16/10/2003 06:00 GMT+7

Việt Nam phải cần rất nhiều chuyên gia kinh tế

CẨM HÀ
CẨM HÀ

TT - “VN đang ở đâu trước ngưỡng cửa WTO?”, đó là vấn đề được Tuổi Trẻ đặt ra với chuyên gia kinh tế người Đức Uwe Schmidt bên lề hội thảo “Gia nhập WTO của VN: chuẩn bị cạnh tranh trong môi trường mới” diễn ra tại Hà Nội (từ 14 đến 17-10). Ông Schmidt tới VN từ năm 1994 để thực hiện luận án tiến sĩ về kinh tế VN, và hiện đang làm việc trong lĩnh vực khu vực tư nhân tại Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức.

suyFVagI.jpgPhóng to
TS Uwe Schmidt
TT - “VN đang ở đâu trước ngưỡng cửa WTO?”, đó là vấn đề được Tuổi Trẻ đặt ra với chuyên gia kinh tế người Đức Uwe Schmidt bên lề hội thảo “Gia nhập WTO của VN: chuẩn bị cạnh tranh trong môi trường mới” diễn ra tại Hà Nội (từ 14 đến 17-10). Ông Schmidt tới VN từ năm 1994 để thực hiện luận án tiến sĩ về kinh tế VN, và hiện đang làm việc trong lĩnh vực khu vực tư nhân tại Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức.

* Thưa tiến sĩ (TS), những phân tích và dự đoán của TS khi tới VN làm luận án TS vào năm 1994 có xảy ra đúng với thực tế mà TS đang chứng kiến tại VN?

- Phải khẳng định ngay rằng VN vào thời điểm gần 10 năm trước và VN hiện tại đã thay đổi rất nhiều và nhanh. Sự thay đổi rõ nhất đối với bất kỳ người nước ngoài nào là lượng xe máy và ôtô lưu thông trên đường phố cũng như số các khách sạn đã gấp lên nhiều lần. Từ đầu thập niên 1990 tôi đã sớm nhận ra những tiềm năng phát triển của VN. Dân số đông, lực lượng lao động cần cù và tài nguyên phong phú là những cơ sở vững chắc để tôi tin rằng VN sẽ nhanh chóng trở thành một “người chơi” đầy năng động trên sân chơi thế giới trong nhiều lĩnh vực. Tôi rất mừng vì dự đoán của mình không sai khi nhìn vào những con số tăng trưởng đầy ấn tượng của VN những năm gần đây.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói càng nghiên cứu về VN, tôi càng nhận ra vẫn còn nhiều khó khăn để VN bứt phá lên trong công cuộc phát triển. Các cuộc tranh luận giữa tư duy cải cách và tư duy kinh tế bao cấp hoặc các cuộc tranh luận về việc VN sẽ theo đuổi nền kinh tế thị trường như thế nào vẫn sẽ phải tiếp tục trong một vài năm tới. WTO sẽ là một thách thức lớn. Tiến trình gia nhập WTO là vô cùng phức tạp. Ngay cả ở châu Âu, chúng tôi không chỉ có một chuyên gia về WTO. Chúng tôi có vô số chuyên gia về thuế quan, về sở hữu trí tuệ, về trợ giá... Không ai dám khẳng định mình hiểu hết về WTO. Công việc chuẩn bị của VN cho WTO cũng như vậy, sẽ phải cần rất nhiều chuyên gia, cần vô số các cuộc đào tạo, huấn luyện.

* Theo ông, VN đang ở đâu trước ngưỡng cửa WTO?

- Tôi đã có thời gian làm việc tại Bộ Thương mại. Những đồng sự ở đó năng động và am hiểu những gì liên quan đến WTO. Nhưng như tôi đã nói, gia nhập WTO đâu chỉ là công việc của các nhà đàm phán, của các nhân viên Bộ Thương mại. Tất cả bộ ngành khác của VN cũng cần phải am hiểu rõ về WTO. Nói rộng ra, WTO sẽ phải ngấm đến cả ba cấp độ: quốc gia (lãnh đạo), bộ ngành và cá nhân (doanh nghiệp). Tôi nhận thấy còn thiếu sự đồng đều trong việc nhận thức về WTO giữa các bộ ngành của VN. Không dễ trả lời câu hỏi của bạn nhưng điều dễ nhận ra nhất là còn vô số việc phải làm...

* TS nghĩ sao về mốc năm 2005 mà VN đặt ra để gia nhập WTO?

- Rõ ràng tiến trình WTO không còn là một câu hỏi “có hay không” nữa mà là câu hỏi “bao giờ và thế nào”. Không thể đứng ngoài WTO nếu VN muốn trở thành một đối tác thương mại thật sự năng động trên toàn cầu. Từ khi VN nộp đơn xin gia nhập WTO tám năm trước, các tiến bộ đạt được là rất đáng kể.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn phải mất thêm thời gian. Bởi vì sau sự đổ vỡ của hội nghị ở Cancun vừa rồi, không ai có thể nói trước được vòng đàm phán Doha sẽ kết thúc đúng như dự định vào cuối năm 2004 hay không? Việc gia nhập WTO của VN sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả các cuộc đàm phán của vòng Doha. Một điều rõ ràng là mức độ tự do hóa sẽ ngày càng được nâng cao hơn qua các vòng đàm phán WTO. Như vậy, càng gia nhập WTO muộn thì cái giá phải trả sẽ càng cao hơn. Sẽ là rất tốt khi ta định ra một mốc cụ thể, tuy nhiên kèm theo đó là thực hiện như thế nào.

* Theo TS, đâu là lĩnh vực được cải thiện nhiều nhất và đâu là chậm nhất trong tổng thể các vấn đề mà VN cải cách để gia nhập WTO?

- Tôi xin lỗi vì đề cập đến lĩnh vực mà VN thực thi còn yếu trước. Đó là cải cách pháp luật. Việc hoàn thiện thể chế sẽ là một bước vô cùng quan trọng để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Công tác xây dựng luật, thực thi pháp luật, đào tạo về luật pháp cho cả công chức và công dân ở VN còn yếu. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tới tính minh bạch. Luật lệ phải được phổ biến công khai đến mọi người dân, thực hiện luật phải nhất quán, rõ ràng ở mọi nơi, mọi cấp. Thỉnh thoảng các nhà làm luật đưa ra chính sách cải tiến này, nhưng đến khi thực hiện nếu thấy bị kêu ca nhiều quá họ lại đưa luật trở về vị trí ban đầu và chọn cách tiếp cận khác. Như vậy là thụt lùi. Các nhà đầu tư nản lòng nhất là điều này, họ luôn bị lẫn lộn và chao đảo với các qui định thay đổi liên tục của VN.

Còn về lĩnh vực được thực thi tốt nhất có lẽ là thúc đẩy khu vực tư nhân. Những kết quả đạt được là không thể chối cãi, tuy nhiên đáng lẽ nó phải được thực hiện từ sớm hơn rất nhiều.

“Hiện giờ khoảng xấp xỉ một phần tư thu nhập của Chính phủ là từ các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Đây là một trong những tỉ lệ cao trên thế giới. Khi gia nhập WTO, các khoản thuế này sẽ phải cắt giảm rất nhiều. Như vậy, để gạt bỏ mối lo ngại về thâm hụt ngân sách, cần phải nhanh chóng hiện đại hóa các luật thuế của VN như thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế đất để cân bằng...”, Schmidt cho biết.

* Có ý kiến cho rằng sự phát triển kinh tế có thể đến từ cửa trước trong khi các vấn đề xã hội sẽ ùa vào cửa sau và nếu không tỉnh táo có thể dẫn đến khủng hoảng. TS nghĩ sao về trường hợp của VN?

- Tôi nghĩ rằng VN đang thực hiện một chính sách cải cách rất thận trọng.Tôi chia sẻ quan điểm với một nhà kinh tế học của VN khi ông ví von rằng tiến trình cải cách của VN như một người đến bệnh viện chữa bệnh và dừng lại kịp thời khi cảm thấy quá đau, và sau một thời gian nghỉ ngơi lại tiếp tục lên đường đi chữa trị. Sẽ là rất quan trọng cho VN sớm nhận thức các vấn đề xã hội song song với việc phát triển kinh tế. Cần chú trọng hơn tới hệ thống bảo hiểm, chính sách lương hưu, giáo dục, đầu tư cho nguồn nhân lực, thậm chí cả những chuyện như giáo dục cho mọi người hiểu “kinh tế thị trường” là gì. Phải rất thận trọng khi thực hiện một bước cải cách nào đó. Bởi vì rõ ràng khi đã chấp nhận thực hiện một bước đổi mới nào, rất khó để nói “ồ, chúng tôi chưa đủ sức cạnh tranh, mở cửa như thế là quá nhanh...”, và không thực hiện cam kết. Đặc biệt là khi đã trở thành thành viên WTO thì sẽ không thể xảy ra những chuyện như vậy.

Theo hiểu biết của tôi, các nhà lãnh đạo VN nhận thức rất rõ tình hình này và thường là tranh luận rất rộng rãi để đi đến quyết định. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì tiến trình ra quyết định mất khá nhiều thời gian thật sự không cần thiết.

* Xin cảm ơn TS.

CẨM HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên