01/06/2023 09:04 GMT+7

Vụ trục lợi bảo hiểm: Thu giữ hàng trăm ngàn giấy ghi khống bệnh

HÀ MI
và 1 tác giả khác

Liên quan vụ bán giấy chứng nhận nghỉ bệnh, ngày 31-5 Công an Đồng Nai chính thức thông tin vụ bán giấy chứng nhận nghỉ bệnh để trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ nhiều tài liệu tại một phòng khám ở TP Biên Hòa, Đồng Nai  - Ảnh: công an cung cấp

Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ nhiều tài liệu tại một phòng khám ở TP Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: công an cung cấp

Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vụ án do Công an Biên Hòa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh, Viện KSND TP Biên Hòa khám xét sáu cơ sở khám chữa bệnh và hai nhà ở của một số nghi phạm trên địa bàn TP Biên Hòa để làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội.

Bắt hai người bán giấy khống trục lợi bảo hiểm

Bước đầu công an đã bắt giữ L.T.H. (43 tuổi) và H.T.Đ. (36 tuổi, cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) khi đang tàng trữ các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung để chuẩn bị giao cho những người đặt mua.

Từ manh mối hai nghi phạm trên, Công an Biên Hòa đồng loạt khám xét sáu cơ sở khám chữa bệnh.

Tại những cơ sở này, công an đã thu giữ hàng trăm ngàn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả (chưa có thông tin người khám) và nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hằng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm khống các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty.

Ngoài việc mua bán các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, các phòng khám còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an Biên Hòa cho hay đây là đường dây dùng giấy tờ thật xác nhận khống có bệnh để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có quy mô rất lớn trên địa bàn. Do vậy, cơ quan điều tra đã triệu tập hơn 30 người liên quan đến việc làm các giấy tờ giả để xác minh hành vi nhằm củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Từng phát hiện 69 công nhân mang 337 giấy giả bệnh

Bảo hiểm xã hội có phát hiện mua bán giấy tờ giả bệnh không? Ông Nguyễn Hoàng Trúc - trưởng phòng thanh tra, kiểm tra Bảo hiểm xã hội Đồng Nai - cho biết: "Tháng 3-2022, Công ty Đ.P ở huyện Trảng Bom phản ảnh người lao động không có bệnh, hoặc không đi khám bệnh nhưng vẫn có giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nộp cho công ty.

Từ đây thanh tra đi xác minh đã phát hiện 69 công nhân ở công ty này mua tổng cộng 337 giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, nộp vào công ty để hưởng chế độ ốm đau".

Theo ông Trúc, số giấy xác nhận khống nghỉ việc đều được mua ở phòng khám đa khoa Tân Long (ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, vừa bị cơ quan điều tra khám xét).

Sau khi xác minh, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã yêu cầu Công ty Đ.P phối hợp để trừ lương những công nhân trên, hoàn trả về quỹ bảo hiểm xã hội số tiền gần 156 triệu đồng.

Đồng thời yêu cầu phòng khám đa khoa Tân Long hoàn trả về quỹ bảo hiểm y tế số tiền trên 45 triệu đồng của gần 250 lượt người đi khám bảo hiểm y tế, mua giấy ở cơ sở y tế này.

"Qua làm việc với công nhân mua giấy, họ cho hay không đến cơ sở khám chữa bệnh mà mua trên mạng xã hội hoặc nhờ người đi mua.

Có người mua tới 5-6 giấy xác nhận khống bệnh tật để hưởng lương từ bảo hiểm. Khi xác định rõ việc mua bán, bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển hồ sơ cho công an", ông Trúc giải thích.

Có giải pháp nào để phòng ngừa việc người lao động giả bệnh, mua giấy trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội? Ông Trúc cho biết thẩm quyền của bảo hiểm xã hội hiện nay không thể xử lý việc cấp khống giấy mà chỉ kiến nghị các ngành phối hợp xử lý. Bảo hiểm xã hội chỉ xử phạt hành chính về việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các phòng khám tư nhân đã cấp phép, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho hay: "Sở cũng nhận được nhiều văn bản từ doanh nghiệp yêu cầu xác minh các giấy nghỉ bệnh nghi khống của công nhân.

Vì vậy sở đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Đồng Nai thanh tra, kiểm tra tại các phòng khám và phát hiện một số vụ việc vi phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên để ngăn chặn vụ việc tương tự gặp không ít khó khăn vì đoàn đến kiểm tra các phòng khám họ đều có hồ sơ lưu đầy đủ, số thẻ bảo hiểm y tế, ngày giờ khám, chữ ký của bệnh nhân...".

Lý giải xảy ra việc mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe với số lượng quá lớn, một chủ doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) chia sẻ: "Sở dĩ họ mua giấy, xác nhận khống bệnh để nộp vào công ty vì sợ doanh nghiệp trừ lương và tiền chuyên cần, thi đua.

Từ lâu chúng tôi đã nghi vấn nhiều công nhân giả bệnh rồi đến phòng khám mua giấy nhưng kiểm tra thì giấy có xác nhận của bác sĩ phòng khám, con dấu thật nên không làm gì được. Nhưng nhiều công nhân giả bệnh để nghỉ đã ảnh hưởng đến sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp".

Bán giấy hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi bảo hiểm y tế

Một người từng làm ở một phòng khám tư nhân cho hay lâu nay việc mua bán giấy trên xảy ra ở nhiều phòng khám tư nhân, thậm chí là quầy thuốc.

Nguyên nhân do chủ phòng khám không nắm, bao che hoặc nhân viên phòng khám móc nối với "cò" bên ngoài để bán giấy.

Theo vị này, người lao động mua giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội thì hầu hết ở những phòng khám cố tình bán giấy đều làm quy trình khám bệnh để trục lợi bảo hiểm y tế.

Đơn cử như công nhân A mua giấy hưởng bảo hiểm xã hội, muốn ghi cho nghỉ ba ngày thì người ở phòng khám sẽ thu tiền riêng. Trước khi bán giấy, người ở phòng khám tính tiền công khám bệnh, xét nghiệm, toa thuốc... cho A rồi nhập liệu bằng toa bảo hiểm y tế.

A mua giấy nên ký tên vào giấy thanh toán với toa thuốc, tiền công khám bệnh, xét nghiệm, chụp X-quang...

Sau đó một số phòng khám dùng toa thuốc... của A để trục lợi riêng bảo hiểm y tế.

"Với quy trình trên thì việc thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế rất lớn", người từng làm việc trong phòng khám cho hay.

Vụ bán giấy chứng nhận nghỉ bệnh: Trục lợi hàng trăm tỉ đồng bảo hiểm xã hộiVụ bán giấy chứng nhận nghỉ bệnh: Trục lợi hàng trăm tỉ đồng bảo hiểm xã hội

Bước đầu, công an xác định các cơ sở y tế bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội hàng trăm tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên