gì đã làm. Nửa tháng nay ban quản lý khu du lịch đã xin thêm 150 triệu cũng chỉ có thể cầm cự trong một thời gian ngắn. “Cứ như trứng chọi với đá thế này thì làm sao qua nổi mùa bấc” - anh nói.

Nghe đâu để bảo vệ bãi biển, tỉnh đã có chủ trương cho xây 2km kè chắn sóng với dự toán kinh phí trên 30 tỉ. Sở Khoa học - công nghệ & môi trường cũng đã mời một số nhà khoa học từ TP.HCM ra đo những thông số về sức gió cũng như lực sóng để nghiên cứu, chống đỡ những con sóng dữ...

Đó là chuyện của ngày mai. Còn giờ đây tất cả chỉ là sự chống chọi yếu ớt, không cân sức của những con người ở bãi biển, giống như con mồi đang ngắc ngoải trước miệng của một con trăn lớn...

Khi ra khu vực kè chắn sóng trên 2 tỉ đồng của khách sạn bốn sao Novotel nằm sát khu vực ban quản lý, chúng tôi lại thấy những ống bi đã bị sóng đánh vỡ toang mất rồi!

VŨ HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên