26/05/2023 11:01 GMT+7

Ba năm trong 'cõi người dưng'

Năm 2021, phim Nomadland đã giành chiến thắng vang dội tại lễ trao giải Oscar lần thứ 93, với giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Chloé Zhao) và Nữ chính xuất sắc nhất (Frances McDormand).

Ảnh: NỮ LÂM

Ảnh: NỮ LÂM

Bộ phim danh tiếng này được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Jessica Bruder. Ấn bản tiếng Việt mang tên Cõi người dưng (Y Khương dịch, NXB Phụ Nữ Việt Nam) vừa ra mắt độc giả Việt Nam.

Ra đời từ một "đơn đặt hàng", câu chuyện về cuộc đời của những "du dân" (nomad) thu hút Jessica Bruder, để từ một bài báo trở thành tác phẩm phóng sự công phu theo chân những du dân của thế kỷ 21.

Jessica Bruder đã rời New York hoa lệ, theo chân các du dân suốt 24.000 cây số, trong ba năm ròng để viết nên những trang sách trần trụi về một nước Mỹ khác, một nước Mỹ có những công dân không ngừng hy vọng và không ngừng thất vọng. Những người mất nhà hoặc không thể có một mái nhà. Những người chọn lang thang trong "cõi người dưng" vừa tự do vừa vô định không cần (hay không thể) trụ vào đâu.

Bằng cách tiếp cận, trò chuyện và trước nhất là sống cuộc đời như một du dân chính cống; Bruder đã viết thành công thiên phóng sự về những cuộc đời bên lề ấy.

Những du dân cô tiếp cận có thể đơn giản chỉ là những người ham thích tự do, chán ngán với cuộc đời chật vật. Cũng có người sau một đêm mất tất cả do cơn khủng hoảng kinh tế. Có người chỉ ôm theo một trái tim lãng mạn, chọn gắn cuộc đời với bánh xe, con đường để hàn gắn tổn thương, tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn như những lữ khách mải mê trên đường gió bụi.

"Nhiều người nói họ "về hưu", dù đoán trước sẽ còn lao động khi vào độ tuổi 70 hay 80. Số khác gọi mình là "du khách", "du mục", "kẻ lang thang bốn bánh" hay mỉa mai hơn, "dân gypsy"". Tuy vậy, trong đôi mắt coi thường, họ được nhìn nhận như "dân tị nạn người Mỹ", "vô gia cư phong lưu", "những kẻ lang thang hái trái cây thời hiện đại". Họ dường như "lạc điệu" trong một xã hội hãnh tiến, giàu có bậc nhất.

Có thể gọi đây là "một bi kịch Mỹ" chăng; với những gia đình gợi nhớ đến những "dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn" trong kiệt tác của Gabriel García Márquez, với một "bà ngoại" phải sống trên xe, rày đây mai đó, làm những công việc thời vụ để kiếm sống và đến thế hệ con cháu bà, cũng phải chịu cảnh mất nhà cửa, chiếc xe chật chội trở thành "mái ấm" của ba thế hệ.

Vượt qua biên giới của "một câu chuyện Mỹ", Cõi người dưng được dịch ra hàng chục thứ tiếng, được trao Giải Ryszard Kapus'cin'ski, giải thưởng tôn vinh những tác phẩm phóng sự phản ánh các vấn đề thời đại.

Tuy "ăn nằm" trong "cõi người dưng" trong quãng thời gian dài, nhưng Jessica Bruder không thi vị hóa cũng chẳng bi kịch hóa đời sống ấy. Những du dân vẫn liên kết lại thành một cộng đồng bất định, tương trợ nhau, chia sẻ cùng nhau. Những mầm sống vẫn còn được nâng niu, dẫu thế gian có nghiệt ngã thế nào đi nữa.

Từ sự mất ngủ của ruồiTừ sự mất ngủ của ruồi

Từ sự mất ngủ của ruồi là nhan đề cuốn sách mới nhất của Mạch Nha - một bút danh khác của nhà văn Phan Thị Vàng Anh - vừa được NXB Văn Học ấn hành gần đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên