26/04/2024 09:18 GMT+7

Giải pháp nguồn nước ĐBSCL - Kỳ 3: Không để miền Tây thiếu nước

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long sống trên sông nước nhưng lại thiếu nước là một nghịch lý. Vậy nguyên nhân do đâu và cần giải pháp gì để giải quyết hiện trạng nguồn nước này?

Chị Thao Thị Giang (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) vui mừng vì có nước ngọt sinh hoạt trong những ngày nắng nóng - Ảnh: KHẮC TÂM

Chị Thao Thị Giang (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) vui mừng vì có nước ngọt sinh hoạt trong những ngày nắng nóng - Ảnh: KHẮC TÂM

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Khanh, phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), xung quanh vấn đề cấp bách này. Ông Khanh cho biết:

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

- Thời gian qua công tác dự báo xâm nhập mặn đã được các đơn vị chuyên ngành dự báo khí tượng, thủy văn và các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện khá tốt.

Từ đó, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ (thời gian gieo cấy) phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn. Công tác thu thập thông tin từ thượng nguồn để hỗ trợ thực hiện việc dự báo xâm nhập mặn cũng được làm tốt.

Ngoài ra công tác thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng. Và việc chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ của người dân ngay trong mùa mưa, lắp đặt các vòi nước công cộng. Những điều trên đã giúp giảm thiểu được thiệt hại cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhiều thách thức cho nguồn nước Đồng bằng Sông Cửu Long

* Thách thức trong thời gian tới về nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt ở Đồng bằng Sông Cửu Long ra sao, thưa ông?

- Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, các hoạt động phát triển trong nội tại Đồng bằng Sông Cửu Long,... đã và đang làm cho các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hiện tại và nguy cơ càng kém hiệu quả trong tương lai.

Đến năm 2024, các nước ở thượng nguồn sông Mekong đã và đang xây dựng khoảng 128 hồ với dung tích trữ ước tính trên dưới 88 tỉ m3 nước, trong tương lai (theo quy hoạch giai đoạn năm 2040 - 2060) có thể xây dựng tổng cộng 231 hồ, dung tích trữ lên đến trên 120 tỉ m3 nước.

Việc khai thác các hồ chứa thủy điện sẽ tiếp tục làm thay đổi quy luật dòng chảy và chế độ nguồn nước về Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra việc phát triển nội tại ở Đồng bằng Sông Cửu Longlà việc khai thác nguồn nước ngầm chưa hợp lý, làm gia tăng mức độ lún sụt đất.

Các số liệu đo đạc, nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các vùng ở Đồng bằng Sông Cửu Longđều xảy ra lún từ 0,5 - 3cm/năm, vùng ven biển, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu), tốc độ lún phổ biến 1,5 - 2cm/năm.

Lún sụt đất nền là nguyên nhân dẫn đến gia tăng mức độ ngập lũ, triều và xâm nhập mặn. Mặt khác việc chuyển đổi mô hình sản xuất thời gian qua đã làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, nhu cầu sử dụng nước, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi. Và cuối cùng là tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

Các công nhân đang đào đường để mở rộng hệ thống ống dẫn nước, đem nước ngọt cho người dân ở ven biển của tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: KHẮC TÂM

Các công nhân đang đào đường để mở rộng hệ thống ống dẫn nước, đem nước ngọt cho người dân ở ven biển của tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: KHẮC TÂM

Nhiều giải pháp đang phát huy hiệu quả

* Các công trình đã triển khai thời gian qua có đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và chống xâm nhập mặn cho Đồng bằng Sông Cửu Long chưa?

- Tôi khẳng định đến nay có thể nói với điều kiện hiện tại, thực tế các giải pháp được triển khai đã phát huy hiệu quả giúp thiệt hại ở mức thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Như đã đề cập ở trên, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái bị ảnh hưởng không nhiều.

Số lượng người dân thiếu nước sinh hoạt thấp hơn nhiều so với những năm 2016, 2020, các địa phương cũng đã chủ động có kế hoạch, phương án để hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, để việc phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp căn cơ, lâu dài hơn nữa.

Bên cạnh những giải pháp phi công trình, quản lý, chỉ đạo điều hành thì cũng cần như nghiên cứu giải pháp đầu tư các công trình chuyển nước giữa các lưu vực, xây dựng các đập ngăn nước các cửa sông hoặc đầu tư hồ chứa với quy mô phù hợp trong vùng.

Tuy vậy những giải pháp này cần phải được nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi quyết định đầu tư với phương châm "không hối tiếc", bên cạnh đó còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của ngân sách.

Trước mắt, theo tôi, chính quyền địa phương, người dân tiếp tục thực hiện tốt việc chủ động có các công trình, phương tiện tích trữ nước tại chỗ phục vụ sản xuất, đặc biệt nước cho sinh hoạt trong các tháng mùa khô của những năm được dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có tính chất gay gắt.

* Còn về lâu dài cần làm gì để không còn cảnh chở từng bồn nước cấp cho người dân cũng như thiếu nước sản xuất, thưa ông?

- Nhiều giải pháp đã và tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó có nhiều giải pháp tập trung đến nước sinh hoạt nông thôn như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại bảy tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đảm bảo đúng tiến độ để kịp thời đưa vào khai thác, vận hành các dự án tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh...

Với khu vực có thể cấp nước tập trung, chúng tôi đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình hiện có. Các khu vực dân cư phân tán, tổ chức hỗ trợ thiết bị trữ nước sạch với dung tích phù hợp để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong thời kỳ bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch, nhất là đối với vùng khó khăn về nguồn nước như tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hộ gia đình, trong đó quy định chính sách cho vay ưu đãi hộ gia đình để đầu tư xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hạn hán khiến nhiều cánh đồng ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng không còn nước sản xuất lúa, những nơi còn nước thì cũng bị mặn xâm nhập - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hạn hán khiến nhiều cánh đồng ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng không còn nước sản xuất lúa, những nơi còn nước thì cũng bị mặn xâm nhập - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Nguyễn Hồng Hiếu (phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Phải sử dụng tài nguyên nước hiệu quả

Tôi cho rằng cần tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt. Rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra...

Về lâu dài, hằng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long để dự báo, cảnh báo xu thế diễn biến nguồn nước theo từng thời kỳ trong năm, đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông. Và căn cứ kịch bản nguồn nước, các bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng và UBND các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.

PGS.TS Đào Trọng Tứ (trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu):

Sử dụng tài nguyên nước theo hướng thuận thiên

Điều đó có nghĩa người dân và chính quyền ở Đồng bằng Sông Cửu Long phải coi trọng tất cả các nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Ví dụ cần tính toán vùng nào sử dụng nước mặn, vùng nào sử dụng nước lợ và thời gian phân bổ nguồn nước cụ thể ra sao để có kế hoạch sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Longcũng nên xây dựng thêm các công trình để tích trữ nước ngọt quy mô lớn. Hướng tới nghiên cứu, sử dụng máy móc lọc nước mặn, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

14h ngày 26-4, tại TP Cần Thơ sẽ diễn ra hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Cần Thơ tổ chức.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện, trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và nhà quản lý tại những địa phương đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long...

Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp về nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong vùng ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Từ đó giúp người dân có cuộc sống bền vững hơn khi thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan.

Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL - Kỳ 1: Loay hoay tìm nguồn nước giải Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL - Kỳ 1: Loay hoay tìm nguồn nước giải 'cơn khát'

Đến mùa khô, Đồng bằng sông Cửu Long lại 'khát' nước, đặc biệt ở các tỉnh ven biển. Bài toán thiếu nước và đi tìm nguồn nước đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng vì sao chưa có lời giải?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên