"Khán giả Việt Nam tuyệt vời"

THÁI HÒA thực hiện 28/12/2003 09:12 GMT+7

LTS: Đầu tháng 11-2003, một đôi vợ chồng người Ý đã đến VN với rất nhiều công việc: chị là nữ tiến sĩ Sandra Scagliotti, giám đốc Nhà Việt Nam tại Ý. Còn anh là nghệ sĩ kèn saxo Fuvio Albano (xem bài “Ngôi nhà Việt giữa châu Âu” - TTCN số 43-2003).

Phóng to
Fuvio Albano và Trần Mạnh Tuấn

Fuvio Albano đã dự liên hoan nhạc jazz tại Hà Nội và đặc biệt đã tham gia hai đêm diễn nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức tại Đại học Phú Xuân (Huế) và hội quán Hội Ngộ (TP.HCM). Trò chuyện với cộng tác viên TTCN tại Ý, nghệ sĩ Fuvio Albano cho biết

Sau thành công của festival nhạc jazz tổ chức ở Hà Nội tháng 11-2002 mà tôi có tham gia biểu diễn, năm nay tôi lại được Bộ Ngoại giao và thương mại Ý mời chính thức đại diện nước Ý và châu Âu sang trình diễn tại VN. Lần này, cùng ba nghệ sĩ jazz khác là Alex Riel (Đan Mạch - chơi trống), Jean - Louis Rassinfosse (Bỉ - contre bass) và Daag Ambersen (Na Uy - piano), chúng tôi được mời chơi trong đêm kết thúc đại nhạc hội jazz mang tên ”Những ngôi sao châu Âu” tại Hà Nội.

Từng dự festival jazz 2002 tại Hà Nội, tôi cho rằng festival jazz năm nay hết sức thành công vì được tổ chức tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt với chúng tôi, những nghệ sĩ từ châu Âu, đã cùng trình diễn với các ban nhạc jazz VN. Đây là một thành công lớn về mặt giao lưu âm nhạc.

* Vì sao ông tham gia hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế và Sài Gòn?

- Trước đó không lâu, kết hợp với Hội Những người bạn VN tại Ý, tôi và vợ tôi đã tổ chức hai chương trình nhạc Trịnh Công Sơn tại Ý. Qua các đêm diễn này, chúng tôi gặp nhiều bè bạn người Việt, trong đó có Thái Hòa, ca sĩ chính hát nhạc Trịnh Công Sơn đến từ Pháp. Qua họ, chúng tôi mong sẽ hình thành được trong thư viện của Nhà văn hóa Việt - Ý tại Turino một mảng tư liệu về âm nhạc VN, đặc biệt về nhạc Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi đã chính thức gửi thư làm quen với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng như rất vui mừng được tham gia hai đêm diễn nhạc của ông tại Huế và TP.HCM. Ở Huế, chúng tôi đã trình diễn tại khán phòng Viện Đại học Huế - số 3 Lê Lợi, chính là nơi 35 năm trước Trịnh Công Sơn đã hát những sáng tác đầu tiên của ông. Có lẽ tại khán phòng ấy và trước một cử tọa là các bạn trẻ sinh viên và những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn nên tôi đã chơi với thật nhiều xúc động.

Còn trong đêm diễn ở Sài Gòn, ấn tượng lớn nhất với tôi là phần trình diễn tác phẩm Hạ trắng; tôi chơi cùng Trần Mạnh Tuấn - một nghệ sĩ saxophone trẻ đầy tài năng, và chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đã cùng trình diễn với các bạn Thái Hòa, Thanh Huy, Công Luận bài Chiếc lá thu phai - chủ đề chính của chương trình và cũng là tên một CD nhạc mới nhất của nhóm bạn trẻ này.

Vào buổi sáng đó, tôi được biết những ngọn lau trắng làm nền sân khấu được hái về từ bên sông Sài Gòn... Những ngọn lau khiến tôi nghĩ nhiều về lời nhạc “Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc chờ... chập chờn lau trắng trong tay...”. Những điều đó thật đáng nhớ trong đời biểu diễn của tôi.

* Ông cảm nhận thế nào về công chúng VN?

- Còn có thể nói gì hơn “thật tuyệt vời”. Ở đâu trong những ngày tại VN tôi cũng nhận được sự đón tiếp và chia sẻ chân tình của bạn bè và công chúng VN. Nhưng đặc biệt nhất là trong đêm nhạc Chiếc lá thu phai tại hội quán Hội Ngộ. Chiều ấy, trời bắt đầu đổ mưa ngay sau bài hát đầu tiên Cát bụi do tôi và Thái Hòa cùng trình diễn.

Mưa thật lớn nhưng hơn 3.000 khán giả vẫn chờ đợi dưới mưa dù bị ướt sũng... Rồi khi mưa ngớt, chúng tôi đã trở lại trình diễn tiếp dưới những chiếc dù che mưa. Thật tình, chưa bao giờ trong đời tôi có được ấn tượng về những khán giả yêu nhạc như vậy. Xin vô cùng cảm ơn các bạn...

Chắc chắn vợ chồng tôi sẽ trở lại VN trong năm sau để dự festival nhạc jazz. Còn sau chuyến đi này, chúng tôi có một tình cảm vô cùng sâu sắc đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn; riêng tôi đặc biệt có ấn tượng với Trần Mạnh Tuấn, nên chúng tôi sẽ có những dự án về saxo và về nhạc Trịnh Công Sơn tại Ý và châu Âu, trước mắt là một ấn phẩm nhỏ chuyên đề về Trịnh Công Sơn và các kỷ niệm từ những buổi diễn âm nhạc của ông trong năm 2003 tại Pháp, Ý và VN dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 3-2004 bằng ba thứ tiếng VN, Anh và Ý để kịp ngày giỗ thứ hai của Trịnh Công Sơn (1-4-2004).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận