26/09/2003 14:41 GMT+7

Bán dược phẩm lời hơn kinh doanh ôtô, dầu khí

DUY VĂN (tổng hợp )
DUY VĂN (tổng hợp )

TT - Theo kết quả một nghiên cứu của Washington Profile, chi phí cho dược phẩm tại Mỹ tăng 14 - 18%/năm. Một trong những nguyên nhân chính: thuốc ở Mỹ bán đắt hơn ở các nước khác.

ZIkSm1k5.jpgPhóng to
TT - Theo kết quả một nghiên cứu của Washington Profile, chi phí cho dược phẩm tại Mỹ tăng 14 - 18%/năm. Một trong những nguyên nhân chính: thuốc ở Mỹ bán đắt hơn ở các nước khác.

Nghiên cứu đưa ra các so sánh: viên Lipitor (giảm mức cholesterol trong máu, loại thuốc bán được nhiều nhất tại Mỹ với doanh số năm 2002 gần 6,1 tỉ USD) ở Mỹ có giá 2,38 USD thì tại Pháp chỉ 75 cent (USD)/ viên và tại Anh là 93 cent.

Hiện có hơn 10 đại gia dược phẩm kiểm soát gần 60% thị trường thuốc điều trị Mỹ. Năm 2002 theo số thuốc bán ra thì Pfizer đứng đầu (với 19,5 tỉ USD), tiếp theo là GlaxoSmithKline (17,3 tỉ) và Johnson and Johnson (12,7 tỉ).

Cũng năm 2002, các công ty dược phẩm Mỹ đã chi hơn 11,5 tỉ USD quảng cáo cho các sản phẩm của mình: Pfizer hết 2,9 tỉ USD, Glaxo: 2,3 tỉ USD và Johnson 1,4 tỉ USD. Từ danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune cung cấp, không khó lắm để nhìn ra lợi nhuận của giới dược phẩm.

Còn nếu “mổ xẻ” thử một công ty, như Merck, sẽ thấy họ bỏ túi lãi ròng nhiều hơn tất cả các công ty hàng không trong danh sách 500 công ty của Fortune, và hơn cả tổng lợi nhuận của các công ty giải trí và xây dựng. Ấn tượng hơn là tỉ lệ lãi trên tổng thu nhập là 18,6% của ngành dược cho tới nay được coi là lãi suất cao nhất so với bất cứ công nghiệp nào của Mỹ!

Để bảo đảm bôi trơn guồng máy lợi nhuận, các đại gia dược phẩm còn phải chi tiền vận động hành lang cho các chính khách Mỹ. Riêng năm 2002, chi phí cho hoạt động hành lang này của giới sản xuất, kinh doanh dược phẩm chiếm tới 1,76 tỉ USD, hơn năm 2001 tới 160 triệu USD.

Ngân quĩ cho việc vận động hành lang đặc biệt cao ở các công ty và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe: 264 triệu USD. Chẳng hạn, Hiệp hội các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm chi cho mục tiêu này 8 triệu USD, Công ty Merck: 4,7 triệu USD, Eli Lilly & Co: 3,8 triệu USD, Glaxo: 2,5 triệu, Bristol-Meyers: 2,4 triệu, Johnson: 2,1 triệu, Pfizer: 1,7 triệu…

Thuốc tái nhập rẻ hơn thuốc nội!

Giải thích về giá thành thuốc cao ngất, các đại gia dược phẩm viện cớ là họ phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Dĩ nhiên họ không kể hết rằng tất cả các khoản chi khổng lồ cho vận động hành lang lẫn cho quảng cáo này cũng được tính vào... giá thuốc cho người tiêu dùng!

Trong thời buổi toàn cầu hóa này, không khó mấy cho dân Mỹ biết rằng ngay cạnh nước họ, giá những loại thuốc như thế rẻ hơn phân nửa. Từ đó xuất hiện một loại giao dịch bị cho là bất hợp pháp tại Mỹ: mua thuốc Mỹ đã xuất sang Canada để dùng mà giới kinh doanh gọi là thuốc tái nhập.

Tại Mỹ, bằng nhiều cách khác nhau (như qua thương mại điện tử) hiện có khoảng 1 triệu người mua thuốc tái nhập từ Canada về dùng, và hàng chục hiệu thuốc đã xuất hiện từ California tới Massachusetts chào mời giá thuốc “hữu nghị”.

Một phụ nữ Mỹ giải thích tại sao bà phải chọn giải pháp “thuốc tái nhập”: “Trong những năm cuối đời, mỗi tháng cha tôi phải chi 500 USD tiền thuốc theo toa bác sĩ. Mà đó là giá đã thương lượng, giúp ông chỉ phải trả 30 - 80% thấp hơn giá thuốc nội bởi ông mua thuốc từ Canada. Tất cả chúng ta đều khổ sở vì giá thuốc cao ngất như vậy. Tôi nhớ đã khóc mùi mẫn vì thất vọng ngay trong ôtô khi phải mua thuốc cho con bị nhiễm trùng tai. Cái giá của nó vượt quá quĩ tiền của một người mẹ đơn thân. Tôi còn có cảm tưởng công ty dược phẩm đã kiếm tiền nghiên cứu và phát triển hoàn toàn từ mẹ con tôi vậy - mà chúng tôi thì không còn khả năng”. (The State, 12-8-2003).

Kinh nghiệm quản lý giá thuốc của Canada

Theo các nhà quan sát, Canada, cũng như nhiều nước phát triển khác, kiểm soát giá thuốc kê toa bằng việc kiểm soát giá chung, kiểm soát lợi nhuận và bằng những qui định bồi hoàn trên việc bảo hiểm sức khỏe.

Canada bảo vệ người tiêu dùng thuốc bằng nhiều cách, trong đó có việc điều tiết giá thuốc từ trước khi cấp bằng sáng chế. Tiếp đó, để định lãi suất cho việc sản xuất thuốc, họ dùng các đánh giá lâm sàng để nhận dạng những loại thuốc có hiệu ứng tương tự, từ đó thương lượng giá thuốc với các công ty.

Còn tại Mỹ, thực tế việc “đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chỉ là cái cớ”. Những nhà bảo vệ người tiêu dùng cho biết chính quyền tiểu bang đã tài trợ cho các công ty dược phẩm qua chính sách tín dụng thuế, còn chính quyền liên bang thì tài trợ phí nghiên cứu. Trong khi đó, các đại gia dược phẩm dùng những khoản lời kếch sù của họ góp quĩ chính trị (trong mùa bầu cử trước lên tới 26 triệu USD), trả lương 600 nhà vận động hành lang đang bảo vệ quyền lợi của họ!

DUY VĂN (tổng hợp )
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên