Cho đến nay cái tên Kim Ki Duk vẫn còn là chủ đề tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận tại quê hương ông.
Dù được thế giới tôn vinh tài năng bằng nhiều giải thưởng danh giá nhưng tại Hàn Quốc, người ta nhớ đến ông bằng những cái tên "quái thai thời đại", "đạo diễn kỳ lạ"... mà truyền thông đặt cho ông sau những tác phẩm khai thác yếu tố tình dục, bạo lực, cảnh nghèo túng trong xã hội Hàn Quốc một cách trần tụi nhất.
Những bộ phim từ "đạo diễn kỳ lạ" này thường bị công chúng nhận định là "quá tàn nhẫn", mang lại cảm giác bức bối, khó chịu, thậm chí "xoắn não" vì nội dung và cách thức thể hiện.
Nhưng nếu thực sự nhập tâm vào câu chuyện, khán giả có thể tìm thấy những thông điệp, những bí mật tuyệt vời ẩn giấu bên trong những cách thể hiện xù xì, những phương thức ẩn dụ kinh người... hay thậm chí là những câu thoại tưởng chừng vô nghĩa giấu phía sau của nhân vật.
Đạo diễn Kim từng chia sẻ rằng, ông không phải là người hoàn hảo như mọi người kỳ vọng nhưng luôn mong muốn và không ngần ngại phản ánh mặt trái của xã hội, sự nghèo túng, ham muốn thật nhất của con người lên phim của mình.
Bởi ngay từ khi bắt tay vào làm phim, Kim Ki Duk không mong muốn tạo ra những "tác phẩm tầm thường" như bao người.
Một điều nữa làm ông sợ hãi hơn là những tác phẩm nghệ thuật thiếu tính sáng tạo. Và ngay từ những tác phẩm đầu tiên của mình, vị đạo diễn kỳ lạ đã tạo ra rất nhiều tranh luận trong công chúng.
Nhìn lại cả cuộc đời của vị "đạo diễn kỳ dị" này, có thể thấy ông đã cống hiến cho lý tưởng chính nghĩa mà ông theo đuổi.
Từ khi còn là cậu thiếu niên, Kim Ki Duk không coi trọng bằng cấp, 15 tuổi ông bỏ học đi làm công nhân rồi gia nhập đội lính hải quân rong ruổi khắp nơi.
Đến năm 30 tuổi, Kim Ki Duk trở lại trường học để theo đuổi chuyên ngành nghệ thuật, tự vẽ tranh kiếm tiền trang trải học phí và cuộc sống.
Có lẽ chính cuộc sống phải đối mặt với nỗi lo mưu sinh hàng ngày cùng với lý tưởng lớn lao chính là những chất liệu quý giá để giúp ông tạo ra những kiệt tác nghệ thuật cho đời.
Năm 1996, Kim Ki Duk chính thức gia nhập làng điện ảnh với tác phẩm Crocodile (Cá sấu) gây được tiếng vang lớn tại Hàn Quốc và nền điện ảnh thế giới.
Từ đó đến nay, ông miệt mài viết kịch bản và vai trò đạo diễn khi liên tục giới thiệu 20 bộ phim điện ảnh. Kỳ lạ thay, những bộ phim này luôn ẩn chứa những giá trị tuyệt vời và mang về thành công cũng như sự ghi nhận của công chúng yêu điện ảnh trên toàn thế giới.
Xuân hạ thu đông... rồi lại xuân (2003)
Bộ phim kể về cuộc đời một nhà sư từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Ngay khi được ra mắt, phim gây nhiều tranh cãi khi khai thác một đề tài cấm kỵ: tình yêu giữa một nhà sư và một cô gái.
Tuy nhiên cách thể hiện của Kim Ki Duk khi chia tách bộ phim thành 5 phần với tên tương ứng theo mùa như ở tựa được ví như phép ẩn dụ đặc biệt sáng tạo, có phần chua cay khi tái hiện cả một cuộc đời với những đắng, cay, ngọt, bùi trong một không gian có phần nhỏ hẹp.
Đây là một tác phẩm đặc biệt của Kim Ki Duk khi không mang lại cho ông bất kỳ giải thưởng nào nhưng được công chúng đón nhận và đánh giá là tuyệt phẩm của điện ảnh.
Xuân hạ thu đông... rồi lại xuân chính là bộ phim thương hiệu của "đạo diễn quái kiệt" xứ kim chi trong lòng khán giả Việt. Đây cũng là bộ phim được nhà phê bình phim Roger Ebert liệt kê trong danh sách "Những bộ phim hay nhất mọi thời đại".
Bad Guy (Gã tồi - 2001)
Đúng như những gì Kim Ki Duk chia sẻ về thông điệp trong những tác phẩm điện ảnh của mình. Bad guy (Gã tồi) ra đời đã góp phần đưa tên tuổi của vị đạo diễn trong lòng công chúng Hàn Quốc.
Sau khi gặt hái thành công ở châu Âu, Bad guy trở thành phim có doanh thu khủng ở thị trường trong nước.
3 Iron (Bộ ba nghịch cảnh)
Đây là tác phẩm thứ 11 của Kim Ki Duk và cũng là bộ phim tạo ra nhiều tranh luận nhất của vị đạo diễn này khi tái hiện thực trạng bạo hành và đời sống hôn nhân ở Hàn Quốc.
3 Iron lột tả thế giới trong suy nghĩ của ba nhân vật chính Tae Suk, Jae hee và Sun hwa. Trong đó, nhân vật chính tên trộm Tae Suk không hề có bất kỳ câu thoại nào suốt phim.
Khán giả hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của Tae Suk qua cách dàn dựng của đạo diễn Kim và diễn xuất của nam chính. Đồng thời cũng hiểu tại sao Sun Hwa - bà nội trợ trẻ có cuộc sống bình thường lại quyết định đi theo gã du côn có tấm lòng nhân hậu.
Thông điệp của bộ phim là hai con người mất mát có thể tìm thấy sự cảm thương lẫn nhau. 3 Iron cũng giống như các phim khác của đạo diễn Kim, không dàn dựng các câu chuyện tình đẹp, nhưng vẫn gây cảm xúc.
Ngoài ra One on On (2014), Pieta (2012) và Arirang (2011) cũng là những tác phẩm gây tiếng vang và đánh dấu tên tuổi của vị đạo diễn người Hàn.
Chiều 11-12, thông tin Kim Ki Duk qua đời tại Latvia khi đang chuẩn bị tham dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế ArtDocFest tại đây.
Theo hồ sơ bệnh án, Kim Ki Duk nhập viện từ hai ngày trước đó do những biến chứng khi mắc COVID-19 đột nhiên trở nặng và qua đời tại một bệnh viện. Sự ra đi của ông được gia đình và đồng nghiệp xác nhận.
Truyền thông thế giới dành niềm thương tiếc và tưởng nhớ đến ông cùng gia tài đồ sộ là những tác phẩm điện ảnh Kim Ki Duk để lại cho đời. “Đó là một mất mát và nỗi buồn không thể thay thế đối với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc", giám đốc điều hành LHP quốc tế Busan Jeong Yang Jun chia sẻ.
Kim Ki Duk là đạo diễn Hàn Quốc duy nhất được giành được cả 3 giải thưởng danh giá trong lĩnh vực điện ảnh từ các Liên hoan phim lớn và uy tín nhất trên toàn cầu như: Cannes, Berlin và Venice.
Trong đó, bộ phim đầu tay Crocodile (Cá sấu) là tác phẩm giúp tên tuổi của Kim Ki Duk khuếch trương một cách chóng mặt trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận