Cũng vì phong cảnh hữu tình, đèo Mã trở thành nơi du sơn ngoạn thủy của bao cô cậu nam thanh, nữ tú. Từ khi phong trào “phượt” nổi lên, đèo Mã là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Một ngày nào đó, có một vị phu nhân thấy cảnh đẹp thu hút cả ngàn khách mỗi ngày nên động lòng phàm. Bà quyết định xây tửu quán trên đèo để đón khách kiếm chút ít ngân lượng. Ai dè cảnh đẹp tựa chốn bồng lai nay dựng lên sừng sững cái tửu quán vắt vẻo trên đèo trông rất “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Dân tình xót của trời cho, cảnh đẹp như tiên vì đồng tiền mà trở thành thô tục ngày đêm la ó phản đối vị phu nhân đã dám làm liều, làm bậy.
Sự tình chưa hết éo le, một ngày đẹp trời có bốn vị thiếu hiệp cưỡi ngựa sắt ung dung leo lên đỉnh đèo chỗ có tửu quán; thấy phong cảnh “cực đã” bốn vị bèn rủ nhau khỏa thân để được “cực sướng”. “Sướng” đâu không thấy, chỉ thấy các nhà mỹ học, nhà văn hóa, giáo sư, tiến sĩ cực lực phản đối. Họa trước còn chưa giải quyết xong, họa sau lại kéo ùn đến. Đèo Mã trở thành mục tiêu cho bá tánh công kích.
Đương nhiên mọi trách nhiệm đổ ập lên đầu vị quan quản lý đèo Mã. Cả trăm câu hỏi được đặt ra: Tại sao tửu quán khổng lồ như vậy được xây mà không ai hay, ai biết? Tại sao tửu quán không có giấy phép xây dựng, lẫn kinh doanh mà vẫn hoạt động ầm ầm? Tại sao bốn vị thiếu hiệp kia lại dám “nude tiên” trên đỉnh đèo thô bỉ đến như vậy?”
Vị quan quản lý đèo im như thóc, pí lù mà không có câu trả lời với thỏa đáng với bàn dân thiên hạ. Dân chúng đâu chịu thua, họ tức quá bèn gọi tên đèo này là Đèo Mã Pí Lù để cà khịa tên quan quản lý đèo để mọi chuyện xàm bậy xảy ra cho bõ ghét. Ai dè tên quan này cực kỳ láu cá, đợi tình hình dân chúng dịu xuống, hắn mới cấm mọi người gọi đèo Mã Pí Lù. Ai gọi Mã Pí Lù là “phạm húy”, riết dân chúng cũng sợ bèn rủ nhau gọi là Đèo Mã Pí Lèng cho tới bây giờ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận