15/12/2003 09:07 GMT+7

Việt Nam bắt đầu "bước nhảy vọt"

CẨM HÀ thực hiện
CẨM HÀ thực hiện

TT - “VN bắt đầu “bước nhảy vọt” nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm” - đó là tuyên bố của ông Ho Seung, chủ tịch nhóm công tác VN gia nhập WTO, đưa ra ngay sau khi vòng đàm phán thứ 7 về việc VN gia nhập WTO kết thúc sáng 11-12 tại Geneva, Thụy Sĩ. Từ Geneva, đại sứ Ngô Quang Xuân, đại diện của VN tại WTO đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi về vòng đàm phán được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt đối với tiến trình gia nhập WTO của VN.

4CivwKim.jpgPhóng to
Đại sứ Ngô Quang Xuân, đại diện của VN tại WTO
TT - “VN bắt đầu “bước nhảy vọt” nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm” - đó là tuyên bố của ông Ho Seung, chủ tịch nhóm công tác VN gia nhập WTO, đưa ra ngay sau khi vòng đàm phán thứ 7 về việc VN gia nhập WTO kết thúc sáng 11-12 tại Geneva, Thụy Sĩ. Từ Geneva, đại sứ Ngô Quang Xuân, đại diện của VN tại WTO đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi về vòng đàm phán được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt đối với tiến trình gia nhập WTO của VN.

* Thưa đại sứ, những tuyên bố tích cực trên đây được thể hiện cụ thể ra sao qua diễn biến của vòng đàm phán?

- Có gần 40 nước thành viên nhóm công tác đã tham gia cuộc đàm phán đa phương với VN, ngoài ra còn có thêm một phiên đàm phán riêng về lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó VN cũng đã tiến hành đàm phán song phương với 13 đối tác, trong đó có nhiều đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand và một số nước châu Mỹ Latin. Hầu hết các đối tác đều đánh giá cao nỗ lực của VN trong việc chuẩn bị tài liệu và trả lời các câu hỏi.

Đại diện EU bày tỏ hài lòng, cho rằng từ sau phiên sáu hồi tháng năm năm nay VN đã tiến một bước tương đối xa, và hai cuộc đàm phán giữa VN và EU ở Brussels và Geneva trước thềm vòng bảy này đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Phía EU hi vọng đàm phán song phương với VN sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo chiều hướng này để hai bên có thể sớm đi đến kết thúc đàm phán trong năm tới. Đại diện các nước châu Mỹ Latin như Argentina, Uruguay đặc biệt quan tâm tìm hiểu thị trường và chính sách thương mại của VN.

Họ hi vọng qua việc bày tỏ những mối quan tâm cụ thể đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của họ, thương mại giữa VN và các nước châu Mỹ Latin sẽ tăng. Bản thân ông chủ tịch cũng tuyên bố sẽ nỗ lực giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán của VN. Một mặt ông kêu gọi VN tích cực chuẩn bị cho các vòng đàm phán tới, mặt khác ông cũng lưu ý các nước thành viên phải tích cực hỗ trợ VN qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm giúp VN nâng cao khả năng đàm phán.

* Những bước tiến lớn lần này cụ thể là gì, thưa đại sứ?

- Có những điểm đáng chú ý sau. Thứ nhất trong lĩnh vực hàng hóa, VN đã thể hiện thiện chí bằng cách giải thích cam kết của mình sẽ giảm mức thuế trung bình. Thứ hai, các dòng thuế được áp dụng đưa ra trong bản chào mới này nhiều hơn và mức độ tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ được mở rộng hơn. Thứ ba, đối với những lĩnh vực chúng ta chưa thể có những cam kết cao, chúng ta đã làm rõ hơn được với các đối tác về lộ trình thực hiện. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi ngay cả những nước có nền kinh tế thương mại lớn như Trung Quốc cũng có những lĩnh vực họ đề ra một thời gian quá độ là 10 năm.

Nhưng bước tiến quan trọng nhất đối với VN lần này là nhóm công tác đã ra một bản “dự thảo báo cáo” tiến trình gia nhập WTO của VN. Trên cơ sở bản dự thảo này, các đối tác song phương đã bước đầu thể hiện đàm phán thực chất với VN và điều này có nghĩa là nếu đàm phán thành công thì có thể đi tới ký kết thúc đàm phán. Hoàn thành việc ký kết thúc đàm phán với các đối tác song phương cũng có nghĩa rằng WTO sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo để kết nạp VN.

* Như vậy năm tới sẽ là một năm rất bận rộn để VN thực hiện mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005?

- Đúng là sẽ rất bận rộn. Các cuộc đàm phán sẽ phải được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới dựa trên đà của vòng đàm phán thứ bảy này. Có thể nói chúng ta sẽ có một năm lao động cật lực và nghiêm túc mới mong thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm tốt được điều này.

Vòng đàm phán vừa qua cho thấy các bộ ngành đã làm việc rất công phu và phối hợp với nhau hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn để đưa ra một bản chào mới được các đối tác đánh giá cao. Đội ngũ các nhà đàm phán của VN đã thật sự trưởng thành. Vâng, tất nhiên là chúng ta sẽ cần không ngừng học hỏi những bài học kinh nghiệm của các nước gia nhập WTO trước có hoàn cảnh tương tự VN.

* Liệu có một sức ép nào về thời gian chăng?

- Tôi nghĩ nếu chúng ta chuẩn bị không tốt thì gia nhập lúc nào cũng có thể là một sức ép. Nhưng rõ ràng là hội nhập càng chậm thì càng mang lại nhiều thua thiệt cho đất nước. Điều quan trọng là không nên coi việc gia nhập WTO như một mục đích cuối cùng. Chúng ta vào WTO là để tìm thêm cơ hội tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ được lợi ích của đất nước để không bị thua thiệt. Vâng, phải vào WTO để tiếp tục tiến lên.

* Xin cảm ơn đại sứ.

CẨM HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên