26/06/2004 11:37 GMT+7

Vùng vịnh tập 3?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCN - Vụ chạm trán đầu tiên giữa Anh và Iran bắt đầu từ sáng thứ hai 21-6 đã diễn biến một cách “co giựt”, phản ánh một sự “nắn gân” nhau giữa Iran và Anh.

6RjPg2OF.jpgPhóng to
TTCN - Vụ chạm trán đầu tiên giữa Anh và Iran bắt đầu từ sáng thứ hai 21-6 đã diễn biến một cách “co giựt”, phản ánh một sự “nắn gân” nhau giữa Iran và Anh.

Nó diễn ra đúng vào lúc Iran đang mâu thuẫn với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) và bị cơ quan này phê phán là thiếu hợp tác, Iraq đang bước qua một giai đoạn mới với một chính phủ lâm thời do Mỹ dựng nên, cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ (bán phần) và giá xăng dầu thế giới đang lên cao hơn bao giờ hết từ 30 năm qua. Trong bối cảnh ấy vụ “cọ xát” này có ý nghĩa gì?

Phía Anh cho rằng đây là một chuyến đi rất bình thường trong một thủy phận không thân thiện”. Tờ Daily Telegraph 23-6-2004 của Anh dựng lại nội vụ như sau:

Một chuyến đi “như thường lệ”?

“Cho dù 5 giờ sáng hôm đó họ có khởi hành chuyến đi chỉ nhằm mục đích giao cho lực lượng giang thuyền mới thành lập của Iraq hai tiểu đĩnh, thì tám thủy thủ hải quân hoàng gia Anh vẫn đã được cảnh báo rằng họ sẽ di chuyển qua một vùng sông nước đầy bất trắc. Chẳng ai trong họ lại có thể ngờ rằng cuộc thủy trình sẽ kết thúc trong vòng vây của lực lượng Iran và sau đó bị bịt mắt diễu trên truyền hình như là những con rối trong một ván cờ ngoại giao giữa Teheran và London.

1g40AUGb.jpgPhóng to
Tám lính Anh bị Iran bắt giữ
Họ dự định đi đến một điểm hẹn cách Umm Qasr 60 dặm về phía tây bắc, nửa đường đến cảng Basra. Hải quân hoàng gia Anh đã di chuyển trên thủy lộ đầy tranh chấp giữa Iran và Iraq này có đến mấy trăm lượt kể từ khi lực lượng Anh kiểm soát miền nam Iraq.

Dự báo thời tiết sáng hôm đó báo trước sẽ có gió to, sóng lớn, tầm nhìn bị hạn chế, song với các ống nhòm xuyên đêm tối cùng các thiết bị dẫn đường bằng vệ tinh, thì ai cũng dự kiến một ngày không có sự cố gì. Họ khởi hành ngược dòng sông trên hai tiểu đĩnh và một hộ tống hạm hai động cơ, mỗi người trang bị súng liên thanh SA-80 và súng ngắn 9mm. Thế nhưng, thủy thủ đoàn đã được dặn dò đừng kháng cự nếu như chỉ bị lực lượng Iran đe dọa bắt sống, và chỉ được nổ súng khi lâm vào tình thế đe dọa đến tính mạng.

GfulmWje.jpgPhóng to
Dòng sông Shatt này, nơi giao lưu giữa hai con sông Tigris và Euphrates, ở đoạn rộng nhất, chỉ rộng có 1 dặm, nằm vắt qua Iran và Iraq. Thỏa hiệp Algiers 1975 đã ấn định một đường ranh vô hình ở giữa sông. Sự tranh giành dòng sông này, do phía Iran không tuân thủ thỏa hiệp, đã dẫn đến cuộc chiến tranh Iran - Iraq năm 1980. Gần đây, có tin tình báo ghi nhận đã có những trường hợp nổ súng vào các tiểu đĩnh của lực lượng tuần giang Iraq mới thành lập.

Chuyến công tác bắt đầu xui xẻo khi một tiểu đĩnh Iraq dự định tháp tùng đoàn tàu vào lúc 9 giờ sáng bỗng bị hỏng máy phải quay đầu trở lại không đến điểm hẹn. Cùng lúc đó, liên lạc truyền tin giữa ba chiếc tiểu đĩnh bị gián đoạn. Đây là một sự cố bất bình thường cho dù thời tiết có xấu chăng nữa.

Đến khoảng trưa, tức bảy giờ sau khi tám lính Anh xuống tàu từ Umm Qasr, các sĩ quan Anh nghe loáng thoáng trên truyền hình rằng có những con tin bị Iran cầm giữ, song không có chi tiết nào cho biết các con tin này là ai. Đến tối mới có tin tình báo đầy đủ cho biết có khả năng đoàn tàu đã đi lạc sang thủy phận Iran. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trên dòng sông rộng 1 dặm hơn này, chỉ cần một cơn gió lớn và một chút sơ sẩy của người cầm lái”.

Những nghi vấn đặt ra

Diễn tiến vụ bắt giữ

Cho đến quá trưa thứ tư 23-6-2004, Chính phủ Anh vẫn còn “nín thở” theo dõi vụ tám thủy thủ và ba tiểu đĩnh tuần giang của hải quân hoàng gia Anh bị hải quân Iran bắt sống trên dòng sông Shatt-al Arab nằm giữa Iran và Iraq.

Đến hơn 1 giờ trưa (giờ GMT), một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran đã làm mọi người thở ra với tuyên bố: “Iran đã thả tám lính Anh, gồm sáu binh sĩ và hai sĩ quan”. Sau đó nửa giờ lại có tuyên bố phủ định. Đến gần nửa đêm lại có tin từ Bộ Ngoại giao rằng “Giờ này đã khuya rồi, chỗ đó lại vắng nên sáng mai mới thả họ ra”.

Cách dựng lại sự kiện của tờ Daily Telegraph cho thấy phía Anh, khi cung cấp các dữ kiện trên cho báo chí, đã muốn đưa ra một cách giải thích rằng đây là một chuyến thủy trình như thường lệ, chẳng có gì là gây hấn, số thiết bị dẫn đường vệ tinh trên chẳng qua chỉ là trang bị bình thường của một lực lượng hải quân hiện đại, hỏa lực cho dù khá mạnh trên thật ra sẽ chẳng bao giờ được sử dụng trừ phi các chủ nhân của chúng bị bắn rát mặt... Nội dung đưa tin “hiền hòa” như thế nhằm cho thấy thái độ dè dặt của Chính phủ Anh.

Thế nhưng, phía Iran, qua nhật báo Iranews, lại thận trọng trong chiều hướng khác: các vũ khí và thiết bị hiện đại, thẻ lực lượng đặc biệt của hải quân Anh nơi mỗi người có nghĩa là gì? Một âm mưu đột nhập phá hoại, ám toán nào đó? Phía Iran loan báo sẽ thả tám lính Anh này ra nếu như xác minh đúng rằng họ đã bị lạc đường chứ không xâm nhập Iran vì mục đích nào khác. Phía Iran đã khởi đầu chiến tranh cân não bằng cách đưa hai thủy thủ bị bịt mắt lên tivi khai nhận đã “sai lầm nghiêm trọng”.

Hình ảnh này đúng vào thời điểm mà các con tin Mỹ rồi Hàn Quốc cũng bị đưa lên tivi, sau đó bị chặt đầu... không thể không khiến dư luận Anh lo âu. Sau đó mới đưa bốn người không bị bịt mặt lên tivi xin lỗi.

Phía Anh phản ứng cho rằng làm như thế là vi phạm công ước về tù binh. Tối thứ tư 23-6, sau khi vụ “trả tự do” không diễn ra, báo chí điện tử của Anh thất thần chạy tít: “Lại một đêm bị giam cầm nữa cho các thủy thủ!”.

Tất nhiên, không thể nghĩ rằng các lính Anh cũng sẽ bị chặt đầu như các con tin Mỹ, Hàn nọ do lẽ ở đây là một chính phủ có chủ quyền lãnh thổ với đầy đủ định chế chính trị và pháp luật, ở kia là những tổ chức “phi chính phủ” trong bóng tối. Vẫn biết thế, nhưng lại tạo được “hiệu quả đặc biệt” tình trạng căng thẳng đã diễn ra cả nơi chính phủ lẫn dư luận Anh. Hãy đợi đã: để xem tám lính Anh đó đã làm gì, vì mục đích gì!

Thực hư như thế nào có lẽ ngay cả các lính Anh trên cũng chưa chắc đã rõ. Nhiều nghi vấn đang được đặt ra. Trước hết là tại sao lại có chuyện chiếc tiểu đĩnh Iraq quay đầu trở lại không cùng đi với đoàn tiểu đĩnh Anh? Kế đến, tại sao liên lạc vô tuyến giữa các tàu bị cắt đứt? Làm thế nào mà cả ba máy truyền tin trên ba tiểu đĩnh cùng hỏng hóc vào cùng thời điểm, nhất là sau cuộc hẹn bất thành với tiểu đĩnh Iraq?

Ai là người đã định giờ cho việc chiếc tiểu đĩnh Iraq quay đầu trở lại, cho sự hỏng hóc của các máy truyền tin? Sự hỏng hóc này đã được thực hiện bằng cách nào? Liệu có thể lập chương trình “bấm giờ tắt máy” cho cùng một lúc ba máy truyền tin của ba tàu dễ như bấm “remote control” của ba cái máy thu hình? Ai là người đã muốn họ rơi vào tình huống “giơ tay chịu bị bắt” đó?

Liệu đây là một sự câu kết giữa Iran và một số phần tử “hai mang” trong lực lượng Iraq, mới được liên quân Mỹ - Anh thành lập, nhằm tạo nên một sự cố giúp Iran “nắn gân” Anh, nước đang đứng đầu cuộc “thánh chiến” buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân? Nếu thế, điệp viên Iran và “hai mang” Iraq phải xuất quỉ nhập thần để có thể “định giờ tắt máy” được cả ba tàu, trừ phi phía Iran có thiết bị phá sóng cực mạnh có thể làm “câm tịt” các máy truyền tin tối thiểu cũng phải cỡ PRC - 25.

Nếu có một phe khác muốn tạo ra một sự cố giữa Anh và Iran để đóng vai “ngư ông hưởng lợi” thì sao? Hay là chính phe Anh - Mỹ muốn tạo ra sự kiện này đê qua đó thăm dò Iran? Hay là một phe Mỹ (hay Anh) nào đó bày ra trò này để làm đậm những so sánh giữa một Iran “có tiềm năng hạt nhân, bất hợp tác với IAEA mà lại yên ổn với Mỹ - Anh” trong khi Iraq được các thanh sát viên xác nhận “chẳng có gì cả” lại bị đánh cho đến mất nước? Phe này ắt hẳn muốn dựng nên một xìcăngđan để khiến các chủ nhân Nhà Trắng hoặc số 10 Downing Street phải bẽ mặt chỉ năm tháng trước bầu cử?

Thật vậy, có phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi mà chỉ hai ngày sau vụ tám lính Anh bị bắt trong thủy phận Iran, một hồ sơ mật của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ được một đại học Mỹ công bố nhân danh quyền “tự do thông tin”! Theo hồ sơ này, năm 1953 Mỹ và Anh đã cùng phối hợp thực hiện cuộc thay đổi chế độ ở Iran. Các tác giả còn chua thêm ít chữ: “Vụ này ngày nay vẫn còn là một bài học”. Phe nào đứng sau vụ công bố hồ sơ này?

Tình hình rối rắm

Chưa bao giờ tình hình lại rối rắm cho chính phủ Bush (và Blair) như vào lúc này. Chính vào lúc mà chính quyền Bush muốn thế giới yên ổn để Mỹ đừng phải sa lầy thêm vào một cuộc chiến tranh trừng phạt nào mới để ông Bush yên thân lo tranh cử thì ông Mohamed ElBaradei, tổng giám đốc IAEA, lại cứ truy kích Iran cho tới cùng. Tuần trước một nghị quyết của IAEA do Anh, Đức, Pháp bảo trợ đã lên tiếng trách “Iran đã không hợp tác đầy đủ, đúng lúc và tích cực đúng mong muốn”.

Trước những chứng cứ khá “lùm xùm” của IAEA mà có lẽ còn “nặng tội” gấp bội so với Iraq, lẽ ra Iran đã “ốm đòn” chứ đâu lại được ông Bush lờ đi, được Ngoại trưởng Powell ve vuốt: “Chúng tôi hi vọng trong những tuần hoặc tháng tới, Iran sẽ thỏa mãn mọi điều mà cộng đồng quốc tế đang mong mỏi”.

Vì sao Mỹ lại có vẻ “nhũn” như thế? Có lẽ lúc này tuy trong bụng muốn lắm, nhưng Mỹ không muốn húc đầu vào “ổ ong” Hồi giáo xuất thế Iran. 20 năm trước, vào đầu của giáo triều Khomeiny, cuộc cách mạng này mới bắt đầu thì 20 năm sau nó đã lan rộng. Bằng cớ là cái gọi là “tổ chức al-Qaeda”, dịch nghĩa là “mạng lưới” phi biên giới, phi dân tộc, phi thời gian, chỉ cần một tín hiệu tôn giáo sẽ có những tín đồ ở đây, ở kia sẵn sàng tử vì đạo.

Tình hình càng rối rắm khi mà giá dầu tăng hơn bao giờ hết. Kiểm soát được nguồn nhiên liệu cung cấp để đảm bảo an ninh năng lượng là nỗi lo âu hàng đầu của mọi chính phủ hiện nay.

Trong khi Mỹ đang lo canh cánh trước một mùa hè “nóng bỏng” đòi hỏi nhiều xăng dầu, cho dù đang nắm các mỏ dầu Iraq trong tay, thì Pháp và Nhật lại đang làm ăn rôm rả tại Iran. Đúng một năm trước, Pháp phá tan một đường dây phản loạn lưu vong người Iran tại Pháp, sau đó Pháp ký các hợp đồng bạc tỉ với Iran. Các hãng xe hơi Peugeot và Citroen đang ào ào đổ bộ vào Iran, thậm chí sản xuất cả xe Peugeot 206 thể thao cho “dân sành điệu”. Alcatel vừa ký hợp đồng cung cấp mạng Internet ADSL và hệ thông liên lạc với các giàn khoan. Hãng hàng không Air France vừa mở lại đường bay thẳng Paris - Teheran vào tuần trước sau bảy năm gián đoạn. Tuần trước Nhật cũng vừa ký hợp đồng mở rộng một nhà máy lọc dầu của Iran giúp Nhật đảm bảo luôn nguồn xăng (đã lọc) từ Iran với giá ưu đãi (do Nhật tham gia góp vốn).

Trong bối cảnh làm ăn đó, giải thích như thế nào việc Pháp đã cùng Anh, Đức và IAEA ra nghị quyết yêu cầu Iran minh bạch các chương trình hạt nhân của mình? Phải chăng để cho thấy rằng vẫn có thể ôn hòa đàm phán trong khuôn khổ luật pháp quốc tế chứ không nhất thiết phải vội vàng gây chiến như đã từng thấy ở trường hợp Iraq?

Lý lẽ thông thường không cho phép nghĩ đến một cuộc động binh mới ở vùng Vịnh vào lúc này. Thế nhưng, cũng không loại trừ rằng Mỹ - Anh cũng chẳng dại gì, trái lại đang tính toán chuẩn bị sẵn một cái cớ để vào giờ chót la lối “nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Iran nhằm tác động đến lá phiếu tháng mười một tới ở Mỹ? Từ 11-9-2001, dư luận Mỹ đã được nuôi dưỡng bằng tâm lý hoảng sợ, nay có thêm một nguy cơ có địa chỉ nữa thì càng tốt để “hâm nóng” dư luận đó hầu gom phiếu về những ai đang ra sức hô hào “bảo vệ dân chúng”.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên