26/03/2023 09:02 GMT+7

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus: Bất thường hay bình thường?

Ngày 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng đồng minh Belarus. Đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật ra ngoài lãnh thổ kể từ năm 1996.

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus: Bất thường hay bình thường? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo tại Matxcơva ngày 19-2-2022 - Ảnh: REUTERS

Nga tố Mỹ cũng làm tương tự

Ngày 25-3, Tổng thống Putin cho biết động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus "không có gì bất thường". "Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh" - ông Putin nói.

Tổng thống Nga khẳng định ông đã nói chuyện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và hai bên đã đồng ý với nhau về động thái mới.

Mỹ, một siêu cường hạt nhân khác của thế giới, có phản ứng thận trọng. Một quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã nói về thỏa thuận này trong năm qua và không có dấu hiệu cho thấy Matxcơva sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được đề cập tới được sử dụng cho những mục tiêu cụ thể trên chiến trường hơn là quét sạch các thành phố. Hiện không rõ Nga có bao nhiêu vũ khí như vậy, vì đây là bí mật từ thời Chiến tranh lạnh.

Ông Putin không nói rõ thời điểm số vũ khí hạt nhân chiến thuật này sẽ được chuyển tới Belarus, quốc gia có biên giới với 3 thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan, Litva và Latvia.

Các chuyên gia nhận định động thái mới của Nga rất quan trọng, vì Nga luôn tự hào rằng khác với Mỹ, họ không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở 4 quốc gia mới độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Vào tháng 5-1992, 4 quốc gia đã đồng ý rằng tất cả vũ khí phải được đặt tại Nga và việc chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã hoàn thành vào năm 1996.

Ngòi nổ quan hệ Nga - Belarus

Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1-7.

Tổng thống Putin thông tin thêm rằng Nga triển khai 10 máy bay có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Ngoài ra, Nga chuyển giao cho Belarus tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tự chế tạo Iskander có thể mang vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Putin trước đây đã đề cập ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu Nga bị đe dọa, làm sống lại những lo ngại thời Chiến tranh lạnh.

Ông Putin cũng cảnh báo sẽ sử dụng đạn uranium nghèo nếu Kiev nhận được loại vũ khí này từ phương Tây. Hiện nước Anh đã tuyên bố sẽ gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine.

"Không hề phóng đại, chúng tôi có hàng trăm ngàn quả đạn như vậy. Chúng tôi vẫn chưa sử dụng chúng" - ông Putin nói, đồng thời tiết lộ loại vũ khí này "có thể được xếp vào loại độc hại và nguy hiểm nhất đối với con người... và cả đối với môi trường".

Theo Hãng tin AFP, đạn uranium nghèo có khả năng xuyên giáp hiệu quả, nhưng việc sử dụng chúng còn gây tranh cãi.

Loại đạn này độc hại đối với chính những người lính sử dụng chúng và cũng độc hại đối với dân thường ở những khu vực chiến sự.

Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Matxcơva sử dụng lãnh thổ để đưa quân vào Ukraine vào năm ngoái. Tháng 1 năm nay, hai quốc gia đã tăng cường huấn luyện quân sự chung.

Kiev cho rằng không thể loại trừ một cuộc tấn công được triển khai từ Belarus. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko tuyên bố muốn quân đội của ông đứng ngoài cuộc chiến, bất chấp áp lực từ Matxcơva.

Nga tuyên bố Nga tuyên bố 'chơi tất tay' nếu đụng vào Crimea

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Ukraine đang chuẩn bị đợt phản công mới, và khẳng định Matxcơva sẽ sử dụng "bất cứ vũ khí nào" nếu Kiev muốn chiếm lại Crimea.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên