28/06/2004 08:38 GMT+7

"Chống đầu cơ đất đai bằng thuế"

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT - “Dự án Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã chiếm nhiều nhất thời gian, tâm trí của tôi” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực tâm sự. Và hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm 1-7 Luật đất đai có hiệu lực, người đứng đầu ban soạn thảo đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc gặp gỡ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực:

MSNFxqtu.jpgPhóng to
TT - “Dự án Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã chiếm nhiều nhất thời gian, tâm trí của tôi” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực tâm sự. Và hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm 1-7 Luật đất đai có hiệu lực, người đứng đầu ban soạn thảo đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc gặp gỡ.

* Theo bộ trưởng, việc Luật đất đai chính thức đi vào cuộc sống có thể “khuấy động” trở lại thị trường này?

- Chưa thể nói khi luật có hiệu lực, thị trường nhà đất sẽ có ngay sự thay đổi mang tính đột biến. Nhu cầu thật sự có đất để ở hoặc để kinh doanh sẽ chỉ tăng từ từ. Nhưng khi thị trường bất ngờ nóng lên, chúng ta phải xem xét ngay yếu tố đầu cơ và nguyên nhân gây ra đầu cơ từ sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai, nhà ở của cơ quan nhà nước.

Từ nay Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ những anh có dấu hiệu làm “động tác giả”, cứ nhận giao đất là găm lại chờ giá lên để chuyển nhượng. Các dự án tới đây phải được đầu tư đúng tiến độ, phù hợp mục đích giao đất. Các hành vi đầu cơ sẽ bị điều tiết bằng chính sách thuế, đất dự án không sử dụng hoặc sử dụng chậm so với tiến độ đều phải bị thu hồi. Lâu nay vấn đề này chúng ta làm chưa nghiêm thì bây giờ phải làm thật nghiêm. Dư luận xã hội đang chê trách Nhà nước thiếu kiên quyết trong việc này.

* Có dư luận cho rằng sau khi Luật đất đai có hiệu lực, sẽ có nhiều sắc thuế về đất làm cho hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất khó khăn và người mua nhà, đất sẽ bị đánh thuế nặng?

- Không thể có chuyện đó đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng bình thường. Chính phủ vừa có nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản. Chính sách thuế phải nhằm khuyến khích thị trường đó phát triển. Nhưng dứt khoát phải thông qua chính sách thuế để có sự điều tiết mạnh nhằm hạn chế nạn đầu cơ, tích trữ đất đai.

* Bộ trưởng cho rằng thị trường bất động sản sau 1-7 sẽ không có những thay đổi đột biến. Tuy nhiên đã có ý kiến nhận định rằng: giai đoạn đầu thi hành Luật đất đai, thị trường địa ốc sẽ nóng lên và qua một thời gian, khi cung - cầu đã nhìn thấy nhau rõ hơn, thị trường sẽ tự điều chỉnh theo giá trị thật của bất động sản?

Bộ trưởng Mai Ái Trực năm nay 58 tuổi, quê quán huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng ông đã từng có 16 năm (trước và sau ngày giải phóng miền Nam) lăn lộn với nghề báo và một thời gian dài làm tổng biên tập Đài phát thanh tỉnh Bình Định. 12 năm sau đó, ông lần lượt kinh qua các chức vụ phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, ông là bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

- Nên nhớ Luật đất đai là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nhưng hiệu lực của bản thân nó sẽ hết sức hạn chế nếu chúng ta tổ chức triển khai tồi và khi ấy, thị trường đất đai lại sẽ lộn xộn.

Ngược lại, khi ta làm qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, giải quyết tốt cung - cầu về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chống đầu cơ đất đai, kiên quyết trong việc thu hồi đất, giải quyết hợp lý nhu cầu nhà ở cho người dân... mọi chuyện sẽ đổi khác, thị trường đất đai sẽ đi đúng hướng. Tóm lại, nếu chỉ lấy riêng Luật đất đai để điều chỉnh thị trường nhà đất, tôi e rằng chưa đủ.

* Vậy thưa bộ trưởng, những yếu tố nào sẽ có chuyển biến nhanh và rõ nét ngay khi luật có hiệu lực?

- Có thể kể ra đây mấy điểm. Thứ nhất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ 1-7 sẽ hoàn toàn thuộc về địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện).

Thứ hai, nhiều vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được tháo gỡ, chẳng hạn đối với những trường hợp sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15-10-1993 mà có giấy tờ hoặc không có giấy tờ hợp lệ, nếu UBND xã, phường, thị trấn xác nhận đất không tranh chấp, phù hợp qui hoạch đối với nơi đã có qui hoạch cũng vẫn được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Thứ ba, từ 1-7 sẽ tiến hành việc thu hồi những diện tích đất quá 12 tháng không triển khai và quá 24 tháng triển khai không đúng tiến độ của dự án. Hiện Bộ Tài nguyên - môi trường đã chỉ đạo thống kê, kiểm kê toàn bộ số đất bị hoang phí này và sẽ thanh tra, kiểm tra xem các địa phương thực hiện việc thu hồi số đất ấy ra sao.

* Một lãnh đạo địa phương đã nói: việc công bố giá đất hằng năm có mặt tích cực của nó nhưng cũng gây tâm lý không tốt tác động vào thị trường bất động sản, đó là tâm lý... chờ giá. Vấn đề này sẽ được xử lý ra sao, thưa bộ trưởng?

- Trong chỉ thị về triển khai thi hành Luật đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong sáu tháng cuối năm nay, các địa phương tiến hành điều chỉnh giá đất ở những nơi giá đất do Nhà nước qui định đang còn quá chênh lệch so với giá thực tế trên thị trường. Còn từ 1-1 hằng năm, các địa phương phải công bố giá đất, đó là việc làm cần thiết và “công bố” ở đây không đồng nghĩa với “điều chỉnh” (có thể có những khu vực, giá đất năm sau vẫn ổn định so với năm trước).

Câu chuyện “hậu Quốc hội”

Về con số 80% - con số thường được đề cập mỗi khi nhắc đến tỉ lệ giao dịch ngầm trong thị trường nhà đất hiện nay, Bộ trưởng Mai Ái Trực nói rằng cần phải điều tra cẩn thận trước khi đưa ra một số liệu. Và ông cho rằng:

- Khắc phục ngay lập tức tình trạng này thì chưa được đâu. Bởi thủ tục hành chính của mình phiền hà cũng có, vì đất giao dịch không giấy tờ cũng có... Cho nên một việc cấp thiết là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được đẩy nhanh hơn. Bộ Tài nguyên - môi trường đang có kế hoạch cho việc này hết sức chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu hoàn thành vào năm 2005.

* Nhân bộ trưởng nói đến vấn đề này, chúng tôi chợt nhớ tới câu chuyện “muốn có nhà, đất phải có hộ khẩu và muốn có hộ khẩu phải có nhà, đất”...

- Hôm trả lời chất vấn trước Quốc hội, tôi đã khẳng định và nay xin nhấn mạnh lại rằng: Tổng cục Địa chính trước đây và Bộ Tài nguyên - môi trường hiện nay không hề có qui định cũng như chưa từng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng đưa ra yêu cầu ấy.

Không những thế, tại thông tư số 1417 ngày 18-9-1999 của Tổng cục Địa chính còn nêu rõ: hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và tại địa phương khác (nghĩa là nơi không có hộ khẩu). Và đã được nhận chuyển nhượng thì phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đó là lẽ đương nhiên.

* Vậy với vai trò quản lý ngành, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ làm gì để khắc phục vấn đề này?

- Sau phiên chất vấn ở Quốc hội, mặc dù dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai đã được trình nhưng Bộ Tài nguyên - môi trường đã đề nghị Chính phủ bổ sung một điều khoản: cấm đặt ra điều kiện về hộ khẩu trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

* Nhưng nghị định này đã không kịp ban hành để có hiệu lực từ 1-7?

- Thật ra dự thảo đã được chuẩn bị từ sớm và đã trình Chính phủ hồi giữa tháng năm, nhưng do đất đai là lĩnh vực hết sức phức tạp, nhạy cảm; nghị định lần này không chỉ hướng dẫn thi hành luật mà còn điều chỉnh cả những mối quan hệ chưa được đề cập trong luật nhằm đảm bảo công tác quản lý tốt hơn, cho nên Chính phủ cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi ban hành. Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng sáu, từ ngày 30-6 đến 2-7, sẽ thảo luận thông qua và tôi tin là được ban hành trong tháng bảy.

Nhưng cũng xin nói để người dân yên tâm: Luật đất đai 2003 đã rất cụ thể, phải được thi hành ngay từ ngày 1-7, không chờ đợi gì cả. Thậm chí cả những điểm luật giao Chính phủ qui định thì trong lúc nghị định chưa ban hành cũng sẽ có cách để khắc phục. Tất nhiên là phải cố gắng để ban hành sớm nhất các văn bản hướng dẫn.

* Xin cảm ơn bộ trưởng.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên