Hiệp định Hòa bình OSLO: 10 năm sau

DANH ĐỨC 22/09/2003 08:09 GMT+7

TTCN - Dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “yêu cầu Israel, cường quốc chiếm đóng, tránh tiến hành mọi hành vi trục xuất và ngưng mọi hành vi đe doạ đến an ninh của tổng thống được bầu lên Cơ quan Quyền lực Palestine” (trích dịch nguyên văn nghị quyết).

Phóng to

Trước: Không bao giờ cần Liên Hiệp Quốc! - Sau: Không bao giờ không cần Liên HIệp Quốc

TTCN - Dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “yêu cầu Israel, cường quốc chiếm đóng, tránh tiến hành mọi hành vi trục xuất và ngưng mọi hành vi đe doạ đến an ninh của tổng thống được bầu lên Cơ quan Quyền lực Palestine” (trích dịch nguyên văn nghị quyết).

Lá phiếu phủ quyết của Hoa Kỳ đối với dự thảo nghị quyết này đã được đưa ra chỉ năm ngày sau khi một thông cáo của Văn phòng thủ tướng chính phủ Israel được phát đi, nội dung chủ yếu như sau: “Những sự kiện trong những ngày qua lại chứng minh rằng Yasser Arafat hoàn toàn là một trở ngại cho bất cứ tiến trình hòa giải nàoà Israel sẽ hành động để tháo gỡ trở ngại này bằng cách thức, vào thời điểm và với những phương tiện sẽ được quyết định một cách riêng rẽ”.

Cũng trong ngày 11-9-2003 đó, bài xã luận của tờ Jerusalem Post gằn giọng: “Chúng ta phải giết Yasser Arafat, bởi lẽ thế giới chẳng chừa cho chúng ta một giải pháp nào khác”. Cùng với những tưởng niệm sự kiện ngày 11-9-2001 ở Mỹ, tất cả đã làm cho (báo chí) thế giới quên mất rằng...

...10 năm trước, vào ngày 13-9-1993, thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasser Arafat đã ký kết Hiệp định hòa bình Oslo trước sự chứng kiến của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton.

Tinh thần của hiệp định hoà bình Oslo là: phía PLO “thừa nhận quyền sống của Israel trong hòa bình và an ninh..., từ bỏ việc sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác...”. Ngược lại, phía Israel “quyết định công nhận PLO như là đại diện của nhân dân Palestine và bắt đầu thương thuyết với PLO trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung đông”.

Hiệp định này khởi đầu cho cả một quá trình gọi là “tiến trình hòa bình Trung Đông” tiếp nối bởi các hiệp định Oslo II (tháng 9-1995), Wye River (tháng 10-1998)... Từ đó mới có thể dẫn đến việc ấn định lại lãnh thổ và thời biểu thi hành sau này (Israel trao trả lại 85% diện tích dải Gaza, 39,7% diện tích Bờ Tây sông Jordan cho người Palestine, theo tinh thần thỏa thuận tháng 9-2000).

10 năm sau, chẳng còn ai nhắc đến Hiệp định Oslo 13-9-1993. Tại sao? Đó là do hiệp định này đã bị “chôn sống” từ sau khi ông Sharon lên nắm quyền thủ tướng ít lâu sau khi Bush nhậm chức ở Washington. Tân chính quyền Bush đã đưa ra đề nghị một “lộ trình hòa bình” mới, trong bối cảnh tình hình Trung Đông “thối rữa” vì những xung đột hằng ngày giữa hai phe Israel và Palestine. Làm sao ông Bush và Đảng Cộng hòa lại có thể tiếp nối tiến trình hòa bình Oslo vốn là sự nghiệp hòa bình của ông Clinton và Đảng Dân chủ?

Nhắc lại Hiệp định hòa bình Oslo không để phải vực dậy một “xác chết”, mà là để nhớ lại rằng đã có một “tinh thần Oslo” bằng xương bằng thịt qua cá nhân các ông Yizhak Rabin và Yasser Arafat (và Shimon Peres, Ehud Barah sau này).

Tiếc thay, trong phía Israel đã có những thế lực không đồng lòng với ông Rabin, hậu quả là ông này bị ám sát hôm 4-11-1995, để rồi sau đó là những đổi thay trong chính trường Israel, ngày càng rơi vào tay phe cực hữu.

“Tinh thần Oslo” đó đã được chính ông Rabin tóm gọn như sau trong diễn văn cuối cùng của ông đọc tại Tel Aviv ngày thứ bẩy 4-11-1995 định mệnh đó: “Tôi muốn tuyên bố rõ rệt rằng chúng ta đã tìm thấy một đối tác hòa bình nơi người Palestine, nơi Tổ chức PLO, mà trước kia đã từng là kẻ thù... Đối với Israel, không có con đường nào mà không đau đớn, song con đường hòa bình thì đáng chuộng hơn là con đường chiến tranh. Có những kẻ thù địch hòa bình đang tìm cách bức hại chúng ta nhằm phá hoại tiến trình hòa bình”. (nguồn: Washington-report)”.

Tinh thần Oslo đó đã bị dập tắt cùng với sinh mạng ông Rabin. Từ đó, hết một Benjamin Netanyahu đến một Ariel Sharon trong chức vụ thủ tướng, xung đột càng trầm trọng hơn, sau khi đã im ắng và hòa giải dưới trào thủ tướng Ehud Barak từ 7-1999 đến tháng 3-2001. Tại sao cũng một ông Arafat với các thủ tướng Rabin và Barak thì lại tiến gần đến hòa bình, trong khi với các ông Netanyahu (nay đang trong nội các Sharon) và Sharon, thì lại xung đột đẫm máu?

Không những “tinh thần Oslo” đã tan tác, mà nay tại Israel đang nổi lên một xu hướng chính trị mới, như có thể thấy qua bài xã luận của tờ Jerusalem Post 16-9-2003: “Nay khi chúng ta đã dẹp cái “lộ trình” đó xong rồi, tôi đề nghị một kế hoạch mới: thay các khu định cư của người Do Thái bằng các căn cứ quân sự. Tôi nghĩ rằng toàn thể phương Tây sẽ phải thông qua đề nghị này”. Xu hướng đó là “xơi tái” ông Arafat,“xù” cả cái “lộ trình” của ông Bush, tiếp tục chiếm đóng quân sự. Thế còn câu “Toàn thể phương Tây sẽ phải thông qua đề nghị này” ?

Phải chăng trong cái nhìn phân cực mới từ sau sự kiện 11-9 (phương Tây/thế giới Hồi giáo đồng nghĩa với khủng bố), để phương Tây có thể tồn tại trước thế giới Hồi giáo, phải “nhắm mắt” dùng Israel đối nghịch với thế giới này, bắt đầu là tại lãnh thổ Palestine?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận