19/09/2023 14:00 GMT+7

Việt Nam đã có nhiều biện pháp và quy định xử lý tin giả

Tin giả đang nổi lên thành vấn nạn tại từng quốc gia ASEAN, gây nên nhiều thiệt hại to lớn và nguy cơ kích động bạo lực, thù hận sắc tộc, tôn giáo.

Đại diện các nước ASEAN đến Đà Nẵng thảo luận cách ứng phó và xử lý nạn tin giả ngày 19-9 - Ảnh: TẤN LỰC

Đại diện các nước ASEAN đến Đà Nẵng thảo luận cách ứng phó và xử lý nạn tin giả ngày 19-9 - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 19-9, Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng diễn ra tại Đà Nẵng, với sự tham gia của các nước thành viên.

Dọn dẹp tin giả, tạo không gian thông tin lành mạnh

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay diễn đàn là không gian trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan nhằm khẳng định quyết tâm của ASEAN trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả.

Hướng đến nỗ lực chung tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.

Đại diện Ban Thư ký ASEAN - ông Izzad Zalman cho biết các quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động chống tin giả. Hiện khu vực này đã xây dựng định nghĩa thông tin sai lệch và thông tin không đúng sự thật để nâng cao nhận thức cho người dân trong khối.

Cùng với đó là thực hiện chiến lược giáo dục phát hiện và giảm thiểu tác hại của tin giả với sự tham gia của các nền tảng lớn như Google, TikTok.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC

"Người dùng phải suy nghĩ và có trách nhiệm với các nội dung đăng tải trên mạng xã hội, có sự thấu hiểu và đồng cảm với các đối tượng liên quan khi đăng tải thông tin.

Các nước ASEAN cần có khung hướng dẫn quản lý thông tin của chính phủ để ứng phó các thông tin sai lệch. Đảm bảo sự cân bằng quyền tự do ngôn luận và tính chính thống, chính xác, minh bạch" - ông Izzad Zalman chia sẻ.

Bà Tunku Latifah Binti Tunku Ahmad, đại diện Malaysia, đánh giá tin giả, tin sai sự thật đang là vấn nạn toàn cầu của các chính phủ với khả năng gây thiệt hại to lớn.

Tại Malaysia, nạn tin giả kích động thù hận giữa các cộng đồng, gây căng thẳng chủng tộc, tôn giáo.

Đại diện các nước thảo luận về cách phòng chống tin giả trên không gian mạng - Ảnh: TẤN LỰC

Đại diện các nước thảo luận về cách phòng chống tin giả trên không gian mạng - Ảnh: TẤN LỰC

Nước này chia sẻ 3 sáng kiến ứng phó tin giả đã được áp dụng có hiệu quả: Xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia để người dân kiểm tra và truyền tải các tin tức trực tuyến chưa được xác minh.

Triển khai chiến lược click thông minh để người dân có trách nhiệm khi bày tỏ quan điểm trước công chúng. Đồng thời, có biện pháp xử lý hành chính với tin giả và các hành vi xuyên tạc. Phối hợp với các nhà cung cấp nền tảng tin tức để loại bỏ tin giả, thành lập đội đặc nhiệm chống tin giả.

Trong khi đó, đại diện Indonesia, cho hay tin giả và thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tới việc ra quyết định và xây dựng chính sách. Làm giảm niềm tin của công chúng vào chính phủ và tạo sự hoang mang, nghi ngờ các thông tin chính thống.

Do đó, các quốc gia cần có cách truyền thông nâng cao nhận thức và tác hại của tin giả, tin sai sự thật cho cộng đồng.

Luật hóa xử lý tin giả, hợp tác với các nền tảng mạng

Đại diện Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay tin giả lan truyền rất nhanh và phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như: YouTube, Facebook, TikTok.

Trước năm 2013 Việt Nam không có quy định nào về quản lý thông tin trực tuyến, nhưng hiện nay đã có nhiều quy định xử lý tin sai sự thật.

Việc xử lý được đưa vào Luật Hình sự và các nghị định quy định việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin trực tuyến, quảng cáo xuyên biên giới.

Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Ảnh: TẤN LỰC

Bên cạnh cập nhật khung pháp lý và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, Việt Nam xây dựng sự hợp tác giữa Chính phủ và các nền tảng mạng xã hội, triển khai nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với ứng phó tin tức sai sự thật.

Hiện Việt Nam đã thiết lập Trung tâm An ninh mạng quốc gia, có công suất xử lý 300.000.000 nội dung/ngày, áp dụng công nghệ phân tích các bài đăng trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, đã xây dựng Trung tâm Phòng chống tin giả và hoạt động rất hiệu quả. Xây dựng quy trình khẩn cấp để xử lý tin sai sự thật, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới loại bỏ thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống thông tin sai lệch, bà Nguyễn Liên, đại diện Google, cho hay sứ mệnh của nền tảng này là cung cấp thông tin phù hợp và có chất lượng cho người dùng.

Trên cơ sở đó, Google triển khai đồng thời nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp thông tin có chất lượng trên các sản phẩm của Google như Google Search, Google News hay YouTube.

Bà Nguyễn Liên, đại diện Google, nêu cách chống tin giả của nền tảng này - Ảnh: TẤN LỰC

Bà Nguyễn Liên, đại diện Google, nêu cách chống tin giả của nền tảng này - Ảnh: TẤN LỰC

"Google sử dụng thuật toán để tổ chức thông tin theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi và phù hợp nhất đối với các yêu cầu tìm kiếm của người dùng.

Đồng thời xây dựng hệ thống chính sách và thực thi chính sách đối với từng sản phẩm nhằm ngăn ngừa thông tin có hại đến với người dùng, bảo vệ người dùng khỏi hành vi có hại.

Ví dụ, trong COVID-19, Google đã nhanh chóng xây dựng chính sách chống tin tức sai lệch bằng cách hiển thị các thông tin chính thống từ Bộ Y tế của từng quốc gia để đảm bảo đưa ra thông tin chính xác.

Làm việc với ủy ban bầu cử các quốc gia để đưa ra thông tin chính xác trong thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử…" - bà Liên chia sẻ.

Đồng thời, nền tảng này cho hay sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan báo chí để hỗ trợ cung cấp thông tin chất lượng người dùng cần trên các nền tảng Google. Hợp tác với các chuyên gia để đào tạo các khóa an toàn trực tuyến cho đại diện các nước ASEAN.

Facebook, TikTok có vai trò quan trọng trong cuộc chiến tin giả

Theo đại diện Myanmar, để ứng phó thông tin sai sự thật, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… có vai trò rất quan trọng.

Các thông tin sai lệch có chủ đích cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi mạng xã hội, và để giải quyết vấn đề này cần có sự hợp tác giữa các bên.

Theo vị này, thông tin sai lệch ngày càng gia tăng tại Myanmar và gây ra các vấn đề phức tạp. Chính phủ đang cố gắng đưa ra thông tin chính thống qua nhiều kênh và tăng cường nhận thức của công chúng trước tin giả.

Nghĩ cách bảo vệ công dân trước tin giả, tin sai sự thậtNghĩ cách bảo vệ công dân trước tin giả, tin sai sự thật

Tuần này, bộ trưởng thông tin của các nước ASEAN sẽ nhóm họp tại Đà Nẵng, để bàn cách xử lý các thách thức mới trong lĩnh vực thông tin - truyền thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên