Lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ trở thành một sự kiện trọng đại, danh giá được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.
Trong gần 1 thế kỷ ra đời và hoạt động với 93 lễ trao giải cùng hàng ngàn giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tác phẩm có sức ảnh hưởng, giá trị lớn lao. Tuy vậy, cũng không ít sự cố khiến sự kiện trao giải Oscar bị chế giễu, ném đá đến mức xem đó là bê bối không thể thiếu trong lịch sử giải thưởng này.
Trước thềm Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 diễn ra vào ngày 28-3 (giờ Việt Nam) cùng Tuổi Trẻ Cười Online điểm lại 5 sự cố, lùm xùm đã trở thành "dấu ấn" trong lịch sử lễ trao giải này...
1. Chủ nhân tượng vàng Oscar không được dự lễ trao giải vì phân biệt chủng tộc
Lễ trao giải Oscar lần thứ 12 năm 1940 đã trở thành một trong sự kiện lịch sử của nước Mỹ khi lần đầu tiên trao Tượng vàng cho nữ diễn viên da màu. Theo đó, Hattie McDaniel người đảm nhận vai nữ phụ trong bộ phim Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind - 1939) đã nhận được giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Với sự ghi nhận và vinh danh này, Hattie McDaniel trở thành nữ nghệ sĩ Mỹ gốc Phi đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar - giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới.
Tuy nhiên, không giống như những lần vinh danh thường thấy với tiếng vỗ tay, chúc tụng và ánh đèn hào quang chiếu thẳng vị trí ngồi của nghệ sĩ được xướng tên, Hattie được Ban tổ chức Oscar sắp xếp ngồi một mình ở sảnh sau của khách sạn Ambassador - nơi diễn ra lễ trao giải.
Sau khi được xướng tên, Hattie mới được dẫn vào sân khấu nhận giải và phát biểu cảm nhận. Tại đây, nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi này đã có bài phát biểu nhận giải đầy cảm động. Bà không hề nhắc đến việc không được ngồi cùng các đồng nghiệp dự lễ trao giải.
Thay vào đó, Hattie bày tỏ lòng biết ơn đến Hội đồng bình chọn, tự hào nhắc đến xuất thân là người da màu của mình và cho biết, tượng vàng Oscar sẽ là động lực để bà cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành điện ảnh.
Thời điểm Hattie đoạt giải Oscar cho đến khi qua đời, vì chính sách phân biệt chủng tộc vẫn còn hiệu lực nên nguyện vọng được an táng tại nghĩa trang Hollywood của bà không được thoả nguyện.
Tuy nhiên, những chia sẻ của Hattie tại Lễ trao giải Oscar đã chạm đến trái tim của nhiều công chúng mến mộ. Đến năm 1999, người ta đã dựng một tấm bia mộ cho Hattie McDaniel tại nghĩa trang Hollywood Forever để tưởng nhớ bà.
2. Tài tử Marlon Brando từ chối giải thưởng
Ở lễ trao giải Oscar lần thứ 45, nam diễn viên Marlon Brando được trao Tượng vàng cho vai diễn Vito Corleone trong phim Bố già.
Tuy nhiên, nam diễn viên gạo cội này đã nhờ một nữ diễn viên người da đỏ Mỹ đến dự lễ. Trong trang phục đặc trưng của người da đỏ, nữ diễn viên Sacheen Littlefeather bước lên sân khấu và đọc lời từ chối nhận giải thưởng thay cho Marlon Brando.
Theo đó, nam diễn viên Bố già tẩy chay Lễ trao giải là bởi sự phân biệt đối xử của Hollywood dành cho người Mỹ da đỏ. Marlon Brando cho biết, Hollywood đang giễu cợt người da đỏ, miêu tả họ như mọi rợ, kẻ thù, kẻ ác độc trong các tác phẩm điện ảnh được phát hành.
3. Nhiếp ảnh gia "trần như nhộng" mượn sân khấu Oscar để phản đối lệnh cấm tắm truồng
Ngay sau sự kiện từ chối nhận giải của tài tử Marlon Brando, đến lễ trao giải lần thứ 46 của Oscar lại gây ồn ào bởi một tình huống dở khóc dở cười.
Theo đó, Robert Opel - một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã bất ngờ chạy lên sân khấu trong trạng thái "không mảnh vải che thân" khi David Niven vừa công bố giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Sự kiện này đã chiếm hết "spotlight" của Elizabeth Taylor khi nữ diễn viên này vừa được xướng tên nhận giải thưởng.
Sự cố ngay sau đó được David Niven khá tỉnh táo đưa ra lời bình: "Các bạn có thấy thú vị không, người đàn ông cởi truồng cho mọi người xem những khiếm khuyết của mình, và tất cả những gì anh ta nhận được chỉ là tiếng cười". Tuy nhiên, hành động "chữa thẹn" giùm cho Ban tổ chức Oscar của David Niven không được đánh giá cao.
Đặc biệt hơn, mục đích của màn trình diễn "trần như nhộng" của nhiếp ảnh gia là để phản đối lệnh cấm tắm truồng trên bãi biển của nhà chức trách Los Angeles cũng không được đánh giá cao.
4. Angelina Jolie hôn môi anh trai để ăn mừng chiến thắng Oscar
Nếu như "thảm hoạ thời trang" Oscar trên đã trở nên quen thuộc thì những sự cố trên thảm đỏ sự kiện này cũng không ngoại lệ. Ở lễ trao giải lần thứ 73, nữ minh tinh Angelina Jolie đã khiến truyền thông và người tham dự Oscar một phen "sốc tận óc".
Sau khi nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong Girl, Interrupt, Angelina đã bất ngờ nói rất yêu anh trai James Haven ngay trên sân khấu. Chưa hết, ở buổi tiệc chúc mừng hậu Oscar, nữ minh tinh xinh đẹp này còn... hôn môi anh trai đắm đuối.
5. Êkíp phim La La Land 'tẽn tò' vì nhận giùm giải thưởng cho phim khác
Một trong những tình huống "dở khóc dở cười" cũng được ghi vào lịch sử của Oscar đó là màn xướng tên nhầm giải thưởng ở Lễ trao giải Oscar 2017.
Cụ thể, êkíp phim La La Land được một phen mừng hụt để đời khi cùng dắt tay nhau, bước lên sân khấu ăn mừng giải thưởng Phim xuất sắc vừa được gọi tên mình. Thế nhưng chiếc micro đã bị giật lấy khỏi tay đại diện êkíp phim để thông báo rằng, không phải La La Land mà Moonlight mới chính là phim được nhận giải thưởng.
Jordan Horowitz - người "chữa cháy" màn xướng tên nhầm đã phải giải thích nhiều lần với nghệ sĩ và khán giả tham dự rằng đây là sự cố đưa nhầm phong bì hạng mục giải thưởng chứ không phải trò đùa.
Theo đó, nhân viên hậu trường đã chuyển nhầm chiếc phong bì hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất có tên của Emma Stone - nữ chính trong La La Land thay vì phong bì giải Phim xuất sắc nhất cho Moonlight.
Sự cố đọc nhầm giải thưởng trở thành bê bối tai tiếng nhất trong lịch sử Lễ trao giải Oscar. Ban tổ chức bị chỉ trích làm việc thiếu chuyên nghiệp, thậm chí bị cho là dùng chiêu trò để gây chú ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận