Điều đầu tiên sau năm tập phát sóng là khán giả vẫn chưa thể nhận định được đây là tác phẩm phim hay kịch, dù thông tin nhà sản xuất gửi đến tác giả đây là bộ phim dã sử, cung đấu Việt Nam đầu tiên.
Không rõ ai chính, ai phụ
Nói đến phim cung đấu, hình dung ngay trong đầu của người xem sẽ là dàn mỹ nhân sắc nước hương trời cùng những âm mưu gió tanh mưa máu chốn hậu cung. Tuy nhiên, sau 5 tập đã lên sóng, chuyện phim vẫn rất "hiền lành", chuẩn mực, không khác xem sách sử là bao.
Trong những tập đầu, Phượng Khấu giới thiệu dàn nhân vật khá hoành tráng và thời kỳ đầu của triều vua Thiệu Trị. Thiệu Trị (Thành Lộc đóng) bất ngờ lên ngôi sau khi vua cha Minh Mạng qua đời mà không có di chiếu, dẫn đến cuộc tranh giành quyền lực giữa Nhân Tuyên Thái hoàng Thái hậu (NSƯT Lê Thiện) và nhất giai hiền phi Ngô Thị Chính (Minh Trang).
Cùng lúc, ở thế hệ kế tiếp diễn ra cuộc tranh giành địa vị giữa các phi tần của Thiệu Trị gồm trắc cơ Phượng Nhậm (Hồng Vân) và nguyên cơ Hiệu Nguyệt (Hồng Đào) cùng thị cơ Võ Đoàn Viên (Tuyết Thu)...
Sau tập 1 với những mâu thuẫn giữa Hiệu Nguyệt và Phương Nhậm được hé lộ, thì sang tập 2, phim lập tức “bẻ lái”, chuyển sang khai thác cuộc tranh quyền đoạt vị giữa Phi Hiền - vợ của tiên đế với mẹ chồng của bà là thái hoàng thái hậu. Phượng Khấu đến đây đã từ chỗ chị em chung chồng đấu đá nhau thành mâu thuẫn nàng dâu - mẹ chồng.
Cho đến hết tập 5, người xem vẫn không rõ rốt cuộc đây là câu chuyện tranh giành quyền lực chốn hậu cung của mẹ chồng - nàng dâu hay giữa các nàng dâu. Các tuyến nhân vật đến hơn nửa phim vẫn "mờ mịt", chẳng rõ ai chính, ai tà, ai là nhân vật trung tâm, ai chỉ là "kẻ lót đường". Mưu mô, kế sách để hãm hại lẫn nhau cũng chả có gì là ghê gớm, bất ngờ, "hack não" đúng chất cung tâm kế.
Rất nhiều nhân vật "tỏ ra nguy hiểm" rồi biến mất tăm, như nhân vật cung nữ ở tập 3 do Uyển Ân - em gái Trấn Thành thủ vai. Khán giả vẫn tin rằng cô này sẽ trở lại và lợi hại hơn ở những tập sau nhưng cũng có khả năng là sẽ biến mất hoàn toàn bởi một nhân vật ngỡ sẽ "tung hoành" chí ít cũng đến gần cuối phim như Phi Hiền còn sớm kết thúc ở tập 3.
Thoại và cảnh như kịch
Mặc dù vậy, tất cả các mưu mô, diễn biến trong Phượng Khấu chủ yếu được thể hiện qua lời thoại của nhân vật thay vì hành động hay các thủ pháp khác.
Trong cảnh hỏa hoạn - cảnh phim gây cấn nhất tập 3 cũng là của cả phim cho đến thời điểm hiện tại, phản ứng của tất cả nhân vật là... chạy qua chạy lại. Không rõ lửa bùng lên như thế nào, chỉ thấy một mảnh vải bị đốt và rồi chuyển sang cảnh toàn bộ cung rực cháy.
Không một ai hành động để dập lửa. Không rõ vì sao cung nữ bế hoàng tử Hồng Thụ không thể chạy ra ngoài mà chấp nhận chết ngạt. Đoàn Viên muốn cứu con là hoàng tử Hồng Thụ nhưng chỉ biết kêu khóc.
“Sạn” lớn nhất trong tập này nằm ở cảnh ông hoàng Quảng Hoá trốn về giữa bữa tiệc. Khi một nô tì đuổi theo, Quảng Hoá cố tình tránh đi nhưng khi gặp thích khách, ông hoàng không có phản ứng sợ sệt hay la hét mà chạy ngay vào phòng của Hồng Thụ.
Điều này tạo ra sự khiên cưỡng trong âm mưu đổ tội cho Quảng Hoá của Đức Bà và Phương Nhậm. Phần lớn người xem đều cho biết họ bị hụt hẫng khi đạo diễn dùng chi tiết này lý giải cho âm mưu của Trắc cơ.
Mọi hành động đều diễn ra qua lời nói với diễn biến cực chậm, cảnh quay hạn hẹp với những bối cảnh nghèo nàn khiến khán giả có cảm giác đang xem kịch nói hơn là xem phim.
Kỹ xảo yếu kém hay cẩu thả?
Ngay từ tập đầu tiên của Phượng Khấu, khán giả đã mơ hồ nhận ra sự không đồng nhất trong phần tiếng thoại của nhân vật ở phần đầu và cuối phim. Biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi này có thể nhận ra qua giọng của nhân vật Hiệu Nguyệt. Phim càng dài thì phần lồng tiếng của nhân vật này càng trở nên thiếu tự nhiên. Âm thanh giọng nói gượng gạo, còn tốc độ của tiếng nói thì không khớp với khẩu hình nhân vật.
Đội ngũ hoạ sĩ đã nhân bản hàng loạt các nhân vật, khiến cho từng vị “đại thần CGI” - vốn đứng riêng lẻ đã thiếu tự nhiên vì chuyển động còn thô cứng, trở thành một làn sóng hàng trăm nhân vật cử động kì quặc. Thậm chí, trong một góc quay gần, khán giả còn có thể chỉ ra một vài nhân vật đã bị... thiếu mất đầu.
Một chi tiết khác gây thất vọng không ít chính là ánh sáng của phim. Khán giả khó phân biệt được chuyện phim diễn ra vào ban ngày hay ban đêm vì ánh sáng đôi khi rực quá lố, đôi khi lại mờ căm không rõ nguyên do.
Bên cạnh đó, những người tinh mắt có thể nhận thấy nhiều lỗi lặt vặt khác. Chẳng hạn như những cảnh quay từ gần tới xa, hay từ xa tới gần phần lớn đều bị giật, khung hình thay đổi thất thường, nhạc phim quá dài trong những tình tiết ngắn… khiến phim khó giữ chân khán giả.
Phượng Khấu đang chiếu độc quyền lúc 20h tối thứ năm hàng tuần trên ứng dụng của POPS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận