06/12/2003 18:02 GMT+7

Cầu tiêu cá vồ có thể dẹp bỏ?

BS LÊ ĐẠI TRÍ (Trung tâm TT - giáo dục sức khỏe Long An)
BS LÊ ĐẠI TRÍ (Trung tâm TT - giáo dục sức khỏe Long An)

TTCN - Trong những năm 1995 - 1998, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 200/TTg về xóa bỏ cầu tiêu trên sông và cầu tiêu cá vồ (CTCV) ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh đã thực hiện dẹp hàng loạt CTCV. Nhưng rồi phong trào lắng xuống và gần như đi vào quên lãng. Thực trạng CTCV hiện nay ra sao?

suitDRwp.jpgPhóng to
Cầu đôi ao cá phổ biến ở nông thôn ĐBSCL
TTCN - Trong những năm 1995 - 1998, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 200/TTg về xóa bỏ cầu tiêu trên sông và cầu tiêu cá vồ (CTCV) ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh đã thực hiện dẹp hàng loạt CTCV. Nhưng rồi phong trào lắng xuống và gần như đi vào quên lãng. Thực trạng CTCV hiện nay ra sao?

Mất cân bằng giữa xây và chống

Đã gần 10 năm trôi qua, cầu tiêu trên sông và CTCV vẫn còn đó. Số liệu sau đây được khảo sát trong tháng 10 và 11-2003 do dự án cung cấp nước sạch và sệ sinh (CCNSVS) của AusAID ở một số xã thuộc Nam bộ cho thấy số hộ đi tiêu ngoài đồng hay trên sông do không có cầu tiêu vẫn còn cao, và CTCV vẫn chiếm đa số trong số những hộ có cầu (xem bảng 1).

Vào năm 1996, một năm sau khi có chỉ thị 200/TTg, Trung tâm Sức khỏe cộng đồng Long An đã thử khảo sát ở một ấp của xã Tân Trạch, huyện Cần Đước. Theo ban chỉ đạo xã, đợt vận động đã giải tỏa được 94 trong tổng số 112 CTCV ven các trục lộ.

Điểm khảo sát

Tỷ lệ hộ có cầu tiêu/tổng số hộ

Tỷ lệ hộ có cầu cá/tổng số hộ

Xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng (Long An)

21%

63,6%

Xã Hưng Phú, huyện Phước Long (Bạc Liêu)

78,5%

89,3%

Xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang

61,9%

83,1%

Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)

65,1%

98,6%

Xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại (Bến Tre)

48,3%

45,7%

Khi được phỏng vấn, đa số người dân lúc đó nói họ sẵn sàng “làm theo Nhà nước” nhưng vấn đề sau đó là đi tiêu ở đâu? Tất cả những hộ đã dẹp bỏ cầu cho biết “từ hôm đó tới nay chúng tôi toàn đi tiêu ngoài đồng”. Họ xác nhận việc dẹp bỏ cầu cá đã làm môi trường dơ hơn trước rất nhiều.

Mặt khác một số hộ cũng cho biết là “qua mùa khô, khi mương hào có nước trở lại chắc là phải làm cầu cá mà thôi”, đi tiêu là chuyện mỗi ngày, không có cầu thì phải dậy sớm đi tiêu ngoài ruộng. Khi đặt vấn đề tại sao không xây cầu tiêu mới thì người dân nói họ không biết làm kiểu cầu gì, không có tiền, không có đất. Họ than phiền là “Nhà nước bảo dẹp cầu tiêu mà không chỉ cách làm cầu tiêu!”.

Phỏng vấn ở thị xã Bạc Liêu, Sa Đéc vào tháng 7-2002 của một dự án CCNSVS khác cho thấy nhiều nguời dân không làm cầu trên sông nhưng đi tiêu vào túi nhựa và... ném xuống sông.Thật vậy, một cầu tiêu máy (bán tự hoại) có giá thành cho phần cơ bản tốn từ 1,8 - 2 triệu đồng quả là quá xa vời cho hộ có thu nhập trung bình và thấp. Nhiều vùng chịu lũ 3-4 tháng một năm cũng khó làm. Lại còn tình trạng ở đất đậu của người khác thì làm cầu ở đâu nên phải đi nhờ cầu cá của nhà bên.

Thật sự thì trong những năm sau chỉ thị 200 đã có những cuộc vận động sáng tạo những kiểu cầu tiêu hợp vệ sinh thích hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tổng kết và in thành sách nhưng chưa đi vào đời sống người dân. Thêm vào đó, lối làm theo phong trào, hình thức đã làm cuộc vận động thành chiến dịch xóa cầu cá đơn thuần. Mối quan hệ giữa xây và chống chưa được giải quyết hài hòa và tình hình hầu như vẫn chưa được cải thiện là bao.

Phải chăng cầu cá là nguồn lợi kinh tế?

Nhiều ý kiến nhấn mạnh lý do kinh tế để giải thích sự không thành công trong việc dẹp CTCV. Thật sự không có nhiều người dân đồng tình với lý do này. Họ cho rằng nuôi cá chỉ là một cách tận dụng để có thêm huê lợi nhưng không phải là mục đích chính. Trừ những hộ làm cầu công cộng với mục đích nuôi cá kinh doanh, đa số các gia đình thả khoảng 100 con cá vào đầu mùa mưa và thu được khoảng 50kg cá vào cuối năm, theo thời giá hiện nay họ chỉ có khoảng 600.000 đồng chưa trừ vốn mua cá con hoặc hao hụt do cá chết. Hơn nữa đa số người dân ít khi bán cá lấy tiền mà chỉ dùng làm thức ăn trong gia đình.

CTCV chỉ xuất hiện phổ biến trên dưới 50 năm, nhất là từ khi nghề ương và bán cá con phát triển. Nhiều hộ rất “gớm” loại cá ăn phân người nên chỉ nuôi mà không ăn, hoặc sang cá qua mương lấy nước dùng nấu ăn để nuôi thêm vài tháng rồi mới dám ăn.

Thảo luận về lý do làm cầu cá, trước hết người dân cho rằng CTCV là cách làm tình thế góp phần làm xóm làng sạch hơn nhiều so với trước đây. Thật vậy, khi CTCV chưa phổ biến thì đa số gia đình đều dùng cầu trên sông hoặc đi ngoài đồng. CTCV thật sự đã giúp họ giải quyết vấn đề trước mắt: có cá để ăn phân. Đường sá, đồng ruộng, nguồn nước không còn thấy phân nhan nhản. Một chủ hộ ở xã Tân Qui Đông (Sa Đéc) nói: “Nhà không có cầu, nếu sui gia đến chơi ở qua đêm rồi làm sao?”.

LiVarh4F.jpgPhóng to
Cầu ị cho vài chục gia đình ở khu vực 4, phường Hưng Phú (TP.Cần Thơ)
Lý do thứ hai là sự tiện lợi của cầu cá. Vật liệu làm cầu cá khá đơn giản, lại không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ nên ai cũng có thể làm được. Ngay cả cách sử dụng cũng hết sức đơn giản so với các loại cầu khác, không có mùi hôi, không ruồi nhặng.

Còn lý do khác là nó cũng na ná như cách đi cầu trên sông hay ngoài đồng, nghĩa là rất mát mẻ, thoáng đãng. Thành ngữ “nhất quận công, nhì ỉa đồng” nói lên phần nào sự thoải mái đó. Thói quen đi tiêu cũng là thói quen, và phá bỏ thói quen thì “khó hơn phá hạt nhân nguyên tử” như A. Einstein đã nói.

Dẹp bỏ cầu cá và niềm tin của người dân

Nếu người dân chịu dẹp bỏ cầu cá và làm loại cầu khác thì trước hết họ phải tin rằng cầu cá là có hại cho sức khỏe của họ và loại cầu tiêu mới sẽ đem lại sức khỏe cho họ. Thật sự thì niềm tin của người dân đối với cầu cá đang như thế nào? Chúng ta thử xem xét kết quả khảo sát của dự án CCNSVS trong năm 2003 (xem bảng 2).

Có thể thấy ngay rằng chỉ có dưới 10% người dân ở các điểm khảo sát tin rằng CTCV truyền bệnh nguy hiểm cho con người và dưới 30% tin rằng nó làm dơ nguồn nước. Trong khi đó đã có đến 45-70% tin rằng CTCV là không có hại. Hãy hình dung một cán bộ xã đến nhà dân nói rằng “anh nên dẹp CTCV vì nó có hại”, có thể người dân chẳng phản đối nhưng sau khi người cán bộ đi rồi họ cười khì và mọi chuyện vẫn như cũ. Áp đặt niềm tin của chúng ta vào niềm tin của quần chúng khác với giúp họ tự nhận ra và tự thay đổi niềm tin của họ.

Vấn nạn truyền thông

Xã khảo sát

Nam Thái

Hưng Phú

Vĩnh Châu A

Tân Mỹ

Đại Hòa Lộc

Truyền bệnh nguy hiểm

3,8

2,8

5,7

2,8

7,6

Làm do nguồn nước

18,1

13,1

28,6

20,8

29,5

Không có hại

71,4

69,2

45,7

64,2

48,6

Không biết

0,0

9,3

12,4

7,5

8,6

Khác

6,7

5,6

7,6

4,7

5,7

Cộng

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

Những ai được huy động vào chiến dịch vận động dẹp bỏ cầu cá đã được chuẩn bị như thế nào về kiến thức vệ sinh cũng như kỹ năng truyền thông? Vẫn là những cán bộ ban ngành, đoàn thể xã ấp, những người rất năng nổ, nhiệt tình. Nhưng chỉ với nhiệt tình thôi thì chưa đủ.

Trong đợt phỏng vấn cán bộ ban ngành, đoàn thể tham gia dự án CCNSVS ở ba thị xã Sa Đéc, Bạc Liêu và Hà Tiên, hầu như không người nào nêu được khái niệm nước sạch là gì và các bệnh nào liên quan đến nước sạch và cầu tiêu. Điều quan trọng hơn là 90% những người được phỏng vấn cũng không biết có bao nhiêu kiểu cầu hợp vệ sinh, qui cách xây dựng như thế nào, giá thành bao nhiêu.

Hơn nữa, vận động về vệ sinh là khó hơn cả vì không phải hễ hôm nay tôi đi tiêu trên cầu cá là ngày mai bị bệnh. Vậy điều tối thiểu là những người đi vận động phải được trang bị kỹ năng nói chuyện về vệ sinh. Dự án CCNSVS ở ba thị xã đã thử đào tạo những người hướng dẫn, sau đó những người này đi tập huấn cho tình nguyện viên vệ sinh trong khóm ấp. Chỉ riêng kỹ năng nói chuyện về vệ sinh thôi đã mất ba ngày cho một lớp từ 20-25 người. Kết quả rất khả quan.

Vậy nếu muốn dẹp bỏ CTCV thì phải giải quyết đồng bộ ít nhất hai vấn đề cơ bản: kiểu cầu thích hợp cho vùng đồng bằng sông nước và kỹ năng giáo dục người dân. Và chỉ có thể dẹp bỏ từ từ, theo đà phát triển kinh tế của tiểu vùng và năng lực của cán bộ trong từng thời điểm.

BS LÊ ĐẠI TRÍ (Trung tâm TT - giáo dục sức khỏe Long An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên