30/03/2024 09:14 GMT+7

Nhà thầu lắp đặt thiết bị đăng kiểm ‘chung chi’ hơn 14 tỉ đồng

Cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Nét và Công ty TNHH T&E có hành vi vi phạm trong đấu thầu, mua sắm dây chuyền, thiết bị đăng kiểm.

Cơ quan điều tra tống đạt kết luận điều tra cho các bị can trong vụ tiêu cực liên quan đăng kiểm - Ảnh: CACC

Cơ quan điều tra tống đạt kết luận điều tra cho các bị can trong vụ tiêu cực liên quan đăng kiểm - Ảnh: CACC

Theo kết luận điều tra, hiện cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm sử dụng 340 dây chuyền kiểm định do 4 công ty cung cấp.

Bốn công ty đó gồm: Công ty TNHH Việt Nét cung cấp 125 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Beissbarth; Công ty TNHH T&E cung cấp 150 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Maha; Công ty TNHH Hoàng Hoàng Anh cung cấp 33 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Ryme; Công ty CP thiết bị công nghệ Tân Phát cung cấp 32 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Muller.

Cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Nét và Công ty TNHH T&E có hành vi vi phạm trong đấu thầu, mua sắm dây chuyền, thiết bị.

Lắp đặt thiết bị kiểm định không qua đấu thầu

Theo đó, giai đoạn 2004 - 2013, 20 trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) trên cả nước lần lượt thay thế dây chuyền từ thiết bị của Beissbarth do Công ty Việt Nét cung cấp (lắp đặt tại các trung tâm từ trước năm 2004) sang thiết bị của Maha do Công ty T&E cung cấp nhưng không thực hiện đấu thầu.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM định giá đối với 21 dây chuyền đăng kiểm do Công ty T&E cung cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả định giá để xác định thiệt hại, làm căn cứ xử lý theo quy định.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định tách hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm thay đổi lời khai nhận 100 triệu đồng

Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, bà Trần Thị Miên Thủy (giám đốc Công ty Việt Nét) có đơn trình báo và thừa nhận từ năm 2015 đến nay, bà Thủy có chủ trương thỏa thuận "chung chi" khoảng 10% trị giá hợp đồng để được cung cấp dây chuyền kiểm định, hoặc khoảng 5% giá trị hợp đồng để được cung cấp trang thiết bị nâng cấp dây chuyền kiểm định cho giám đốc hoặc một số đối tượng tại 40 trung tâm đăng kiểm thuộc 26 tỉnh, thành. Tổng số tiền đã chung chi là hơn 14 tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định ông Trần Kỳ Hình (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm) thừa nhận đã nhận hối lộ của Đàm Ngọc Hồng (phó giám đốc Công ty Việt Nét) 100 triệu đồng, để ký quyết định cho phép lắp đặt thí điểm 1 dây chuyền kiểm định xe tải của Hãng Beissbarth tại chi nhánh Trung tâm đăng kiểm 50-04V nhưng không thực hiện đấu thầu. Thế nhưng sau đó ông Trần Kỳ Hình thay đổi lời khai, không thừa nhận việc nhận hối lộ số tiền trên.

Từ năm 2018 đến nay, Đàm Ngọc Hồng định cư tại Hà Lan nên cơ quan điều tra chưa thể làm việc. Tuy nhiên, Đàm Ngọc Hồng có đơn tố cáo được hợp pháp hóa lãnh sự đối với hành vi của Trần Kỳ Hình như sau:

Năm 2004, ông Trịnh Ngọc Giao - nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm - cấm không cho Công ty Việt Nét cung cấp thiết bị kiểm định của Hãng Beissbarth cho hệ thống đăng kiểm trên cả nước, mà thay vào đó là thiết bị của Hãng Maha.

Đến năm 2015, khi ông Trần Kỳ Hình giữ chức cục trưởng Cục Đăng kiểm, Hồng đã đến gặp ông Hình để xin cung cấp thiết bị kiểm định trở lại và được ông Hình chấp thuận cung cấp thí điểm thiết bị kiểm định cho Trung tâm đăng kiểm 50-04V.

Tháng 2-2015, Hồng có đưa cho ông Hình 100 triệu đồng tiền mặt tại phòng làm việc của ông Hình.

Ngoài ra, để trúng thầu cung cấp thiết bị đăng kiểm cho các trung tâm đăng kiểm, Công ty Việt Nét đã "làm giá đấu thầu", "thông thầu" và hối lộ cho ông Nguyễn Đình Thuần (giám đốc Trung tâm 50-01S) 104 triệu đồng; bà Trương Thị Anh Vân (kế toán Trung tâm 73-01S) 21,9 triệu đồng; ông Đào Hữu Long (giám đốc Trung tâm 75-01S) 21,9 triệu đồng; ông Chu Văn Khang (giám đốc Trung tâm 98-01S).

Cũng theo kết luận điều tra, các bị can Trần Thị Miên Thủy, Trần Thái Sơn, Phạm Hồng Việt (Công ty Việt Nét) khai đưa tổng số tiền 9,8 tỉ đồng cho nhiều trung tâm đăng kiểm khối nhà nước.

Tuy nhiên ngoài lời khai, cơ quan điều tra không thu được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào nên không có cơ sở xem xét hành vi nhận hối lộ của các trung tâm này để giúp Công ty Việt Nét trúng thầu.

Ngoài ra, để bán được thiết bị, dây chuyền kiểm định cho các trung tâm đăng kiểm khối tư nhân, bà Thủy và Trần Thái Sơn đã chi tổng cộng 3,1 tỉ đồng cho nhiều cá nhân. Tuy nhiên cơ quan điều tra xác định đây là trung tâm tư nhân nên việc mua sắm không cần qua đấu thầu, các cổ đông trung tâm không tố cáo nên không có cơ sở để xem xét hành vi.

Đăng kiểm viên viết phần mềm chỉnh sửa dữ liệu, mới thu lợi 44 triệu thì bị lộĐăng kiểm viên viết phần mềm chỉnh sửa dữ liệu, mới thu lợi 44 triệu thì bị lộ

Ông Hoàng Hữu Thịnh (nhân viên của Trung tâm đăng kiểm 73-02D tỉnh Quảng Bình) viết phần mềm chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải, thắng, đèn xe ô tô, thu lợi 44 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên