03/05/2024 19:33 GMT+7

Xem tranh ‘Thánh Gióng’ của Nguyễn Tư Nghiêm nhân 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

‘Thánh Gióng’, bức tranh quý của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm về chủ đề lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đang được trưng bày cùng 69 tác phẩm mỹ thuật chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Từ trái qua: Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh Mã Thế Anh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương thăm triển lãm - Ảnh: BTC

Từ trái qua: Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh Mã Thế Anh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương thăm triển lãm - Ảnh: BTC

Triển lãm mỹ thuật 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khai mạc ngày 3-5 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

70 năm sáng tác về Điện Biên Phủ

Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm tranh, tượng của 57 tác giả, là các họa sĩ, nhà điêu khắc trên cả nước.

Đây đều là những tác phẩm có giá trị về lịch sử, có chất lượng nghệ thuật cao, được tập hợp từ bộ sưu tập của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số tác phẩm của tác giả được ban tổ chức mời tham gia.

Tác phẩm điêu khắc Những chiến sĩ Điện Biên của Vũ Đại Bình sáng tác năm 2024

Tác phẩm điêu khắc Những chiến sĩ Điện Biên của Vũ Đại Bình sáng tác năm 2024

Các bức tranh, tác phẩm điêu khắc tập trung vào chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ, được các nghệ sĩ sáng tác trong suốt 70 năm qua.

Đó là các tác phẩm: Ngày hội Chiến thắng Điện Biên của tác giả Vũ Tiến, Dân quân hỏa tuyến của tác giả Đỗ Bá Quang, Hào khí Điện Biên của Nguyễn Xuân Thành, Những chiến sĩ Điện Biên của tác giả Vũ Đại Bình, Trường ca Điện Biên Phủ của tác giả Trần Thị Thanh Hòa.

Hay tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ của tác giả Lai Thành, Bác Hồ đi chiến dịch của tác giả Nguyễn Phú Cường, Kéo pháo vào của Nguyễn Thế Hữu, Phía sau là hầm Đờ Cát của Bùi Tuyết Mai, Kéo pháo Điện Biên của Nguyễn Trọng Cát, Tô Vĩnh Diện của Dương Hướng Minh, Bác Hồ đi công tác của Hoàng Tích Trù…

Không chỉ riêng đề tài Điện Biên Phủ, triển lãm còn mang tới những tác phẩm về chủ đề quê hương, đất nước nói chung, niềm tự hào đất nước đổi mới.

Như các tác phẩm: Phút bình yên của Trần Thái, Xuân về biên cương của Nguyễn Nghĩa Dậu, Đám cưới người Thái của Cầm Thị Xuân, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Trường Linh, Tuần tra biên giới của Mai San, Mắt biển của Nguyễn Việt Anh, Trường Sa của Tạ Quang Bạo...

Tác phẩm  Mường Thanh 7-5-1954, Đoàn Văn Thân sáng tác năm  2001

Tác phẩm Mường Thanh 7-5-1954, Đoàn Văn Thân sáng tác năm 2001

Món quà từ tranh quý của Nguyễn Tư Nghiêm

Đáng chú ý trong triển lãm là bức sơn mài Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm.

Đây là một trong những tác phẩm vẽ Thánh Gióng, mảng đề tài nổi tiếng và rất thành công của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bức tranh thuộc bộ sưu tập của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Trong loạt tranh vẽ Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm còn có bức Gióng vẽ năm 1990, đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm đó và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua ngay sau triển lãm.

Tác phẩm là bảo vật quốc gia năm 2007, từng mang triển lãm tại Anh và được mua bảo hiểm trị giá đền bù đến 1 triệu USD.

Bức Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm trưng bày tại triển lãm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bức Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm trưng bày tại triển lãm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bức Thánh Gióng trong triển lãm lần này cũng là một bức rất quý và nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Ban tổ chức đã chọn triển lãm bức tranh vì giá trị nghệ thuật đỉnh cao của nó và vì chủ đề lòng yêu nước, truyền thống đánh giặc giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam trong bức tranh.

Nhưng sự xuất hiện của tác phẩm này trong triển lãm còn mang ý nghĩa lớn hơn nữa: tác giả Nguyễn Tư Nghiêm chính là một trong những họa sĩ theo kháng chiến lên Việt Bắc, góp công sức và tài năng vào cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 9-5.

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 7: Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộcChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 7: Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộc

Chụp ảnh văn nghệ sĩ tài hoa một thời ở Hà Nội không chỉ có cha con Trần Văn Lưu - Trần Chính Nghĩa, mà còn nhân vật thú vị khác là nhà nhiếp ảnh Hà Tường và sau này có Nguyễn Đình Toán nối tiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên