04/10/2018 13:48 GMT+7

Tổn thương tủy sống vì bóng cười

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Một nam sinh viên (sinh năm 1997) nhập viện Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từ bốn ngày nay do tê bì chân tay, khó đi lại, tổn thương tủy sống vùng cổ và ngực...

Tổn thương tủy sống vì bóng cười - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) chỉ vết tổn thương ở cột sống của bệnh nhân ngộ độc bóng cười - Ảnh: L.ANH

Qua tìm hiểu, các bác sĩ được biết nam thanh niên này đã dùng bóng cười từ hai năm nay và dùng nhiều hơn từ 6 tháng nay.

Đừng tưởng không nghiện

Nhiều bạn trẻ đua nhau hít bóng cười vì tưởng rằng không nghiện. 

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Hà Nội), gần như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc bóng cười vào viện, với cùng các biểu hiện tổn thương về thần kinh, tủy sống, mất cảm giác, ảnh hưởng đến vận động...

Nam sinh viên bị tổn thương tủy sống, tê chân tay vì bóng cười cho biết: "Chúng tôi mua cả bình khí N2O giá 1,1 triệu đồng về bơm bóng để cùng nhau dùng, có những lần mỗi người trong nhóm dùng 20 quả bóng cười/ngày".

Nam sinh viên kể trên là một trong hai bệnh nhân ngộ độc bóng cười đang điều trị tại Trung tâm Chống độc.

"N2O có trong bóng cười là loại khí dùng trong cả y tế, công nghiệp, gia dụng. Trong y tế N2O được sử dụng trong các phòng răng và một số dịch vụ, hãn hữu trong cuộc đời mỗi người mới dùng đến vài lần, chúng tôi kiến nghị không cho sử dụng N2O ở người nếu không có chỉ định về y tế.

Nhưng hiện nay vì không có quy định cấm nên rất nhiều thanh niên thử dùng, rồi dùng nhiều lần dẫn đến ngộ độc, có trường hợp mới dùng trong một tháng đã ngộ độc phải vào viện" - bác sĩ Nguyên cho biết.

Bác sĩ Nguyên cũng cho hay qua khảo sát, rất ít bệnh viện ở khu vực Hà Nội sử dụng N2O, do có nhiều sản phẩm có tác dụng tương tự. N2O có trên thị trường có thể là loại dùng cho công nghiệp, không tinh khiết bằng, chưa kể rất hại cho người.

Cơ chế của nó là chiếm chỗ của oxy trong cơ thể, gây thiếu oxy não, oxy máu, nếu dùng nhanh, ít thì tác hại có thể thoáng qua, nhưng dùng nhiều thì rất nguy hiểm.

Nhiều loại ma túy mới xuất hiện gây khó khăn trong công tác xét nghiệm. Hiện chúng tôi đang gặp khó khăn khi xét nghiệm một loại ma túy dưới dạng thực vật dạng sợi. Chúng tôi cũng đã gặp các ca ngộ độc nấm thức thần, loại nấm ma túy trông rất giống nấm ăn thông thường

BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Nhiều ma túy mới xuất hiện

Ma túy đá và thuốc lắc là hai loại ma túy thế hệ mới gây nhiều ca ngộ độc, hoang tưởng, tổn thương tim mạch, gây tiêu cơ vân... ở người dùng khi đến điều trị tại Trung tâm Chống độc.

Người dùng ma túy có cơ chế "bước đệm", ban đầu họ dùng các sản phẩm chưa bị cấm như bóng cười, shisa, dần dần họ chuyển sang các loại ma túy như cần sa, cỏ Mỹ, thuốc lắc hay ma túy đá. "Không nên thử bất kỳ chất gây nghiện nào vì đó là cơ chế bước đệm" - bác sĩ Nguyên nói.

Tuy nhiên, điều khó khăn với các bác sĩ là các loại ma túy kiểu mới xuất hiện liên tục và hiện đang có hàng loạt chất mới, gây khó khăn cho bác sĩ khi thực hiện xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân.

Khi trao đổi với phóng viên, nam sinh viên kể trên cho hay ban đầu bạn bè rủ dùng cho vui, dần dần sinh viên này thấy có nhu cầu dùng. Hiện có nhiều loại ma túy được đóng gói dưới dạng lạ, như loại dung dịch hay được gọi là "nước biển", các loại nấm, cỏ, tem, xirô...

Trước đây vì e ngại nghiện nên nhiều thanh niên còn tránh ma túy, giờ đây do nhiều dạng ma túy lạ, khi được rủ dùng có khi họ không biết đó là ma túy, nhưng kết quả lại là những tổn thương kéo dài và có khi là cả tính mạng.

Bảy bạn trẻ vừa tử vong sau khi dùng ma túy tổng hợp ở lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội tháng 9 vừa qua là một điển hình.

Theo BS Nguyên, hiện ngộ độc khí N2O có trong bóng cười là nhóm bệnh nhân đông nhất trong số người ngộ độc ma túy các loại phải vào trung tâm.

Phần lớn người ngộ độc dưới 30 tuổi, có biểu hiện chung là sau khi dùng bóng cười một thời gian thì tê bì chân tay, mất cảm giác, tổn thương đốt sống cổ và ngực, dần dần nếu không điều trị thì người bệnh có thể không đi lại được.

Mê hít "bóng cười" gây tổn thương thần kinh và tim mạch Mê hít 'bóng cười' gây tổn thương thần kinh và tim mạch

TTO - Bệnh nhân là nam giới 26 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội, vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hôm 1-4 và hiện đang được điều trị chứng ngộ độc NO2 do hít "bóng cười" trong thời gian dài.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên