26/06/2004 11:39 GMT+7

Hành nghề kiến trúc... và luật xây dựng

KTS. NGUYỄN NGỌC DŨNG
KTS. NGUYỄN NGỌC DŨNG

TTCN - Quản lý đầu tư xây dựng phải được đặt lại vấn đề từ gốc, xác định chủ thể, trách nhiệm, loại bỏ cấp trung gian, tạo ra hành lang thông thoáng, dễ vận hành, Nhà nước giám sát theo luật.

Luật xây dựng với các nghị định sau luật về “quản lý dự án đầu tư xây dựng”, “quản lý qui hoạch xây dựng”, “quản lý chất lượng công trình xây dựng” đã liên quan đến nghề kiến trúc sư sáng tạo với hàng loạt yêu cầu về “chứng chỉ năng lực”, “Chứng chỉ hành nghề”, phân bậc, hạng những người hành nghề, phân biệt chủ nhiệm đồ án, chủ trì, thiết kế với nhiều tầng rối rắm. Phải “xin cho”, phải nhũng nhiễu.

Rồi bản vẽ phải chia ra thiết kế một bước, hai, ba bước... thẩm định lại nhiều cấp với hàng loạt con dấu phê duyệt từng cấp khác nhau. Chưa kể bản vẽ phải “xin phép xây dựng”, rồi “xin thỏa thuận” với hàng loạt ban ngành liên quan như phòng cháy chữa cháy, môi trường, điện lực, cấp thoát nước, rồi ngân hàng, kho bạc cấp phát vốn...

Một bản vẽ từ lúc có chủ trương đến khi đi vào sử dụng thực tế phải chạy mấy ngàn cây số, hàng chục con dấu với hàng trăm văn bản ý kiến, hàng trăm quan chức lớn nhỏ đặt bút phê duyệt, chỉnh sửa. Và thực tế là rất nhiều công trình được xây dựng mà tác giả của nó phải quay mặt, nếu có sự cố xảy ra thì chỉ có người thiết kế, thi công lãnh đủ, còn mọi quan chức “có ý kiến”, “thỏa thuận” đều bình chân!...

Xin đề xuất một qui trình đầu tư xây dựng cơ bản và đặt lại vấn đề: ai là người chủ đầu tư (khách hàng), ai là người tham mưu (lập dự án, các viện nghiên cứu), ai là người thi công và ai là người thụ hưởng (sử dụng)? Toàn bộ cấp trung gian, phê duyệt, thẩm định, lược bỏ. Các ý kiến, thỏa thuận mà không bị chế tài cũng bị lược bỏ, qui trách nhiệm cụ thể cho những thành phần tham gia dự án.

Chủ đầu tư:

Nếu là tư nhân, họ sẽ hoàn toàn chịu tránh nhiệm về vốn và hiệu quả kinh tế, họ toàn quyền lựa chọn nhà khảo sát, nhà tư vấn, nhà thiết kế, nhà thầu.

Nhưng nếu anh là đại diện vốn ngân sách, vốn của nhân dân, anh phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong quá trình đầu tư, về hiệu quả sử dụng cũng như về kỹ- mỹ thuật. Chủ đầu tư phải là UBND các cấp, đại diện người dân đầu tư tất cả các công trình từ phúc lợi công cộng đến công nghiệp, nhà máy, bến cảng. Không thể phân cấp, né trách nhiệm! Phải đắn đo suy nghĩ đầu tư xây dựng công trình nào trước, công trình nào sau, thông qua các sở ban ngành trợ giúp và các viện nghiên cứu chuyên ngành tham mưu.

Hàng ngàn ban quản lý công trình lập ra với nhân sự chuyên môn hạn hẹp thật ra là việc làm chữa cháy cho các công trình xây dựng thời bao cấp, khi giữa chủ đầu tư, nhà thầu đều hưởng lương nhà nước và đều cùng một ngành hay bộ chủ quản. Với kinh tế thị trường, mọi quan hệ dựa trên hợp đồng kinh tế đòi hỏi phải có suy nghĩ khác và cách làm khác.

Viện nghiên cứu chuyên ngành:

Những cơ quan này mới là nơi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, lập dự án đầu tư, nghiên cứu cho hàng loạt vấn đề liên quan đến đô thị, nên đầu tư nơi nào trước, qui mô ra sao và đồng vốn thế nào... Bởi chỉ có các viện này mới tập hợp đủ chuyên gia và thông tin để định hướng khoa học, phát triển kinh tế, phát triển đô thị, được đãi ngộ xứng đáng, nhưng không hoạt động theo hợp đồng kinh tế hay đơn đặt hàng mà hoạt động theo nghiên cứu và báo cáo khoa học. Từ đó UBND hay chủ đầu tư có cơ sở lựa chọn, lên danh sách xây dựng trong năm.

Nhà tư vấn

Tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, sản phẩm hoặc hạ tầng cơ sở xã hội để giúp chủ đầu tư quyết định chính xác qui mô, diện tích tổng mức đầu tư, nhà tư vấn không phải là nhà thiết kế hay thi công. Nhà tư vấn chỉ tham mưu, không trực tiếp và chủ đầu tư có thể nghe tham mưu hoặc không nghe!

Khi chủ đầu tư (hay UBND các cấp) có được danh sách đầu tư trong năm hoặc kế hoạch năm năm từ các viện nghiên cứu, các nhà tư vấn sẽ công khai mời gọi, thi tuyển thiết kế (không chỉ định), trưng cầu ý dân, triển lãm và thành lập ban giám khảo chọn lựa theo thông lệ quốc tế, các nhà thiết kế sẽ tùy theo điều kiện của mình có thể đăng ký tham gia trên cả nước, không phân biệt “kiến trúc sư tiến sĩ” hay “kiến trúc sư hạng 3”!...

Nhà thiết kế

Kiến trúc sư hành nghề trong một kiến trúc sư đoàn theo thông lệ quốc tế. Kiến trúc sư đoàn do Chính phủ hay UBND phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam thành lập, cấp giấy phép hành nghề, chế tài và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của kiến trúc sư hành nghề trong nước.

Một đồ án hoàn chỉnh của công ty thiết kế nước ngoài lập chỉ có thiết kế sáng tạo kiến trúc, qui hoạch kèm theo điều kiện sách để đấu thầu thi công, không có bảng dự toán, không có các hồ sơ thiết kế kỹ thuật khác. Tại sao? Bởi họ giữ bí mật giá công trình, nhà thầu nào tập hợp được nhiều kỹ sư giỏi, thiết bị hiện đại sẽ đáp ứng được đòi hỏi kỹ thuật của kiến trúc sư sáng tác, giá thành hạ sẽ trúng thầu.

Như vậy người kiến trúc sư sáng tác sẽ dành nhiều công sức của mình về chuyên môn, bao gồm nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội, mỹ thuật và một phần kỹ thuật. Và bản vẽ đó không cần ai phê duyệt, thẩm định bởi đã được hội đồng của UBND cấp cao nhất chọn lựa! Họ sẽ hành nghề theo Luật doanh nghiệp và điều lệ của hội nghề nghiệp. Nếu họ thiết kế sai, đơn giản là đồ án sẽ không được chọn hoặc chịu trách nhiệm trước kiến trúc sư đoàn hay pháp luật. Đối với công trình vốn ngân sách phải thi tuyển, và khi đã chọn xong đồ án thì sẽ không có điều chỉnh, thay đổi hay lấy ý tưởng đó thuê đơn vị khác thiết kế.

Khi qui trình trên được thống nhất, vấn đề còn lại của nhà thầu sẽ đơn giản, dễ quản lý và qui trách nhiệm, khi đó nhà thầu phải có kỹ sư điện, kỹ sư nước, kỹ sư kết cấu, kỹ sư thiết bị, kỹ sư vận hành để thực hiện đúng ý đồ tác giả, Nhà nước không cần tiền kiểm, phê duyệt các bản vẽ thi công này mà tập trung hậu kiểm, không cần phê duyệt giá dự toán mà chỉ cần quyết toán giá thầu... Hậu kiểm đơn giản vậy nhưng sẽ không có nhà thầu nào dám vi phạm vì họ sẽ bị phạt nặng, phá sản hoặc bị tước giấy phép hành nghề.

KTS. NGUYỄN NGỌC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên