26/10/2023 11:57 GMT+7

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson là ai?

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump, mang quan điểm bảo thủ với nhiều vấn đề xã hội và được nhận định là có kinh nghiệm lãnh đạo hạn chế.

Nghị sĩ Mike Johnson nhậm chức chủ tịch Hạ viện ngày 25-10 - Ảnh: REUTERS

Nghị sĩ Mike Johnson nhậm chức chủ tịch Hạ viện ngày 25-10 - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times, ngày 25-10 (giờ Mỹ), nghị sĩ Mike Johnson (bang Louisiana) đắc cử chủ tịch Hạ viện, kết thúc 3 tuần tê liệt của cơ quan này vì không có người đứng đầu.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ ít kinh nghiệm bậc nhất lịch sử

Ông Johnson lần đầu được bầu vào Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, khi mới chỉ 44 tuổi. Trước đó, ông hành nghề luật sư và là người phát ngôn cho Tổ chức Bảo vệ liên minh (Alliance Defense Group) - nhóm vận động pháp lý có quan điểm phản đối quyền phá thai và cộng đồng LGBTQ.

Với chỉ 7 năm công tác ở Hạ viện, ông Johnson là chủ tịch Hạ viện có thâm niên nghị sĩ ngắn nhất tại thời điểm đắc cử trong 150 năm qua.

Trong suốt quá trình trên, nghị sĩ bang Louisiana chưa từng đứng đầu một ủy ban Hạ viện lớn hay đóng vai trò quan trọng trong tầng lớp lãnh đạo cơ quan này.

Tất cả kinh nghiệm lãnh đạo của ông Johnson gói gọn trong vị trí chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa, một nhóm tập hợp cánh hữu của phe Cộng hòa trong Hạ viện (giai đoạn 2019 - 2021) và phó chủ tịch phe Cộng hòa tại cơ quan này (giai đoạn 2021 - 2023).

Do đó, tân chủ tịch Hạ viện bị một bộ phận đông đảo giới quan sát nghi ngờ về năng lực lãnh đạo.

Đồng minh trung thành của ông Trump

Dân biểu Mike Johnson (giữa) được Đảng Cộng hòa bầu làm ứng viên chủ tịch Hạ viện cuối ngày 24-10- Ảnh: REUTERS

Dân biểu Mike Johnson (giữa) được Đảng Cộng hòa bầu làm ứng viên chủ tịch Hạ viện cuối ngày 24-10- Ảnh: REUTERS

Dù không nhiều danh tiếng, ông Johnson vẫn là một trong những đồng minh quan trọng của cựu tổng thống Donald Trump.

Theo báo Politico, hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhờ chuyên môn luật sư chuyên về hiến pháp, ông Johnson đã đứng sau các lập luận trong Đảng Cộng hòa nhằm ngăn ông Joe Biden nhậm chức tổng thống.

Kể cả khi ông Trump đối diện một loạt rủi ro pháp lý, ông Johnson vẫn tiếp tục kiên định trong việc đưa ra một thông điệp duy nhất: Mọi việc vẫn chưa kết thúc.

Đến nay, tân chủ tịch Hạ viện còn cùng vợ sản xuất một chương trình phát thanh kỹ thuật số (podcast) chỉ trích những động thái truy tố ông Trump.

Dù đã tuyên bố không ủng hộ ai trong cuộc đua giành ghế chủ tịch Hạ viện, ngày 25-10, cựu tổng thống Donald Trump lại đăng dòng trạng thái ủng hộ ông Johnson trên mạng xã hội Truth.

"Tôi mạnh mẽ đề nghị mọi người ủng hộ ứng viên dẫn đầu hiện tại, ông Mike Johnson. Hãy kết thúc việc này nhanh chóng!", ông Trump viết.

Tín đồ Thiên Chúa giáo sùng tín, mang quan điểm xã hội bảo thủ

Báo New York Times khẳng định sự nghiệp chính trị của ông Johnson được định hình bằng đức tin tôn giáo.

Chính tân chủ tịch Hạ viện cũng ngầm thừa nhận điều này trong bài phát biểu nhậm chức của mình: "Tôi không tin có sự trùng hợp ở đây. Tôi tin Chúa đã chỉ định và cho phép từng người trong chúng ta có mặt ở đây cho thời khắc này. Đó là đức tin của tôi".

Ông Johnson được biết đến với quan điểm bảo thủ cứng rắn với nhiều vấn đề xã hội, song có cách thể hiện tương đối mềm mỏng.

Trong những năm gần đây, ông đã đề xuất hoặc ủng hộ nhiều dự luật liên quan đến việc giới hạn hoặc cấm quyền phá thai của phụ nữ ở cấp liên bang.

Năm 2022, khi Tòa tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết trong vụ kiện Roe và Wade, ông Johnson liền tổ chức ăn mừng. 

Từ khi được đưa ra hồi năm 1973, phán quyết trên là cơ sở pháp lý công nhận quyền phá thai của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn liên bang.

Bên cạnh đó, ông còn phản đối việc công nhận hôn nhân đồng tính trên toàn liên bang, dù đạo luật này được thông qua với sự đồng thuận cao từ cả hai đảng, ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Phản đối tăng cường viện trợ cho Ukraine

Về đối ngoại, nghị sĩ bang Louisiana Mike Johnson đã nhiều lần phản đối việc tăng cường viện trợ cho Ukraine. Ông cho rằng các khoản tiền này đang không được giám sát đầy đủ và chính phủ cần phân bổ chúng cho các vấn đề ưu tiên trong nước.

Điều này có thể khiến Kiev lo lắng, nhất là khi Tổng thống Biden đang thúc đẩy việc thông qua gói ngân sách an ninh trị giá 106 tỉ USD, trong đó có hơn 60 tỉ USD viện trợ cho Ukraine.

Phe Cộng hòa vẫn bế tắc về chọn ứng viên cho ghế chủ tịch Hạ việnPhe Cộng hòa vẫn bế tắc về chọn ứng viên cho ghế chủ tịch Hạ viện

Nỗ lực tìm kiếm chủ tịch mới cho Hạ viện Mỹ tiếp tục thất bại khi Đảng Cộng hòa không tìm được tiếng nói chung trong cuộc thảo luận kín ngày 23-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên