Duyệt Thị Đường: Nhà hát cổ nhất Việt Nam

NGÔ MINH  15/12/2003 03:12 GMT+7

TTCN - Tuồng là một hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc tồn tại từ thời nhà Trần và phát triển rực rỡ vào thời Nguyễn. Năm 1627, Đào Duy Từ về với chúa Nguyễn. Cùng với thiên tài quân sự, ông còn mang đến cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên một báu vật, đó là nghệ thuật tuồng.

Phóng to
Nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh: Việt Dũng
TTCN - Tuồng là một hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc tồn tại từ thời nhà Trần và phát triển rực rỡ vào thời Nguyễn. Năm 1627, Đào Duy Từ về với chúa Nguyễn. Cùng với thiên tài quân sự, ông còn mang đến cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên một báu vật, đó là nghệ thuật tuồng.

Như vậy đến nay nghệ thuật tuồng đã tồn tại ở Huế được 376 năm. Thời Nguyễn, từ vua quan trong hoàng cung đến thần dân trăm họ đều say mê hát bội. Vua Minh Mạng thành lập hẳn một trường đào tạo diễn viên tuồng gọi là Thanh Bình Thự.

Vua Tự Đức tổ chức hẳn một lực lượng sáng tác, đạo diễn tuồng do Đào Tấn đứng đầu. Vì thế, thời Nguyễn có tới bốn nhà hát được xây dựng, trong số đó hai nhà hát cung đình hiện vẫn còn.

Nhà hát riêng của vua Thiệu Trị (1841-1847) và hoàng gia là Tịnh Quan Viên được xây dựng trong Tử Cấm Thành năm 1843, hiện chỉ còn dấu tích trên bản đồ. Minh Khiêm Đường là nhà hát nằm trong khu lăng Tự Đức, được xây dựng đầu năm 1865, để khi vua lên lăng ngự thì nghe tấu nhạc, xem diễn tuồng. Minh Khiêm Đường làm bằng gỗ, ba gian, hai chái, cao 8m, có sân khấu rộng, có chỗ cho vua ngồi, nay đã được trùng tu như cũ.

Phóng to
Vua Khải Định cũng rất mê tuồng nên khi xây cung An Định (1917) cũng cho xây một nhà hát rất lớn (diện tích 1.500m2) gọi là Cửu Tư Đài, ở phía sau Khải Tường Lâu, kiến trúc bêtông cốt thép theo lối phương Tây, để làm nơi diễn tuồng cho hoàng gia xem. Nhà hát này đã bị sập năm 1947.

Có một nhà hát lớn, nơi cả vua quan và triều thần cùng vào xem là Duyệt Thị Đường. Đây là nhà hát cổ nhất VN, hiện đã được trùng tu và đang được sử dụng phục vụ khách du lịch!

Tại cuộc hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị tuồng cung đình Huế (tháng 7-2000), nhà văn hóa Phan Thuận An cho biết Duyệt Thị Đường là được xây dựng vào giữa năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đến nay đã 177 năm tuổi. Đây là một tòa nhà bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh.

Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên sân khấu. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời, giữa cuộc đời. Nhà hát là nơi diễn tuồng và trình tấu âm nhạc cung đình.

F.Baille (Pháp) mô tả một buổi vua vào xem ở Duyệt Thị Đường năm 1897 (dẫn theo Phan Thuận An): “Đức vua ngự trên long ỷ thì dàn nhạc giáo đầu gồm hai mươi nhạc sĩ ngồi xổm đánh trống, gảy đàn, thổi kèn... Trước mặt họ có một cái trống lớn... Một vị quan ngồi sau trống. Mỗi khi nghệ sĩ khéo trình diễn thì ông đánh hai hay ba tiếng trống, mỗi tiếng tiêu biểu một số tiền biếu tặng diễn viên...”.

Duyệt Thị Đường được tu bổ nhiều lần dưới thời các vua Nguyễn. Năm 1962, khi chính quyền Sài Gòn cải tạo, sửa chữa Duyệt Thị Đường để làm cơ sở giảng dạy của Trường Quốc gia âm nhạc Huế, các công trình chung quanh bị triệt hạ để xây chỗ ở cho giáo viên và sinh viên, cấu trúc của nhà hát bị thay đổi không còn như cũ. Trải bao năm chiến tranh, thiên tai và cả sự vô ý thức của con người, Duyệt Thị Đường bị xuống cấp nghiêm trọng.

Từ năm 1995 đến nay được sự trợ giúp của Chính phủ và các doanh nghiệp Pháp, Duyệt Thị Đường đã được đầu tư trên 10 tỉ đồng để trùng tu. Ngày 1-1- 2003, Duyệt Thị Đường đã chính thức mở cửa đón du khách vào xem Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế biểu diễn các tác phẩm tuồng, âm nhạc và múa cung đình. Nhà hát còn mời các nghệ nhân Lê Văn Kích, bác Trần Hữu Thi... những người ở trong các đội nhạc lễ cung đình xưa tham gia đào tạo, chỉ dẫn lớp nhạc công lớp trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận