10/10/2003 11:47 GMT+7

Ai quyết định đầu tư, người đó phải chịu trách nhiệm

          ĐÀ TRANG 
          ĐÀ TRANG 

TT (Hà Nội) - 11.000 tỉ đồng - con số nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản đã lên tới mức đáng báo động. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này sáng 8-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho biết: Phần lớn khoản nợ xây dựng cơ bản đều xuất phát từ các công trình chưa được phê duyệt hoặc chưa có kế hoạch.

lwcmLCkm.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên
TT (Hà Nội) - 11.000 tỉ đồng - con số nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản đã lên tới mức đáng báo động. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này sáng 8-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho biết: Phần lớn khoản nợ xây dựng cơ bản đều xuất phát từ các công trình chưa được phê duyệt hoặc chưa có kế hoạch.

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế và ngân sách với đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội vừa rồi, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thừa nhận: kể cả những công trình nằm trong kế hoạch cũng đang chiếm tới khoảng 1/3 khối lượng nợ đọng hiện nay. 1/3 này được coi là nợ hợp lý, hợp pháp.

* 2/3 không hợp lý, không hợp pháp còn lại sẽ xử lý thế nào và trách nhiệm của tình trạng này thuộc về ai, thưa ông?

- Thẳng thừng ra thì không thanh toán. Cấp nào, người nào quyết định đầu tư, cấp đó, người đó phải chịu trách nhiệm. Về mặt kỷ cương hành chính không thể chấp nhận việc đầu tư ngoài kế hoạch. Đã không chấp nhận thì tổn thất phải được xử lý, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân ở tất cả các khâu, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư trở đi.

Thôi thì bây giờ rà lại xem đâu là công trình thật sự bức thiết, hiệu quả, có thể chấp nhận được thì tìm nguồn để thanh toán. Nguồn này lấy ở đâu phải phân vai rõ. Cái nào giải quyết trước, cái nào sau, bao giờ thanh toán hết cũng đều phải rành rọt. Còn từ năm 2004 trở đi sẽ qui rất rõ trách nhiệm và dứt khoát không thanh toán nợ cho các dự án ngoài kế hoạch, vượt dự toán...

"Về mặt kỷ cương hành chính không thể chấp nhận việc đầu tư ngoài kế hoạch. Đã không chấp nhận thì tổn thất phải được xử lý, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân ở tất cả các khâu, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư trở đi."

* Thưa ông, việc yêu cầu các ngành, địa phương phải tự lo các khoản nợ bằng cách lấy từ ngân sách của chính mình để giải quyết liệu có khả thi?

- Nếu kỷ luật hành chính được thực hiện nghiêm, bắt buộc các ngành, địa phương đó phải trích ra một phần trong số vốn được cân đối để trả nợ đọng. Đó là một chuyện. Thứ hai, phải nỗ lực vượt thu ngân sách. Thứ ba, có thể huy động từ các nguồn khác như trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị. Thứ tư, có thể kêu gọi vốn đóng góp của nhân dân đối với những công trình thiết thực với đời sống dân sinh.

* Ông dự báo đến bao giờ chúng ta mới thanh toán xong khối lượng nợ đọng này?

- Chắc còn dài dài. Chưa thống kê đầy đủ đã hơn 11.000 tỉ rồi, trong khi vốn ngân sách hằng năm chỉ chủ yếu cân đối cho những công trình đã được khẳng định trong kế hoạch. Còn để giải quyết cái sự đã rồi, với một khối lượng lớn như vậy hoàn toàn không dễ dàng, chắc chắn sẽ phải mất nhiều năm.

* Hiện nay hội chứng đầu tư theo kiểu “phong trào” đang có dấu hiệu trở lại. Thưa ông, dấu hiệu cụ thể đó như thế nào?

- Trước đây chúng ta đã biết những câu chuyện về mía đường, ximăng lò đứng, trồng và chế biến một số cây công nghiệp... Thật ra cũng có cái thành công nhưng do “phong trào” tỉnh nào cũng làm mà không tính toán căn cơ đã dẫn đến tổn thất, lãng phí.

Bây giờ đến lượt thép xây dựng, cảng sông, cảng biển, khu du lịch, nuôi tôm trên cát, sản xuất giấy và bột giấy, nuôi trồng và chế biến thủy sản... đang bộc lộ những biểu hiện cũ. Hôm vừa rồi Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Minh đã cảnh báo: không cẩn thận ngay cả con tôm cũng sẽ rất khó khăn chứ không phải chỉ riêng cá ba sa.

* Lẽ nào chúng ta không thể ngăn chặn, chấn chỉnh được những dấu hiệu này?

- Trước hết cần thấy trách nhiệm của các nhà qui hoạch, các nhà hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn, phải thẩm định từng dự án cụ thể, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng phải xem xét thật kỹ mức độ hiệu quả đến đâu. Và hiệu quả ấy phải gắn liền giữa nuôi, trồng- chế biến và thị trường, không thể sản xuất cái mà thị trường không cần hoặc cái mà thị trường cần ít thì mình lại làm nhiều. Cho nên đòi hỏi những người nắm trọng trách vừa phải có tầm, vừa phải có trách nhiệm.

* Thật ra đây là những câu chuyện đã nói đi nói lại suốt nhiều năm nay rồi, tại sao đến giờ vẫn chưa biến chuyển, thưa ông?

- QH thì nói nhiều nhưng sửa đến đâu, sửa thế nào thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành pháp. Chỉ ra những tồn tại, yếu kém gây lãng phí thất thoát như thế, bây giờ QH cần kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý cả về mặt hành chính lẫn kinh tế, thậm chí cả hình sự. Trong trường hợp các cơ quan chấp hành không thực hiện thì có lẽ phải áp dụng biện pháp cuối: xem xét vấn đề nhân sự chứ không thể cứ phê bình chung chung, phê bình một hai lần rồi mà tình hình vẫn tồn tại.

          ĐÀ TRANG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên