23/10/2003 20:00 GMT+7

Trên 300 hang động lần đầu tiên được phát hiện

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Theo thông báo mới đây của Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, lần đầu tiên trên 300 hang động lớn nhỏ ở nhiều vùng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Sơn La và Lai Châu đã được phát hiện.

00YkbmHz.jpgPhóng to
Bích Động - một trong những hang động đẹp của VN
Theo thông báo mới đây của Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, lần đầu tiên trên 300 hang động lớn nhỏ ở nhiều vùng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Sơn La và Lai Châu đã được phát hiện.

Các hang động này được các nhà nghiên cứu VN và Bỉ phát hiện sau hơn 10 năm thực hiện dự án Phát triển nông thôn miền núi Karst phía Tây Bắc VN bằng giải pháp quản lý lâu bền đất, nước và giáo dục cộng đồng (VIBEKAP).

Trong khuôn khổ của dự án này, các nhà hang động học đã vào thám hiểm các hang sâu Karst đầy huyền bí và phát hiện ra nhiều hang dài trên 1.000m như Hang Dơi (1.435m), hang Rắn (1.880m), Thị Đội (1.551m), Nậm Khum (1.323m), Chiềng Ban (1.382m). Vùng Tủa Chùa, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cũng có nhiều hang dài và rất sâu như Tà Chinh (dài 2.015m, sâu 402m), Dơi Nước (dài 1.035m, sâu 290m), Sì Lèng Chải (dài 1.162m, sâu 286m).

Đặc biệt, họ đã phát hiện ra hang Cống Nước, sâu tới 602m. Kỹ sư Thái Duy Kế, Phó phòng Karst của Viện cho biết, có thể khẳng định, trong tất cả các hang đá vôi ở VN cũng như Đông Nam Á, chưa có hang nào sâu như thế, vượt cả hang Tà Lũng (Hà Giang) được xem là sâu nhất với 528m.

Hang được bắt đầu trong một vòm mái rộng và đẹp (rộng 30m, cao 35m) trong một cánh rừng già gần bản Chiêu Sài Phìn, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Từ trên nhìn xuống sâu hun hút, với nhiều khối đá khổng lồ xếp chồng chất lên nhau. Các nhà thám hiểm cũng thấy dấu hiệu những sinh vật đã sinh sống từ hàng chục vạn năm và thậm chí lâu hơn nữa dưới miền đáy hang sâu thẳm này.

Ông Kế cho biết thêm, hầu hết các hang được phát hiện đều phức tạp, hiểm trở và chưa đến điểm chấm dứt cuối cùng thật sự. Nhiều hang động có hệ thống thạch nhũ như hoa đá, cột đá, rèm đá với những hình đẹp đến sửng sốt, lạ kỳ. Khi có ánh sáng từ đèn pha, ánh lửa rọi vào, các phân tử canxi từ đá phát ra ánh sáng rực rỡ như bầu trời sao lấp lánh.

Hệ sinh thái động thực vật ở hang sâu cũng khác với hệ sinh thái trên mặt đất. Có những con vật kỳ lạ với rất nhiều chân dài tỏa ra bốn phía xung quanh, không biết gọi là con gì. Có những con rắn to và dài đến 2m cuộn tròn trong hang sâu mà về sau hỏi người dân địa phương thì mới biết chúng là loài vô hại và rất hiền. Những sinh vật bình thường sống dưới nước như cua, cá, tôm... thì đặc điểm chung nhất là chỉ có màu trắng bạch vì chúng ở trong hang tối không có ánh sáng mặt trời.

Các nhà thám hiểm còn phát hiện ra nhiều dòng sông - hang ngầm dưới những núi đá vôi, trong đó có dòng sông dài trên 4.500m chảy ngầm qua đèo Khau Pa ở Sơn La. Một cửa của dòng sông ngầm này là hang Bản Ái, hút phần lớn mặt nước sông Nậm La. Nơi nước của dòng sông này thoát ra là hang Dơi, phía bên kia đèo Khau Pa, tại bản Nậm Liếp, xã Mường Bú, huyện Mường La.

VN có nhiều tiềm năng về các vùng núi đá vôi. Đá vôi VN được coi là một tài nguyên khoáng sản lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc với 6.000km2 lộ diện, chiếm gần 20% tổng diện tích cả nước.

Đá vôi với các hang động kỳ lạ tạo nên các dạng cảnh quan Karst đẹp cả vẻ bề ngoài và những điều ẩn chứa sâu xa bên trong mà chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động, Phong Nha-Kẻ Bàng, Ngũ Hành Sơn... là những ví dụ.

Trong số thắng cảnh đá vôi của VN, Vịnh Hạ Long và Phong Nha-Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên